Con đường chúng ta qua, mỗi người chúng ta gặp gỡ, hành trình chúng ta thực hiện… đều để lại trong mỗi người những bài học cuộc sống quý giá. Đó là bài học về cách sống, cách làm người, cách yêu thương trân trọng những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng đặc biệt. Chủ đề Bài học cuộc sống chương trình Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo mang ta trở về với những câu chuyện ngụ ngôn thú vị, là những kinh nghiệm quý báu mà ông cha ta đã để lại. TruongPhuong.com cùng các bạn khám phá chủ đề này với thể loại truyện ngụ ngôn nhé! Trước hết cùng tìm hiểu phần tri thức Ngữ văn.
I. Tri thức Ngữ văn
1. Truyện ngụ ngôn
Truyện ngụ ngôn là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc, bằng văn xuôi hoặc văn vần. Truyện thường đưa ra bài học về cách nhìn sự việc, cách ứng xử của con người trong cuộc sống.
Đề tài trong truyện ngụ ngôn: thường là những vấn đề đạo đức hay những cách ứng xử trong cuộc sống.
Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là loài vật, đồ vật hoặc con người. Các nhân vật hầu như không có tên riêng, thường được người kể chuyện gọi bằng danh từ chung như: rùa, thỏ, sói, cừu, cây sậy, thầy bói, bác nông dân,… Từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật ngụ ngôn, người nghe, người đọc có thể rút ra những bài học sâu sắc.
Sự kiện (hay sự việc) là yếu tố quan trọng góp phần làm nên câu chuyện. Trong truyện ngụ ngôn, một câu chuyện thường xoay quanh một sự kiện chính. Chẳng hạn, ở truyện Thỏ và rùa, sự kiện chính là cuộc chạy thi giữa hai nhân vật thỏ và rùa.
Cốt truyện của truyện ngụ ngôn thường xoay quanh một sự kiện (một hành vi ứng xử, một quan niệm, một nhận thức phiến diện, sai lầm,…) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.
Tình huống truyện là tình thế làm nảy sinh câu chuyện khiến nhân vật bộc lộ đặc điểm, tính cách của mình. Qua đó, ý nghĩa của câu chuyện được một khơi sâu. Chẳng hạn, tình huống truyện trong Thỏ và rùa là cuộc chạy đua giữa hai con vật và kết quả có tính bất ngờ, làm lộ rõ đặc điểm của mỗi nhân vật và bài học từ câu chuyện.
Không gian trong truyện ngụ ngôn là khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn, nơi xảy ra sự kiện, câu chuyện (một khu chợ, một giếng nước, một khu rừng…).
Thời gian trong truyện ngụ ngôn là một thời điểm, khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.
Mở rộng:
– Truyện ngụ ngôn là những truyện bịa đặt có ngụ ý về những bài học, về kinh nghiệm sống, đạo lí.
Nếu như ở các thể loại văn học khác, ngụ ý là ý nghĩa của sự phản ánh thì trong truyện ngụ ngôn nó là đối tượng phản ánh. Bởi vậy, truyện ngụ ngôn mang đậm màu sắc triết lí dân gian. Khi tưởng tượng và hư cấu truyện ngụ ngôn, tác giả dân gian không tập trung trình bày một số phận với nhiều tình tiết rắc rối mà chỉ chú ý khai thác một vài tình tiết liên quan đến một bài học kinh nghiệm nào đó một cách kín đáo, tế nhị. Đó có thể là một bài học về kinh nghiệm ứng xử giữa người với người, một bài học về đạo đức, một ‘bài học về nhận thức…
– Truyện ngụ ngôn phản ánh cuộc đấu tranh xã hội:
Xét trên bề mặt, truyện ngụ ngôn chỉ là truyện của các loài vật, đồ vật. Điều đó đúng nhưng chỉ là đúng về “phần xác” còn thực ra điều quan trọng của thể loại truyện này phải là “phần hồn”. Ở phần hồn này, sự ngụ ý kín đáo, bóng gió của tác giả dân gian không chỉ dừng lại ở các bài học về đạo lí hay những kinh nghiệm sống mà còn có cả Sự phản kháng đối với xã hội, đả kích giai cấp thống trị với những thói hống hách, ngang ngược, quyền thế và dạy người ta những kinh nghiệm ứng phó với chúng.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Nhân vật truyện ngụ ngôn được lựa chọn một cách tự do, phóng túng, con vật nào cũng được miễn là “khớp” được cái ý tưởng bóng gió xa xôi mà người ta “gá gửi” vào đó. Những nhân vật – con vật ấy có ích hay có hại cho loài người, truyện ngụ ngôn không quan tâm. Điều người ta quan tâm là con vật đó giúp thể hiện được triết lí như thế nào.
+ Việc lựa chọn nhân vật chính trong truyện ngụ ngôn xuất phát từ động cơ thiên về phương diện lý trí hơn là tình cảm, ở đây những thao tác của tư duy hoạt động mạnh hơn sự rung động của trái tim – đọc truyện ngụ ngôn ta phải suy nghĩ nhiều hơn.
+ Truyện ngụ ngôn thực hiện chức năng mượn con vật làm cái vỏ để bọc kín cái ý, cái triết lý cần “gá gửi”. Vì vậy nội dung hình tượng nhân vật, phần cốt lõi không phải là miêu tả đặc điểm con vật mà là bài học suy lý, triết lý mà truyện muốn “gá gửi”.
– Xung đột trong truyện ngụ ngôn:
+ Xung đột về triết lí ứng xử, về lí lẽ hành động của nhân vật, mọi hành động của nhân vật trong truyện ngụ ngôn đều không hề cảm tính mà tất cả đều có lí lẽ, có “tính quan niệm”.
