Có một thứ tình yêu, gần gũi, bình dị mà ấm áp, đấy là tình yêu quê nhà. Thứ tình cảm ấy được gói ghém trong những hình ảnh quê nhà, nơi có mẹ cha và kí ức tuổi thơ ắp đầy hạnh phúc để mỗi lần đi xa ta tại nao nao nhớ về. Gặp lá cơm nếp của nhà thơ Thanh Thảo cũng chan chứa thứ tình quê ấy. Cùng TruongPhuong.com tìm hiểu bài thơ thứ hai trong Khúc nhạc tâm hồn chương trình Ngữ văn 7 bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống nhé!
1. Trước khi đọc
Câu hỏi 1: Xác định bài thơ thuộc thể năm chữ trong số những bài thơ sau đây: Chuyện cổ nước mình (Lâm Thị Mỹ Dạ), Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh), Mây và sóng (R. Ta-go), Bắt nạt (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông).
Gợi ý:
– HS tìm đọc những bài thơ trong số các bài thơ trên. Xác định những bài thơ thuộc thể thơ 5 chữ gồm:
– Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh).
– Bắt nạt (Nguyễn Thế Hoàng Linh).
Câu hỏi 2: Xôi là một món ăn quen thuộc của người Việt. Chia sẻ cảm nhận của em về hương vị của món ăn đó.
Gợi ý:
– Người Việt mình khá quen thuộc với món xôi. Xôi được nấu từ gạo nếp, mềm dẻo và có hương thơm rất đặc trưng. Món xôi thường dùng trong các buổi lễ chạp, cúng theo truyền thống của người Việt. Xôi còn được biến tấu thêm nhiều gia vị kèm như dừa, lá nếp, đậu, bắp, gấc… tăng thêm vị ngon hấp dẫn, khó quên.
2. Trong khi đọc
Câu 1: Theo dõi: Số lượng tiếng trong mỗi dòng, vần và nhịp thơ.
Gợi ý:
– HS đọc và đếm số tiếng trong mỗi dòng, theo dõi gieo vần (vần lưng, vần chân, vần cách) và nhịp thơ (thể thơ 5 chữ).
– Cụ thể:
+ Số tiếng: mỗi dòng thơ có 5 tiếng (thể thơ 5 chữ).
+ Gieo vần: Hầu hết gieo vần chân (gặp-mắt, bếp-nếp, được-nước).
+ Nhịp thơ: 2/3.
Câu 2: Hình dung: Hình ảnh người mẹ trong kí ức của người con.
Gợi ý:
– HS đọc và chú ý những từ ngữ miêu tả hình ảnh người mẹ: Nhặt lá về đun nếp, mẹ thổi cơm nếp, mẹ già.
=> Hình dung người mẹ già tần tảo, đảm đang, gắn liền với bếp lửa và nồi cơm nếp thơm lừng.
Câu 3: Theo dõi: Tình cảm của người con dành cho mẹ và quê hương đất nước
Gợi ý:
– HS đọc khổ thơ thứ ba và liên hệ với những khổ thơ trước để thấy được: người con rất yêu thương và nhớ mẹ, nhớ quê hương, “Mẹ già và đất nước/Chia đều nỗi nhớ thương”.
3. Sau khi đọc
Câu hỏi 1: Số tiếng trong một dòng, cách gieo vần, ngắt nhịp và chia khổ của bài thơ Gặp lá cơm nếp có gì khác với bài thơ Đồng dao mùa xuân?
Gợi ý:
– HS theo dõi 2 bài thơ để so sánh dựa vào bảng sau:
Đồng dao mùa xuân | Gặp lá cơm nếp | |
Số tiếng trong mỗi dòng thơ | 4 tiếng / dòng | 5 tiếng / dòng |
Cách gieo vần | Chân | Chân |
Ngắt nhịp | Linh hoạt, biến tấu trên nền nhịp 2/2 | Linh hoạt, biến tấu trên nền nhịp 2/3 |
Chia khổ | 9 khổ, trong đó có 2 khổ đặc biệt | 4 khổ, trong đó có 1 khổ đặc biệt |
Câu hỏi 2: Hãy nêu nhận xét về hoàn cảnh đã gợi nhắc người con nhớ về mẹ của mình. Trong kí ức của người con, hình ảnh mẹ hiện lên như thế nào?
