Mỗi vùng miền có một vẻ đẹp riêng, một nét đặc trưng riêng biệt về thiên nhiên, con người, ẩm thực, phong tục tập quán… Đến miền Trung Việt Nam, ta hãy ghé vùng đất Huế thương để nghe điệu hò trên sông Hương, được thưởng ngoạn những không gian cổ kính và thưởng thức nhiều món ăn ngon, trong đó có cơm hến. Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều tác phẩm viết về Huế, riêng Chuyện cơm hến mang đến một văn phong thú vị. Cùng HocVanCoTruongPhuong khám phá tác phẩm này trong chương trình Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống, chủ đề Màu sắc trăm miền.
1. Trước khi đọc
Câu hỏi 1: Mỗi vùng miền trên thế giới đều có những nét riêng trong phong cách ẩm thực. Hãy chia sẻ hiểu biết của em về vấn đề này.
Gợi ý:
Mỗi vùng miền trên thế giới đều có những nét riêng trong phong cách ẩm thực. Ở những miền nóng, con người thường ưa chuộng những món ăn có tính mát, tính hàn. Ngược lại, ở những vùng lạnh, người ta thường chế biến ra các món ăn có vị cay, vị nồng với tác dung giữ nhiệt cho cơ thể. Mỗi món ăn là được xem là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất mà họ sinh sống. Chẳng hạn như đến Hàn Quốc bạn sẽ được hà hít những món ăn cay nồng như kim chi, các món nướng, lẩu… Đến Pháp chúng ta sẽ mê mẩn trước những món bánh ngon miệng… Riêng ở Việt Nam ba miền đều có những phong cách ẩm thực khác nhau: miền Bắc nổi tiếng với những món ấm nóng như phở, miền Trung giáp biển nhiều nên hải sản rất ngon miệng, miền Nam chuộng những món mát lành hơn như các món canh.
Câu hỏi 2: Nếu được yêu cầu giới thiệu về một món đặc sản quê em, em sẽ chọn món nào.
Gợi ý:
– HS tìm hiểu về món ăn đặc sản quê mình.
– Giới thiệu: về tên gọi món ăn, cách làm, cách thưởng thức… Đặc biệt phải lý giải được vì sao nó là món đặc sản.
2. Sau khi đọc
Câu hỏi 1: Những chi tiết nào cho thấy cơm hến là món ăn bình dân?
Gợi ý:
– HS tìm những câu, chi tiết có trong VB nói về các nguyên liệu làm cơm hến, cách người dân thưởng thức cơm hến:
+ Những nguyên liệu như ruột hến, cơm nguội, miến, măng khô, rau sống, thịt heo – những thứ đơn giản, dễ kiếm, có thể được tận dụng – trở thành những vị chủ đạo của món cơm hến.
+ Những gia vị làm cơm hến cũng rẻ và dễ kiếm như da heo, tóp mỡ (nguyên liệu thừa sau khi chế biến các món ăn hằng ngày), ớt, muối, mè, đậu phộng, ruốc, bánh tráng,…
+ Người bán cơm hến bán rong trên đường phố, bất cứ ai cũng có thể ăn, người nghèo cũng ăn được vì nó phù hợp với túi tiền của tất cả mọi người.
=> Cả những nguyên liệu chính lẫn gia vị đều nói lên tính chất bình dân của món ăn. Ai cũng có thể thưởng thức món ăn này. Đây là một món ăn bình dần từ nguyên liệu cho đến cách ăn.
Câu hỏi 2: Món cơm hến cho thấy đặc điểm gì trong phong cách ăn uống của người Huế?
Gợi ý:
– HS nhận ra phong cách ăn uống của người Huế thông qua món cơm hến:
Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã gây ấn tượng với người đọc về khẩu vị ăn cay khác thường của người Huế so với người ở những địa phương khác. Món cơm hến có đến 3 loại ớt: ớt tương, ớt màu, ớt dầm mắm. Món này tiêu biểu cho phong cách ăn “cay dễ sợ”, cay “chảy nước mắt” của người Huế. Mặt khác, món cơm hến là kết quả của một nghệ thuật chế biến tỉ mỉ, cẩu kì rất đặc trưng của người Huế. Hay nói cách khác, qua món cơm hến, ta thấy người Huế đã nâng một món ăn bình dân lên thành nghệ thuật ẩm thực. (Có người cho rằng cơm hến là món bình dân, rồi được đưa vào cung đình, được chế biến bởi các đầu bếp tài hoa, rồi lại trở ra cuộc sống bình dân nên nó được nâng lên thành tinh hoa ẩm thực Huế.)
Câu hỏi 3: Chuyện cơm hến có phải chỉ đơn giản là văn bản giới thiệu một món ăn không? Tác giả bàn tới những điều gì xung quanh món cơm hến?