+ Xung đột trong truyện ngụ ngôn phản ánh xung đột xã hội (xung đột giữa người bị áp bức với kẻ áp bức, giữa đúng với sai, chân lý với nguy lí, tốt với xấu trong xã hội…).
– Kết cấu truyện ngụ ngôn:
Do tính chất ngụ ỷ, truyền miệng nên hầu hết truyện ngụ ngôn đều ngắn, ít tình tiết, ít nhân vật, trừ một số truyện bằng thơ, cốt truyện là một trục thẳng, ít rẽ ngang tắt hay đảo ngược. Truyện thường có hai lớp nghĩa: nghĩa hiển ngôn và nghĩa hàm ngôn. Nghĩa hiển ngôn là câu chuyện được kể, đây là lớp nghĩa nổi hay còn gọi là “phần xác”. Nghĩa hàm ngôn là phần bài học kinh nghiệm, những điều răn dạy, đây là lớp nghĩa chìm hay còn gọi là “phần hồn”, nghĩa này phải suy nghĩ mới nhận ra được.
– Biện pháp nghệ thuật:
Truyện ngụ ngôn thường mượn vật để nói người, dùng đặc điểm, tính cách, hành động của các con vật hoặc cỏ cây hoa lá để bóng gió chuyện con người, kín đáo nêu lên bài học nào đó cho con người. Do vậy, biện pháp nghệ thuật mà truyện ngụ ngôn sử dụng là nghệ thuật ẩn dụ. Đó là hình thức ẩn dụ để ám chỉ tính cách, hành động của con người. Chính nhờ có hình thức ẩn dụ này mà các con vật, loài vật, các bộ phận của cơ thể người hiện lên sống động, gần gũi và hấp dẫn hơn.
2. Tóm tắt văn bản và yêu cầu của việc tóm tắt văn bản
Văn bản có thể được tóm tắt bằng lời hoặc bằng sơ đồ, bằng đoạn văn hoàn chỉnh hay bằng một dàn ý. Nhưng dù theo cách nào thì văn bản tóm tắt phải ngắn gọn, cô đúc. Khi tóm tắt văn bản, ta phải lược bỏ các yếu tố phụ, ý phụ, giữ lại những yếu tố chính, ý chính của văn bản.
II. Tri thức tiếng Việt
1. Dấu chấm lửng
Dấu chấm lửng được kí hiệu bởi ba dấu chấm (…), còn gọi là dấu ba chấm, là một trong những loại dấu câu thường gặp trong văn viết.
Dấu chấm lửng có các công dụng:
+ Biểu đạt ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chữa liệt kê hết khi kết hợp với dấu phẩy đứng trước nó.
Ví dụ:
Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội thoăn thoắt leo lên thân cây chuối rất trơn vì đã bôi mỡ. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên…
(Minh Nhương, Hội thổi cơm thi ở Đồng Văn)
+ Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.
Ví dụ:
– Bởi vì… bởi vì… (San cúi mặt và bỏ tiếng Nam, dùng tiếng Pháp) người ta lừa dối anh.
(Nam Cao, Sống mòn)
+ Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.
Ví dụ:
Thầy Lí cũng xòe năm ngón tay trái úp lên trên ngón tay mặt nói:
– Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày.
(Trương Chính – Phong Châu, Nhưng nó phải bằng hai mày)
+ Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt.
Ví dụ:
Nước từ trên núi Tiên giội như thác, trắng xóa, qua suối Cộc xóm Đông tràn sang suối xóm Tây rồi dồn về suối xóm Trại chúng tôi […] Trẻ con chúng tôi la ó, té nhau, reo hò.
(Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)
+ Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng:
Ví dụ:
Ò…ó…o…
(Trần Đăng Khoa, Ò…ó…o)
III. Nội dung bài học
Ngụ ngôn là một thể loại của văn học giáo huấn, mang nội dung đạo đức, giáo dục có hình thức thơ hoặc văn xuôi tương đối ngắn, sử dụng phúng dụ như một nguyên tắc tổ chức tác phẩm. Mỗi truyện ngụ ngôn mang đến cho người đọc một bài học giáo huấn, những bài học này được đúc rút từ thực tế cuộc sống. Phần đọc hiểu chủ đề Bài học cuộc sống mang đến cho chúng ta bài học về những cái nhìn hạn hẹp, những tình huống hiểm nghèo, biết người biết ta và câu chuyện về tầm quan trọng của mỗi người, mỗi bộ phận. Phần thực hành tiếng Việt các em được tìm hiểu về công dụng của dấu chấm lửng trong câu để vận dụng vào kỹ năng tạo lập văn bản. Phần viết chúng ta được rèn luyện viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử. Còn phần nói và nghe chúng ta thực hành kể lại một truyện ngụ ngôn, Sử dụng và thưởng thức những cách nói thú vị, hài hước trong khi nói và nghe.
Chủ đề bài học “Bài học cuộc sống” gồm các nội dung cơ bản:
1. Đọc:
* Đọc – hiểu các văn bản:
– VB1: Những cái nhìn hạn hẹp.
– VB 2: Những tình huống hiểm nghèo.
– VB Đọc kết nối chủ điểm: Biết người, biết ta.
– VB Đọc mở rộng theo thể loại: Chân, tay, tai, mắt, miệng.
*Thực hành tiếng Việt: Dấu chấm lửng.
2. Viết: viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.
3. Nói và nghe: Kể lại một truyện ngụ ngôn. Sử dụng và thưởng thức những cách nói thú vị, hài hước trong khi nói và nghe.
4. Ôn tập bài 2.