Soạn văn 7 – Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn

Mỗi nốt trầm bổng trong cuộc sống sẽ rung lên khúc nhạc tâm hồn, đấy là những đong đầy của yêu thương, những bình dị của cuộc sống, những hạt giống đầy màu sắc của niềm vui, hạnh phúc, lòng nhân ái, bao dung. Khúc nhạc tâm hồn sẽ tiếp nối chương trình Ngữ văn 7 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống gồm những giai điệu yêu thương được thể hiện qua thể loại thơ bốn chữ, năm chữ giúp bồi đắp lên trong lòng các em những tình cảm mến yêu, lòng nhân ái và tình yêu quê hương đất nước. HVCTP giới thiệu với các em một số tri thức Ngữ văn, tri thức tiếng Việt và cấu trúc bài học này.

soạn bài khúc nhạc tâm hồn

I. Tri thức Ngữ văn

1. Một số yếu tố hình thức của thơ bốn chữ và thơ năm chữ

– Thơ bốn chữ và thơ năm chữ là những thể thơ được gọi tên theo số chữ (tiếng) trong mỗi dòng thơ. Số lượng dòng trong mỗi bài không hạn chế. Bài thơ bốn chữ và năm chữ có thể chia khổ hoặc không.

– Cách gieo vần trong thơ bốn chữ và thơ năm chữ: vẫn thường được đặt ở cuối dòng, gọi là vần chân. Vẫn có thể gieo liên tiếp (vần liền) hoặc cách quãng (vẫn cách), cũng có thể phối hợp nhiều kiểu gieo vần trong một bài thơ (vần hỗn hợp),…

– Thơ bốn chữ thường ngắt nhịp 2/2 hoặc 3/1, thơ năm chữ thường ngắt nhịp 2/3 hoặc 3/2. Tuy nhiên, nhịp thơ cũng có thể được ngắt linh hoạt, phù hợp với tình cảm, cảm xúc được thể hiện trong bài thơ.

– Thơ bốn chữ và thơ năm chữ gần gũi với đồng dao, vè, thích hợp với việc kể chuyện, hình ảnh thơ thường dung dị, gần gũi.

2. Nói giảm nói tránh

– Nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách nói riêng làm giảm nhẹ mức độ, quy mô, tính chất,… của đối tượng, hoặc tránh trình bày trực tiếp điều muốn nói để khỏi gây cảm giác đau buồn, ghê sợ hay để giữ phép lịch sự.

II. Nội dung bài học

Mang tên Khúc nhạc tâm hồn, vậy cảm nhận đầu tiên của các em khi đọc lên chủ đề của bài học sẽ là gì? Chắc chắn ấn tượng chung của chúng mình sẽ là niềm hân hoan đón chờ, giống như đợi chờ những khúc ca mới điểm thêm cho tầm hồn mình biết bao màu sắc tươi mới. Trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh kết nối thêm một giọng văn rất đời của Nguyễn Ngọc Tư sẽ khiến cho tâm hồn mỗi người như được tưới thêm những giọt yêu thương, hạnh phúc.

Khúc nhạc tâm hồn, gieo vào lòng chúng ta những hạt giống của yêu thương. Tình yêu ấy được kết nối với thế giới bình dị xung quanh, với những người ta trân quý. Tình cảm ấy bắt nguồn từ tình yêu gia đình, theo thời gian, lan tỏa, lớn lên thành tình yêu con người, thiên nhiên, quê hương, đất nước,… Thơ ca đã diễn tả những lời từ trái tim ấy thông qua một ngôn ngữ giàu nhạc tính, trở thành những khúc nhạc của tầm hồn.

Chủ đề bài học “Khúc nhạc tâm hồn” gồm các nội dung cơ bản:

1. Đọc:

* Đọc – hiểu các văn bản:

– VB 1: Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm).

– VB 2: Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo).

– VB 3: Trở gió (Nguyễn Ngọc Tư).

– VB thực hành đọc: Chiều sông Thương (Hữu Thỉnh).

*Thực hành tiếng Việt: Biện pháp tu từ, nghĩa của từ ngữ.

2. Viết: Tập làm thơ bốn chữ hoặc năm chữ, Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ.

3. Nói và nghe: Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học).

4. Củng cố, mở rộng bài 2.

4.2/5 (5 bình chọn)