Bầu trời tuổi thơ của các em có những gì? Con đê dài với hàng cỏ may chi chít, những trận bóng căng thẳng giữa cánh đồng, buổi trưa không ngủ cùng bè bạn rong ruổi khắp làng bắt ve, những trò nghịch dại, hay là những lần tụ tập chơi năm mười, ô ăn quan?…
Mỗi đứa trẻ lớn lên với bao nhiêu điều thú vị, quãng thời gian đó chúng có những người bạn ấu thơ. Là chú cún, cô mèo mướp, chú gà choai, bầy dế nhỏ… và quen thuộc với mỗi đứa trẻ làng quê có vẻ như là hình ảnh của loài chim. Câu chuyện Bầy chim chìa vôi của tác giả Nguyễn Quang Thiều vẽ ra cho độc giả thấy được một bức tranh làng quê với hình ảnh của những đứa trẻ và sự xuất hiện của bầy chim chìa vôi – người bạn tuổi thơ của chúng. Cùng HVCTP khám phá bức tranh tuổi thơ ấy nhé!
1. Trước khi đọc
Hãy chia sẻ một trải nghiệm đẹp của tuổi thơ em. Ghi lại một số từ ngữ diễn tả cảm xúc của em khi nghĩ về trải nghiệm đó.
Định hướng trả lời:
– Tuổi thơ mỗi người là một thế giới riêng với nhiều màu sắc khác nhau. Môi trường và không gian sống cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến từng gam màu ấy. Có thể những bạn học sinh ở vùng nông thôn sẽ có bức tranh tuổi thơ gắn liền với cánh đồng, đàn trâu, chiều chiều rủ nhau lên đê tắm mát… thì các bạn ở thành thị lại vẽ cho mình khung cảnh của những buổi chiều thong dong trên phố, cuộc chơi năm mười, rôm rả trong những bộ phim hè…
Ai cũng có tuổi thơ của riêng mình, và chắc hẳn các em sẽ là người rõ nhất cảm xúc của mình khi nghĩ về những trải nghiệm mà các em đã trải qua. Hãy ghi ra giấy cảm xúc chân thật của mình.
– Xác định các ý chính cần trả lời: Trải nghiệm ấy là gì? Em có cảm xúc gì về trải nghiệm ấy?
2. Trong khi đọc
Định hướng trả lời các câu hỏi trong quá trình đọc:
Câu 1: Theo dõi: Nội dung cuộc trò chuyện của hai anh em Mên và Mon lúc nửa đêm.
– HS dựa vào cuộc hội thoại của hai anh em để thấy được trong câu chuyện lúc nửa đêm của hai anh em: Mon thắc mắc đêm xuống có mưa lớn không và bãi cát giữa sông đã ngập hay chưa.
Câu 2: Theo dõi: Chi tiết nào được lặp lại trong những lời nói của nhân vật Mon?
– HS theo dõi trong lời thoại của nhân vật Mon, gạch chân dưới từ ngữ Mon lặp lại: Anh bảo.
Câu 3: Theo dõi: Thói quen làm tổ và đẻ trứng của bầy chim chìa vôi ở bãi sông quê Mên và Mon.
– HS đọc kĩ đoạn văn “Hằng năm vào mùa nước cạn […] bắt đầu mùa sinh nở của chúng” để phát hiện:
+ Loài chim chìa vôi thường làm tổ ở dải cát giữa sông (mùa nước cạn làm lộ rõ dải cát này), trên những đám rong sông đã héo.
+ Chúng đẻ trứng trên những đám rong khô và dày, đến khi mùa mưa bắt đầu thì chim chìa vôi con mới đủ lông đủ cánh để bay đi.
Câu 4: Dự đoán: Bầy chim chìa vôi non có bay được vào bờ không?