Gợi ý:
– Lấy điểm tựa từ một món ăn của người bình dân, bài tản văn bàn luận về vấn đề phong tục, tập quán, về sự giữ gìn văn hóa truyền thống, về đặc điểm nhân học, về tình yêu và sự gắn bó với quê hương,… Do vậy, Chuyện cơm hến không chỉ giới thiệu một món ăn hay là cung cấp thông tin về công thức chế biến món ăn. Món cơm hến là cái cớ để bàn nhiều chuyện khác: văn hóa và việc giữ gìn văn hóa xung quanh món cơm hến, tình yêu quê hương.
Câu hỏi 4: Theo em, tại sao tác giả lại cho rằng “một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa”?
Gợi ý:
– HS trình bày quan điểm của mình theo hướng:
+ Di tích văn hóa ghi dấu ấn lịch sử của một thời. Trên thế giới đã có nhiều cách giữ gìn, trùng tu di tích. Một trong những nguyên tắc được đặt lên hàng đầu là bảo tồn nguyên trạng. Khi có những hạng mục quá xuống cấp, người ta phục dựng bằng nguyên liệu thay thế nhưng vẫn giữ lại chứng tích cũ (có tính trưng bày). Nếu không lưu giữ được nguyên trạng, mọi sự “làm mới” đều làm mất đi tính lịch sử của di tích. Hỗn cốt của một cộng đổng nằm ở tính lịch sử – truyền thống. Vì thế, để giữ gìn truyền thống văn hóa, cần bảo tồn nguyên trạng những nét xưa.
+ Món ăn cũng vậy. Nếu bảo tồn được nét xưa sẽ bảo tồn được truyền thống. Pha tạp sẽ mất đi hồn cốt. Cho nên, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa. Đối với tác giả, món cơm hến đúng điệu phải bảo tồn nguyên liệu và cách chế biến.
– Hoặc có thể trình bày theo hướng phản biện:
+ Cuộc sống hằng ngày thay đổi, khẩu vị con người thích ứng với sự thay đổi, văn hóa không phải là bất biến, nhất là trong cách ăn uống. Vậy câu khẳng định của nhà văn như một cách nêu vấn đề bàn luận. Người đọc có thể đồng tình, có thể không đồng tình. Cuộc đối thoại của tác giả với chị bán cơm hến cũng là sự đối thoại của các quan niệm về sự giữ gìn bản sắc.
Câu hỏi 5: Hình ảnh chị bán hàng cùng gánh cơm hến và bếp lửa gợi cho em suy nghĩ gì về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của cư dân bản địa?
Gợi ý:
– HS nhận ra hình ảnh chị ban hàng (dù chỉ được miêu tả chấm phá vài nét ít ỏi trong VB): dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kĩ, chiếc nón cời và tiếng rao lanh lảnh. Đây là hình ảnh của người bán hàng trên phố, nghèo nhưng không lam lũ, khổ sở mà vẫn có cái tươm tất, tề chỉnh của một người dù là dân lao động nhưng vẫn giữ cốt cách nền nã của người cố đô. Gánh cơm hến của chị có mười bốn vị, mà mỗi bát cơm hến có 500 đồng (thời giá những năm cuối thế kỉ XX). Mặc dù rất rẻ nhưng bát cơm hến vẫn đủ vị, như thể người bán không đặt lời lãi lên hàng đầu. Bán hàng là để mưu sinh, nhưng mưu sinh đi liền với niềm vui được tiếp nối truyền thống. Bản thân chị và gánh hàng của chị trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Huế.
– HS lưu ý lời nói của chị bán hàng: Nói như cậu thì… còn chi là Huế!. Nếu vì bán rẻ mà không làm đúng theo cách cổ truyền, thay đổi nguyên liệu khác hoặc rút bớt nguyên liệu thì sẽ có lợi về thu nhập cho người bán, nhưng sẽ mất đi cái hồn của Huế. Câu nói giản dị của chị bán hàng thể hiện thái độ ứng xử với văn hóa của người dân địa phương. Họ coi bảo tồn truyền thống như một điều không cần bàn cãi. Văn hóa được lưu truyền từ chính cuộc sống bình dị, tự nhiên của cộng đồng cư dần. Nó như những mạch ngầm chảy trong cách sống, cách nghĩ của con người ở những vùng miền khác nhau. Mỗi cư dân trong cộng đồng là một hạt mầm vừa tiếp nối, vừa nuôi dưỡng những nét đẹp văn hóa địa phương.
– Gánh cơm hến của chị bán hàng có một chi tiết đặc biệt, đó là bếp lửa. Đây là một hình ảnh vừa thực vừa mang tính tượng trưng, được dùng để kết thúc tác phẩm, gợi ra những hàm nghĩa sâu sắc: một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người.
