Soạn văn 7 bài Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm)

Nhắc tới Nguyễn Khoa Điềm, mỗi chúng ta lại nhớ về hình ảnh của quê hương và những người lính. Thơ ông mang cảm hứng ngợi ca, là những tái hiện vẻ đẹp con người trong chiến tranh, là tình yêu quê hương đất nước. Dù chiến tranh đã đi xa, con người đang sống trong thời đại mới, nhưng mỗi lần ngân lên những khúc thơ ấy mỗi bạn đọc chắc hẳn sẽ vô cùng tự hào, được tiếp thêm động lực để sống tốt hơn, phấn đấu nhiều hơn. Đồng dao mùa xuân là bài thơ mở đầu cho chủ đề Khúc nhạc tâm hồn trong chương trình Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống. Liệu khúc nhạc này sẽ mang tới cho bạn đọc những xúc cảm nào? Cùng TruongPhuong.com khám phá nhé!

mã giảm giá lazada

đồng dao mùa xuân

1. Trước khi đọc

Câu hỏi 1: Khi nghe nói đến cụm từ thơ bốn chữ, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí em là gì? Em biết những bài thơ bốn chữ nào? Hãy chia sẻ cảm xúc của em về một bài thơ bốn chữ.

Gợi ý trả lời:

– Thơ 4 chữ các em đã được làm quen từ bậc Tiểu học, vậy khi nhắc đến cụm từ này chắc hẳn các em sẽ nghĩ đến:

+ Là thể thơ mà mỗi dòng thơ gồm bốn chữ (4 tiếng).

+ Những bài thơ 4 chữ dễ nhớ, nhịp điệu vui tươi.

– Một số bài thơ 4 chữ: Lượm (Tố Hữu), Thương ông (Tú Mỡ), Hạt gạo làng ta (Trần Đăng Khoa), Sắc màu em yêu (Phạm Đình Ân)…

– Cảm xúc về một bài thơ 4 chữ: Bài thơ Hạt gạo làng ta (Trần Đăng Khoa) có nhịp điệu vui tươi, rộn ràng, hình ảnh thơ gần gũi với cuộc sống lao động. Bài thơ gắn bó với tuổi thơ của mọi thế hệ.

Câu hỏi 2: Chia sẻ cảm nhận của em về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ.

Gợi ý trả lời:

– HS nhớ lại hình ảnh bộ đội Cụ Hồ các em đã được gặp ở đâu? Có thể là qua các hình ảnh, trong một số bài thơ, hay các em đã được gặp trực tiếp. Để từ đó các em có những cảm nhận chính xác về họ.

– Cụ thể: Bộ đội Cụ Hồ, họ là những con người kiên trung, dũng cảm, luôn sẵn sàng hi sinh để chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Họ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta.

2. Trong khi đọc

Theo dõi: Số tiếng trong mỗi dòng thơ, vần thơ, nhịp thơ.

Gợi ý:

– HS theo dõi mỗi dòng thơ gồm mấy tiếng, bài thơ được gieo vần như thế nào (vần chân, vần lưng), nhịp thơ ngắt nhịp mấy (2/2, 1/3).

Hình dung: Hình ảnh người lính trong “những năm máu lửa”

Gợi ý:

– HS đọc kĩ bài thơ, gạch chân dưới những từ ngữ miêu tả hình ảnh người lính trong “những năm máu lửa”.

– Cụ thể: chưa một lần yêu, cà phê chưa uống, còn mê thả diều (những chàng thanh niên chân chất, chưa trải đời, rất vô tư)

Hình dung: Hình ảnh người lính ở lại nơi chiến trường xưa trong trí tưởng tượng của tác giả

Gợi ý:

– HS chú ý các câu thơ: ba lô con cóc, tấm áo màu xanh, làn da sốt rét, cái cười hiền lành (ở lại nơi chiến trường một mình nhưng anh vẫn như đang chiến đấu cùng đồng đội, tâm thái vẫn rất hồn hậu, hiền lành) anh ngồi lặng lẽ/ dưới cội mai vàng, anh ngồi rực rỡ, mắt như suối biếc, vai đầy núi non… (vẫn là người chiến sĩ với nhiều nỗi niềm, mơ ước, nhưng cũng đầy trách nhiệm)

3. Sau khi đọc

Câu hỏi 1: Cách chia khổ của bài thơ có gì đặc biệt? Hãy nêu tác dụng của cách chia đó.