– HS dự đoán dựa vào đoạn văn kể về thói quen làm tổ và đẻ trứng của chim chìa vôi. Như ở trên đã tìm hiểu, chim chìa vôi con khi đủ lông đủ cánh, vào đúng thời điểm mưa sắp ngập dải cát chúng sẽ bay lên bờ. Vậy suy luận ra bầy chim non có thể bay vào bờ được.
Câu 5: Theo dõi: Chú ý cử chỉ, lời nói của nhân vật Mên.
– HS chú ý gạch chân dưới những từ ngữ miêu tả cử chỉ của nhân vật, trong lời nói của nhân vật cũng bộc lộ được tính cách của chính họ.
Câu 6: Hình dung: Khung cảnh bãi sông trong buổi bình minh.
– Khung cảnh bãi sông trong buổi bình minh:cảnh tượng như huyền thoại hiện ra trước mắt, một cảnh tượng vô cùng tươi sáng, tràn đầy sức sống”một cánh chim nhỏ ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên”.
Câu 7: Đối chiếu: Cuộc “cất cánh” của bầy chim chìa vôi non ở đây có đúng như dự đoán của em không?
– HS đọc đoạn văn và đối chiếu dự đoán
Câu 8: Theo dõi: Cảm xúc của hai nhân vật Mên và Mon khi quan sát bầy chim chìa vôi non bay lên.
– HS gạch chân dưới các câu văn, từ ngữ diễn tả tâm trạng cảm xúc của nhân vật Mên và Mon:
+ Hai đứa bé không kêu lên một tiếng nào (Ngạc nhiên)
+ Người chúng như đang ngùn ngụt tỏa hơi nóng (Hồi hộp)
+ Và cả hai đứa bé nhận ra chúng đã khóc từ lúc nào (Sung sướng, hạnh phúc đến bật khóc)
+ Bật cười ngượng nghịu (Cảm thấy vui, mọi lo lắng đã tan biến)
3. Sau khi đọc
Câu 1: Em hãy xác định đề tại và ngôi kể của truyện Bầy chim chìa vôi.
Định hướng trả lời:
– Xác định đề tài: Truyện bầy chim chìa vôi viết về đề tài thiếu nhi (cụ thể là trải nghiệm tuổi thơ của những đứa trẻ gắn liền với hình ảnh thiên nhiên, loài vật).
– Ngôi kể: Truyện được kể từ ngôi thứ ba.
Dấu hiệu nhận biết: người kể chuyện giấu mình (không xưng “tôi” “ta”) để kể lại mọi tình tiết truyện. Tác dụng: câu chuyện được kể lại một cách khách quan, toàn diện.
Câu 2: Chỉ ra đâu là lời người kể chuyện, đâu là lời nhân vật trong đoạn văn sau:
Khoảng hai giờ sáng Mon tỉnh giấc. Nó xoay mình sang phía anh nó, thì thào gọi:
– Anh Mên ơi, anh Mên!
– Gì đấy? Mày không ngủ à? – Thằng Mên hỏi lại, giọng nó ráo hoảnh như đã thức dậy từ lâu lắm rồi.
Định hướng trả lời:
– Xem lại kiến thức đã học, phân biệt lời người kể chuyện và lời nhân vật:
+ Lời của người kể chuyện là lời dẫn, giải thích, mô tả thêm.
+ Lời của nhân vật là lời nói trực tiếp (Thường gạch đầu dòng hoặc để trong dấu ngoặc kép).
– Xác định:
Lời người kể chuyện: | – Khoảng hai giờ sáng Mon tỉnh giấc. Nó xoay mình sang phía anh nó, thì thào gọi:
– Thằng Mên hỏi lại, giọng nó ráo hoảnh như đã thức dậy từ lâu lắm rồi. |
Lời nhân vật: | – Anh Mên ơi, anh Mên!
– Gì đấy? Mày không ngủ à? |
Câu 3: Điều gì khiến hai anh em Mên, Mon lo lắng khi thấy mưa to và nước đang dâng cao ngoài bãi sông? Chi tiết nào thể hiện rõ nhất điều đó?