– Bếp lửa cũng tượng trưng cho ý thức gìn giữ nét văn hóa cổ truyền ở những người bình dần như chị bán hàng. Họ mưu sinh nhưng không chạy theo lợi nhuận, “làm giả”, làm biến đổi những nét truyền thống, thu nhập ít ỏi nhưng họ không bỏ nghề, vẫn chăm chút cho nghề.
– Đó là ngọn lửa mà tác giả gọi là vị thứ 15 của món cơm hến. Nó giữ cho nước dùng hến được nóng, không có nó không thành món cơm hến đúng vị. Nhưng nó còn là “vị” của tình cảm con người với nghề, cua ý thức nỗ lực giữ gìn chất Huế, là “vị” của tầm hồn, là “vị” của niềm tin vào những điều không dễ mất trong cuộc sống.
Câu hỏi 6: Tìm những từ ngữ cho thấy lời văn của bài tản văn Chuyện cơm hến giống như lời tác giả đang trò chuyện với bạn đọc.
Gợi ý:
– HS tìm những cụm từ, những cách diễn đạt có tính chất khẩu ngữ, nhất là khẩu ngữ của người Huế: Người Huế thích dùng mướp đắng lúc còn xanh, nấu canh phải duống nồi nước sôi xuống để thả mướp vào mới đảm bảo là đắng, lại còn bóp mướp sống làm món nộm, đắng một cách tuyệt vời!, còn bạn nhậu người Quảng đều né hết, vì đắng không chị nổi, Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng “sướng miệng”: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc,… Tôi xin giới thiệu một ngày “Hạnh phúc trời hành” của dân Huế tui, Người “máu” cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp!, nghe tiếng rao cơm hến tôi thấy xúc động tận chân răng,…
– Những câu mang màu sắc đối thoại, cảm thán thường dùng khi chuyện trò trực tiếp: Vâng, mê nhất cái màu đùng đục ấy, ăn cơm hến mà chê nước đục là… dại!, Vâng, một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người,… đi xa nhớ lại thèm đứt sợi tóc, ở nước ngoài về bay ra Huế để ăn cho được một tô cơm hến lấy làm hả hê, thế đấy, chao ôi là Huế!.
Câu hỏi 7: Em cảm nhận như thế nào về cái tôi của tác giả được thể hiện trong Chuyện cơm hến?
Gợi ý:
– HS cần hiểu vấn đề: Cái tôi tác giả, hình tượng tác giả được thể hiện rõ nét trong tản văn, điều này khiến tản văn khác với các thể loại văn xuôi khác.
– Trong văn bản này, HS có thể nhận ra bóng dáng nhà văn trong Chuyện cơm hến từ cách miêu tả, cách nêu ý kiến, cách bộc lộ cảm xúc,…
– Gợi ý HS cảm nhận về cái tôi của tác giả:
+ Cái tôi của tác giả được thể hiện trong Chuyện cơm hến là cái tôi rất mạnh mẽ, cứng cỏi. Cái tôi mạnh mẽ này được thể hiện khi không chấp nhận những món ăn cải tiến và ví nó như đi cướp bằng sáng chế của vùng khác, nơi khác. Cái tôi của tác giả cũng gắn với niềm tự hào, tự tôn về quê hương của mình.
+ Đọc tản văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc thường nhận ra một cái tôi công dân có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, biết trân trọng những truyền thống văn hóa – lịch sử, yêu tha thiết quê hương, gắn bó với quê hương từ những điều nhỏ nhất.
3. Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hóa nơi em đang sống.
Gợi ý:
– HS tìm các đề tài về nét sinh hoạt, hay truyền thống văn hóa ở nơi mình sống.
– Cấu trúc đoạn văn:
+ Nét sinh hoạt hay truyền thống văn hóa mà em muốn giới thiệu là gì? Ở đâu?
+ Nét sinh hoạt, truyền thống văn hóa ấy được thể hiện như thế nào?
+ Ý nghĩa của nét sinh hoạt, truyền thống văn hóa ấy?
+ Bản thân em cần làm gì để phát huy nét sinh hoạt, các truyền thống văn hóa của quê hương?
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 5: Màu sắc trăm miền
1. Soạn bài Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt (trích, Vũ Bằng).
2. Soạn bài Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
3. Soạn bài Hội lồng tồng (Trần Quốc Vượng – Lê Văn Hảo – Dương Tất Từ).
4. Soạn bài Thực hành tiếng Việt: Dấu câu, biện pháp tu từ, từ ngữ địa phương.
5. Soạn bài Viết: Văn bản tường trình.
6. Soạn bài Nói và nghe: Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.