Gợi ý trả lời:

– HS xem lại đặc điểm hình thức của bài thơ bốn chữ. HS xác định số lượng khổ trong bài, chú ý những khổ thơ có số lượng dòng khác với các khổ khác.

– Bài thơ được chia thành chín khổ. Hầu hết các khổ đều có bốn dòng. Tuy nhiên có hai khổ khác biệt với các khổ còn lại. Khổ một kể lại sự kiện người lính lên đường ra chiến trường, gồm ba dòng thơ, tạo nên một sự lửng lơ, khiến người đọc có tâm trạng chờ đợi được đọc câu chuyện tiếp theo về anh… Khổ hai kể về sự ra đi của người lình chỉ vỏn vẹn trong hai dòng – diễn tả sự hi sinh bất ngờ, đột ngột giữa lúc tuổi xanh, thể hiện tâm trạng đau thương của nhà thơ, đồng thời gợi lên trong người đọc niềm tiếc thương sâu sắc.

Câu hỏi 2: Nêu nhận xét của em về số tiếng trong mỗi dòng và cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.

Gợi ý trả lời:

– Về số tiếng: mỗi dòng thơ gồm 4 tiếng.

– Cách gieo vần: Hầu hết đều gieo vần chân (ví dụ: lính – bình, lửa – nữa).

– Ngắt nhịp: nhịp chẵn (2/2).

Câu hỏi 3: Đọc bài thơ, ta như được nghe một câu chuyện về cuộc đời người lính. Em hình dung câu chuyện đó như thế nào?

Gợi ý trả lời:

– HS tìm những sự việc chính được tác giả đề cập đến trong bài thơ, dùng lời của mình để kể lại.

– Cụ thể:

+ Có một người lính tuổi đời còn rất trẻ, còn mê thả diều như vừa qua tuổi thiếu niên.

+ Theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường ra mặt trận.

+ Trong một trận chiến ác liệt, anh đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại dưới những cánh rừng đại ngàn.

+ Những hình ảnh hào hùng mà cũng rất đỗi khiêm nhường, dung dị của anh còn mãi trong tâm trí “nhân gian”.

Câu hỏi 4: Hãy tìm những chi tiết khắc họa hình ảnh người lính. Qua câu chuyện được kể và các chi tiết miêu tả, hình ảnh người lính hiện lên với những đặc điểm gì?

Gợi ý trả lời:

– HS tìm những chi tiết được nhà thơ sử dụng để khắc họa hình ảnh người lính.

– HS có thể hình thành bảng sau:

Những chi tiết  Đặc điểm
chưa một lần yêu, cà phê chưa uống, còn mê thả diều Những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, vô tư
Một lần bom nổ, anh thành ngọn lửa, anh không về nữa, anh vẫn một mình Dũng cảm, kiên cường, hi sinh anh dũng.
ba lô con cóc, tấm áo màu xanh, làn da sốt rét, cười hiền lành Giản dị, khiêm nhường, hiền lành
Anh ngồi lặng lẽ, dưới cội mai vàng, anh ngồi rực rỡ, màu hoa đại ngàn, mắt như suối biếc Mộng mơ
vai đầy núi non Anh hùng, sống lý tưởng, yêu nước

Câu hỏi 5: Nêu cảm nhận của em về tình cảm mà đồng đội và nhân dân dành cho những người lính đã hi sinh được thể hiện trong bài thơ.

Gợi ý trả lời:

– HS tìm những câu thơ được nhà thơ sử dụng để bày tỏ tình cảm, cảm xúc.