Định hướng trả lời:
– HS lưu ý đọc kĩ đoạn hội thoại của hai anh em, chú ý các chi tiết lặp lại trong lời thoại của Mon và câu trả lời của Mên.
– Điều khiến hai anh em Mên, Mon lo lắng khi thấy mưa to và nước đang dâng cao ngoài bãi sông: Lo lắng vì sợ “Tổ chim sẽ bị chìm mất” và những con chim chìa vôi non có thể sẽ bị chết đuối.
– Chi tiết thể hiện rõ nhất: Có lẽ sắp ngập mất bãi cát rồi, Em sợ những con chim chìa vôi non bị chết đuổi mất, Thế anh bảo chúng nó có bơi được không?…
Câu 4: Trong cuộc trò chuyện ở phần (2), Mon nói với Mên những chuyện gì? Nội dung cuộc trò chuyện ấy giúp em cảm nhận ra được những nét tính cách nào của nhân vật Mon?
Định hướng trả lời:
– Câu chuyện của Mon:
Chuyện về lũ chim chìa vôi:
+ Hỏi anh “đã thấy chim chìa vôi nó bay từ bãi cát vào bờ bao giờ chưa?
+ Lo lắng vì sợ “Tổ chim sẽ bị chìm mất”.
+ Gợi ý về giải pháp: “Hay mình mang chúng nó vào bờ.” nhưng lại không biết thực hiện như thế nào.
=> Nỗi lo lắng cho bầy chim non một tăng cao khi trời mưa không ngớt nên Mon đã chủ động và bạo dạn hơn so với cuộc nói chuyện đầu tiên.
Chuyện về con cá bống:
+ Mon lại chuyển sang chuyện về con cá bống bố bắt được> rất ngây thơ, hồn nhiên.
+ Mon thấy cá bống đẹp liền lấy trộm cá, mang ra sông thả đi-> tâm hồn nhân hậu, yêu thương loài vật.
Chuyện về lũ chim chìa vôi:
+ Nỗi lo âu ngập tràn trong giọng nói: “tổ chim ngập mất.” + Từ lời gợi ý rụt rè => một câu khẳng định, một quyết định dứt khoát: “Mình phải mang chúng nó vào bờ”.
+ Thay vì hỏi anh cách làm. Mon đưa ra câu trả lời chắc chắn “Vâng, cứ lấy đò của ông Hảo mà đi” => Câu chuyện về con cá bống, cái hốc cắm sào đò đã làm lóe lên trong tâm trí cậu bé cách thức vượt song ra bãi cát để cứu lũ chim.
– Từ câu chuyện ấy để thấy được Mon là cậu bé có tâm hồn trong sáng, nhân hậu, biết yêu thương loài vật, cũng rất sáng suốt, tự tin và quyết đoán.
Câu 5: Nêu một số chi tiết miêu tả nhân vật Mên ở phần (3). Em hãy dựa vào các chi tiết đó để khái quát tính cách của nhân vật Mên.
Định hướng trả lời:
– Các chi tiết miêu tả nhân vật Mên:
+ Mên lại “tỏ vẻ rất người lớn” khi đưa ra những quyết định dứt khoát: “Phải kéo đò về bến chứ… bây giờ tao kéo, mày đấy”.
+ Hành động mạnh mẽ: “quấn cái dây buộc đò vào người nó và gò lưng kéo”.
+ Đưa ra những câu trả lời chắc, gọn, quả quyết cho các câu hỏi của em mình.
+ “Thằng Mên nói và ngồi thụp xuống. Nó căng mắt nhìn sát mặt sông”,…
– Từ đó để thấy được tính cách của nhân vật Mên: Mên là anh, có phần hiểu biết, trưởng thành hơn Mon, là một người sống có trách nhiệm, biết suy nghĩ, hành động mạnh mẽ, biết quan tâm mọi thứ xung quanh nhưng vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên, giàu tình thương. Cậu cũng có chung sự quan tâm, lo lắng cho lũ chim non với em mình.