Gợi ý:
- Đối với yêu cầu 1, HS cần xác định được chủ thể trữ tình và đối tượng trữ tình trong bài thơ: Trong bài thơ này, người đọc có thể nhận thấy người bộc lộ cảm xúc là một người con, cũng là một anh bộ đội. Đối tượng anh thể hiện tình cảm là người mẹ của anh nơi quê nhà. Từ đó:
– HS xác định hoàn cảnh người con thổ lộ tâm tư tình cảm: Trên đường hành quân ra mặt trận, anh gặp lá cơm nếp – một loài cây nhỏ, mọc hoang, có hương thơm giống cơm nếp nên được đặt tên là lá cơm nếp. Chính hương vị của lá cơm nếp đã gợi cho anh nhớ làn khói xôi bay ngang tầm mắt, thèm bát xôi mùa gặt có hương thơm lạ lùng, từ đó nhớ đến hình ảnh thân thương của người mẹ bên bếp lửa đang nấu xôi.
– Nhận xét: Đây là một hoàn cảnh đặc biệt mà người lính trải qua trong những năm chiến tranh. Thông qua hoàn cảnh đó, người đọc nhận thấy ở anh sự tinh tế trong cảm nhận thiên nhiên, thế giới tình cảm phong phú và ý thức trách nhiệm lớn lao với gia đình, quê hương, đất nước.
- Đối với yêu cầu 2: HS tìm và gạch chân dưới những dòng thơ viết về mẹ (Mẹ ở đâu chiều nay/ Nhặt lá về đun nếp/ Phải mẹ thổi cơm nếp).
– Trong kí ức của người con, hình ảnh mẹ hiện lên:
+ Mẹ là người tần tảo, chăm lo cuộc sống gia đình.
+ Mẹ rất yêu thương các con.
+ Mẹ rất giản dị, mộc mạc, chất phác.
Câu hỏi 3: Trong khổ thơ thứ ba, người con thể hiện những tình cảm, cảm xúc gì? Vì sao những tình cảm, cảm xúc ấy lại cùng trào dâng trong tâm hồn người con khi “gặp lá cơm nếp”?
Gợi ý:
– HS chú ý những cụm từ có cách kết hợp đặc biệt như mùi vị quê hương, chia đều nỗi nhớ thương, từ đó kết nối, suy luận tìm ra câu trả lời.
– Trong khổ thơ thứ ba: Ôi mùi vị quê hương / Con quên làm sao được Mẹ già và đất nước / Chia đều nỗi nhớ thương, người con nhắc đến mẹ già và đất nước, đồng thời khẳng định chia đểu nỗi nhớ thương cho cả người mẹ và đất nước. Tình thương nỗi nhớ ấy cùng trào dâng trong tầm hồn người con khi gặp lá cơm nếp bởi vì anh đang trên đường hành quần, xa quê hương, gia đình, hương vị lá cơm nếp khiến người con nhớ đến món cơm nếp mà người mẹ đã nấu.
Hương vị của món ăn dân dã, bình dị đó được anh xem như là biểu tượng của quê hương – mùi vị quê hương. Và như thế, người mẹ và quê hương, đất nước gắn bó trong một mối quan hệ mật thiết. Tình yêu gia đình hòa với tình yêu quê hương, đất nước. Trong trái tim người lính, hình ảnh quê hương, đất nước hiện lên chân thật, gần gũi, gắn với hình bóng lam lu, tần tảo mà tha thiết yêu thương của mẹ. Khổ thơ đã chạm đến chiều sâu cảm xúc, thể hiện cái nhìn đầy thương cảm với đất nước mình.
Câu hỏi 4: Em cảm nhận như thế nào về hình ảnh người con trong bài thơ?
Gợi ý:
– HS suy luận từ văn bản đọc, qua cách bày tỏ tình cảm đối với mẹ, đối với một món ăn quê hương, đối với đất nước.
– Người con trong bài thơ là một người lính Trường Sơn, là người đang ngày ngày hành quân. Người con ấy có mẹ già, có quê hương, đất nước. Khi “xa nhà mấy năm”, chắc chắn người con ấy sẽ phải nhớ đến những gì quen thuộc, gần gũi, những gì như điểm nhấn của kí ức. Đó là bát xôi mùa gặt, là hình ảnh mẹ nhặt lá về đun bếp chiều, là cả một không gian quê hương. Người con – chiến sĩ ấy cũng có những tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ của một con người, một thi nhân.
Câu hỏi 5: Theo em, thể thơ năm chữ có tác dụng gì trong việc thể hiện cảm xúc của nhà thơ?
Gợi ý:
– Thể thơ năm chữ góp phần thể hiện một cách hàm súc tình cảm, tấm lòng của người con đối với quê hương, đất nước và mẹ của mình. Những dòng thơ ngắn gọn. không diễn tả chi tiết, cụ thể mà chỉ khơi gợi tâm tình của người con nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận được tình cảm sâu nặng của anh dành cho quê hương và người mẹ.
Tình cảm ấy đã được hiện thực hóa thành hành động thực tiễn. Người con cầm súng ra đi bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương, cũng là bảo vệ cuộc sống bình yên cho gia đình, cho người mẹ của mình. Và đây mới là biểu hiện cao quý nhất của tình yêu thương.
4. Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp.
Gợi ý:
– HS viết đoạn văn dựa trên các ý:
+ Hoàn cảnh người con thổ lộ tâm tư về mẹ (xa quê, trên đường hành quân).
+ Hình ảnh mẹ trong kí ức của người con.
+ Tình yêu thương người con dành cho mẹ.
Đoạn văn tham khảo:
Viết về mẹ, có biết bao bài thơ thật ấm áp, xúc động, nhưng đến khi đọc Gặp lá cơm nếp của nhà thơ Thanh Thảo, lòng ta càng nhớ mẹ nhiều, càng thấm thía tình mẫu tử thiêng liêng đặt trong hoàn cảnh chiến tranh chia cắt. Người con trong bài thơ đang ở một hoàn cảnh thật đặc biệt: anh đang trên đường hành quân ra mặt trận thì gặp một loài cây thân thuộc – lá cơm nếp.
Hương thơm và hình ảnh loài cây nhắc anh nhớ về món ăn mẹ nấu, nhớ hương vị dẻo thơm của quê hương, anh nhớ hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm nấu cho anh nồi cơm nếp thơm lừng. Mẹ ở đâu chiều nay / Nhặt lá về đun nếp / Phải mẹ thổi cơm nếp – Nỗi nhớ mẹ dồn nén bao lâu bỗng òa ra. Đứa con xa nhà càng nhớ những ấm áp của mẹ, nhớ bóng mẹ già vất vả ngược xuôi lo miếng ăn giấc ngủ cho con. Từ tình yêu mẹ, lan tỏa ra là tình yêu quê hương đất nước: “Mẹ già và đất nước / Chia đều nỗi nhớ thương“. Thương nhớ mẹ, người con cầm súng ra đi bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương, cũng là bảo vệ cuộc sống bình yên cho gia đình, cho người mẹ của mình. Tình yêu thương ấy thật đáng quý, thật đáng tự hào! Đấy là tình yêu của lính!
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn
1. Soạn bài Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm).
2. Soạn bài Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo).
3. Soạn bài Trở gió (Nguyễn Ngọc Tư).
4. Soạn bài VB thực hành đọc: Chiều sông Thương (Hữu Thỉnh).
5. Soạn bài Thực hành tiếng Việt: Biện pháp tu từ, nghĩa của từ ngữ.