– Cụ thể:

+ Bạn bè mang theo: Dòng thơ này nói lên tình cảm của đổng đội dành cho người lính trẻ đã hy sinh. Hình ảnh anh sẽ được bạn bè thương nhớ, lưu giữ, mang theo suốt cuộc đời. Sự hi sinh của anh đã tiếp thêm cho đóng đội sức mạnh, niềm tin trong những trận chiến tiếp theo.

+ Dải bao thương nhớ / Mùa xuân nhân gian: Hai dòng thơ này có thể hiểu theo nhiều cách. Thứ nhất, có thể hiểu đây là nỗi thương nhớ những mùa xuân nhân gian tươi đẹp của người lính đã hi sinh. Thứ hai, cũng có thể hiểu là nỗi nhớ thương những người con anh dũng dài theo năm tháng của nhân gian.

=> Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ được thể hiện trong toàn bộ bài thơ. Đó là niềm thương xót, tự hào, cảm phục, biết ơn những người lính đã hi sinh tuổi xanh, hi sinh cuộc đời cho độc lập dân tộc.

Câu hỏi 6: Theo em, tên bài thơ Đồng dao mùa xuân có ý nghĩa như thế nào?

Gợi ý trả lời:

– HS trả lời những câu hỏi sau để hiểu hơn về tên bài thơ:

+ Em hiểu thế nào là đồng dao? (Là thơ ca dân gian truyền miệng dành cho trẻ em)

+ Đồng đao có đặc điểm gì nổi bật về thể thơ? (Đồng dao thường được làm theo thể bốn chữ, năm chữ).

+ Hình ảnh mùa xuân có ý nghĩa gì? (Mùa khởi đầu, tươi đẹp nhất trong một năm. Mùa xuân là tuổi trẻ, lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người, tràn đầy sức sống. Mùa xuân mang vẻ đẹp, sức sống, sức vươn lên của dân tộc, đất nước…)

– Từ đó suy luận ra ý nghĩa tên bài thơ: Bài thơ là khúc đồng dao về tuổi thanh xuân của người lính, về sự bất tử của hình ảnh người lính trẻ. Hình ảnh các anh còn sống mãi trong trái tim nhân dân như mùa xuân trường tồn cùng vũ trụ. Qua đó, nhà thơ ca ngợi những người anh hùng trẻ tuổi, bày tỏ sự ghi nhớ, biết ơn sự hi sinh của các anh. Tác giả sử dụng hình thức của đồng dao để lưu truyền mãi trong những thế hệ sau lời ngợi ca, lòng biết ơn những người lính trẻ đã dâng hiến mùa xuân cuộc đời mình kết thành những mùa xuân vĩnh cửu cho dân tộc, đất nước.

4. Viết kết nối với đọc

Gợi ý:

– HS nhớ lại những nét đẹp của người lính được xác định ở câu 4 cũng như tình cảm của đổng đội, nhân dân dành cho anh được nêu ở câu 5. Trên cơ sở đó, HS xác định tình cảm, suy nghĩ của mình về hình ảnh người lính.

– Đoạn văn tham khảo:

Đồng dao mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại một lần nữa ngân lên khúc ca về người lính – bộ đội cụ Hồ. Họ – những thanh niên còn rất “xuân” bởi “Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống/ Còn mê thả diều”. Họ – để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường, gác lại cuộc đời của mình trong hình ảnh người lính giản dị, khiêm nhường, hiền lành với “Ba lô con cóc/ Tấm áo màu xanh/ Cái cười hiền lành”.

Họ – đã rất kiên cường xông pha qua bao trận mạc, hi sinh anh dũng để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, để trở thành ngọn lửa mà đồng đội luôn đem theo bên mình: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo”. Trên đôi “vai đầy núi non”, ta thấy cả giang sơn, cả dân tộc, cả tương lai nước nhà. Sự hi sinh của những người lính đã hóa bất tử, họ mãi mãi sống với non sông, với thanh xuân còn non trẻ, với lòng biết ơn, thương nhớ của đồng đội, nhân dân và đất nước.

5/5 (2 bình chọn)