Câu 6: Khi đọc đoạn văn miêu tả khung cảnh bãi sông trong buổi bình minh, em có ấn tượng nhất với chi tiết nào? Vì sao?
Định hướng trả lời:
– HS đọc lại đoạn văn, ghi lại chi tiết mình ấn tượng và giải thích.
– Có thể tham khảo:
+ Chi tiết miêu tả cảnh tượng như huyền thoại: những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên. Bởi vì đây là một hình ảnh tương phản đặc biệt, tương phản của hai hình ảnh cánh chim bé bỏng với dòng nước khổng lồ và cảm xúc ngỡ ngàng, vui sướng của anh em Mên, Mon khi thấy bầy chim chìa vôi non không bị chết đuối mặc dù dải cát nơi chúng làm tổ đã chìm trong dòng nước lũ.
+ Chi tiết một chú chim non đuối sức nhưng nó vẫn kiên cường dùng sức lực của chính bản thân mình để bay lên hòa mình với bầy đàn. Bởi vì đây là một chi tiết mang tính nhân văn, truyền động lực. Nó giúp ta vừa có thể cảm nhận thấy vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như là sức sống của chú chim chìa vôi. Nó chính là biểu tượng cho sự cố gắng, vươn lên bằng chính sức lực của bản thân mình. Thông qua chi tiết này, con người chúng ta cũng có thể học tập được rất nhiều điều để hoàn thiện bản thân.
Câu 7: Trong đoạn kết của truyện, Mên và Mon hình như không hiểu rõ vì sao mình lại khóc. Em hãy giúp các nhân vật lý giải điều đó.
Định hướng trả lời:
– Vì hai anh em đều là những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, giàu cảm xúc, giàu tình yêu thương vạn vật.
– Vì hai anh em đã được chứng kiến một khung cảnh kì diệu của sự sống. Giọt nước mắt trào ra thể hiện sự xúc động mãnh liệt, niềm sung sướng vỡ òa sau bao ngày lo lắng cho lũ chim non.
4. Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) kể lại sự việc bầy chim chìa vôi bay lên khỏi bãi sông bằng lời của một trong hai nhân vật Mon hoặc Mên (ngôi kể thứ nhất).
Định hướng:
– Xác định yêu cầu:
+ Dạng bài viết: đoạn văn
+ Dung lượng đoạn văn: từ 5-7 câu
+ Chủ đề: kể lại sự việc kể lại sự việc bầy chim chìa vôi bay lên khỏi bãi sông bằng lời của một hoặc hai nhân vật Mon hoặc Mên.
=> Ngôi kể thứ nhất (nhân vật xưng “tôi” để kể lại ).
– Tìm ý:
Ghi lại những nội dung chính trong cốt truyện từ đoạn miêu tả bầy chim chìa vôi bay lên khỏi bãi sông:
+ Bối cảnh: cảnh bên bờ sông vào lúc bình minh, dải cát bị dòng nước khổng lồ nuốt chửng.
+ Cảnh tượng những con chim non bay lên khỏi dòng nước.
+ Cảnh tượng một chú chim non bị đuối sức, rơi xuống dòng nước nhưng đã mạnh mẽ bứt mình bay lên cao.
+ Cảm xúc của người kể (Mên hoặc Mon) khi chứng kiến tất cả cảnh tượng đó (khóc vì xúc động mãnh liệt, vui sướng khi bầy chim non đã thoát khỏi dòng nước lớn).
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 1: Bầu trời tuổi thơ
1. Soạn bài Bầy chim chìa vôi (Nguyễn Quang Thiều).
2. Soạn bài Đi lấy mật (Trích Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi).
3. Soạn bài Ngàn sao làm việc (Võ Quảng).
4. Soạn bài thực hành đọc: Ngôi nhà trên cây (trích Tốt-tô-chan bên cửa sổ, Cư-rô-ya-na-gi Tê-sư-cô).
6. Soạn bài Viết: Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài.
7. Soạn bài Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm.