Soạn văn 7 bài Lời của cây (Trần Hữu Thung)

lời của cây

1. Chuẩn bị đọc

mã giảm giá lazada

Câu hỏi 1: Em đã bao giờ quan sát quá trình lớn lên của một cái cây, một bông hoa hay một con vật chưa? Điều đó gợi cho em suy nghĩ hoặc cảm xúc gì?

Gợi ý trả lời:

Quá trình lớn lên của một cái cây, bông hoa hay con vật, đều gợi cho chúng ta những suy nghĩ, cảm xúc như:

– Những mầm non, bông hoa, con vật rất nhỏ bé, non nớt cần được bảo vệ chăm sóc…

– Quá trình đó thật sự là một điều kì diệu của tạo hóa, vạn vật đều có một quá trình thay đổi, sự biến hóa mà chúng ta phải có sự quan sát tỉ mỉ.

2. Trải nghiệm cùng văn bản

Câu hỏi 1: Em hình dung thế nào về hiện tượng nảy mầm qua hình ảnh “nhú lên giọt sữa”?

Gợi ý trả lời:

– HS hình dung dựa vào các từ ngữ và phép so sánh liên tưởng của câu thơ: Hiện tượng nảy mầm ở đây được ví như giọt sữa trắng đục, trong trẻo, tinh khiết. Hình ảnh mầm cây như giọt sữa đang tượng hình, đang nhú ra khỏi lớp vỏ của hạt, mầm cây nhỏ bé, non nớt nhưng cũng đầy sự dễ thương.

Câu hỏi 2: Chú ý những động từ miêu tả quá trình lớn lên của hạt mầm ở các khổ thơ 2, 3, 4.

Gợi ý trả lời:

Những động từ miêu tả quá trình lớn lên của hạt mầm:

+ Khổ 2: nhú, thì thầm, ghé tai.

+ Khổ 3: nằm, nghe.

+ Khổ 4: kiêng, nghe, đón.

3. Suy ngẫm và phản hồi

Câu hỏi 1: Năm khổ thơ đầu là lời của ai? Khổ thơ cuối là lời của ai? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?

Gợi ý trả lời:

– 5 khổ đầu của bài thơ là lời của của tác giả (miêu tả, nói thay tâm tình của mầm cây).

– Khổ thơ cuối là lời của cây, tác giả nhường lời cho cây xanh cất tiếng nói “khi cây đã thành”, nhân vật được nhân hoá, chính thức xưng “tôi”.

Câu hỏi 2: Tìm một số hình ảnh, từ ngữ đặc sắc mà tác giả đã sử dụng trong bài thơ để miêu tả quá trình từ hạt thành cây và thể hiện quá trình đó bằng sơ đồ.

Gợi ý trả lời:

– HS liệt kê những hình ảnh, từ ngữ đặc sắc mà tác giả sử dụng:

+ Khổ 1: lặng thinh

+ Khổ 2: nhú lên giọt sữa, thì thầm

+ Khổ 3: nghe bàn tay vỗ, nghe tiếng ru hời

+ Khổ 4: kiêng gió bắc, kiêng mưa giông, đón tia nắng hồng

+ Khổ 5: lá nghe màu xanh, bắt đầu bập bẹ

+ Khổ 6: các bạn ơi, cây chính là tôi, góp xanh cho đời

– HS thực hiện theo sơ đồ sau:

suy ngẫm và phản hồi lời của cây

Câu hỏi 3: Theo em, những dòng thơ như “Ghé tai nghe rõ”, “Nghe mầm mở mắt” thể hiện mối quan hệ như thế nào giữa hạt mầm và nhân vật đang “ghé tai nghe rõ”?

Gợi ý trả lời:

– HS xác định mối quan hệ dựa vào những từ ngữ tác giả thể hiện: ghé tai, nghe, hạt lúc này giống như sự sống đang được nâng niu.

– “Ghé tai nghe rõ”, “Nghe mầm mở mắt”: hình ảnh của nhà thơ, thể hiện mối quan hệ gần gũi, giao cảm giữa thiên nhiên và nhà thơ, sự nâng niu sự sống.

Câu hỏi 4: Tìm những hình ảnh, từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc mà tác giả dành cho những mầm cây. Hãy cho biết đó là tình cảm gì.

Gợi ý trả lời:

– Những hình ảnh, từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc mà tác giả dành cho những mầm cây: Hạt nằm lặng thinh, Ghé tai nghe rõ, Nghe bàn tay vỗ, Nghe tiếng ru hời, Nghe mầm mở mắt.

=> Thể hiện cảm xúc yêu thương, trìu mến, nâng niu của tác giả đối với những mầm cây.

Câu hỏi 5: Xác định các biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản. Nêu tác dụng của chúng.

Gợi ý trả lời:

– Biện pháp nhân hóa:

+ Tác giả đã nhân hóa hạt mầm như một cô bé, cậu bé thì thầm, tâm tình với các bạn nhỏ về niềm vui lớn lên từng ngày (từ hạt mầm) và sự đóng góp màu xanh của mình vào mùa xuân cuộc đời. Điều đó góp phần miêu tả sống động quá trình sinh trưởng từ mầm thành cây, đồng thời tạo nên sự gần gũi, gắn bó giữa hạt mầm, cây và con người.

+ Ở khổ thơ cuối, tác giả đã dùng phép nhân hóa ở lời xưng gọi thân thiết giữa cây và con người: Rằng các bạn ơi…

– Biện pháp ẩn dụ:

Cây chính là tôi

Nay mai sẽ lớn

Góp xanh đất trời

=> Ẩn dụ về ý nghĩa của đời người, lớn lên và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp.

+ Biện pháp hoán dụ (là nghe màu xanh => chỉ cái cây).

=> Làm cho câu thơ trở nên sinh động, giàu sức gợi hình gợi cảm.

Câu hỏi 6: Nhận xét về cách gieo vần, ngắt nhịp trong bài thơ trên và cho biết vần và nhịp đã có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện “lời của cây”?

Gợi ý trả lời:

– HS nhận biết cách gieo vần trong bài thơ: vần chân (mình – thinh, mầm – thầm, dông – hồng, thành – xanh, bé – bẹ, ơi – trời).

=> Tác dụng của vần trong bài thơ là làm cho dòng thơ, câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc, tạo nên sự kết dính cho VB thơ, đồng thời tạo sức âm vang cho những “lời của cây” trong tâm hồn người đọc.

– Cách ngắt nhịp: Nhịp trong bài thơ này được tạo nên từ lối ngắt dòng bốn chữ (đều đặn suốt 24 dòng thơ) và cách ngắt nhịp trong từng dòng thơ (chủ yếu là nhịp 2/2 (nhịp chẵn)) đều đặn như nhịp đưa nôi, vừa diễn tả nhịp điệu êm đềm của đời sống cây xanh, vừa thể hiện cảm xúc yêu thương trìu mến của tác giả.

Câu hỏi 7: Xác định chủ đề và thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.

Gợi ý trả lời:

Chủ đề: Bài thơ thể hiện tình yêu thương, trân trọng những mầm xanh thiên nhiên.

Thông điệp: Hãy lắng nghe lời của cỏ cây loài vật để biết yêu thương, nâng đỡ sự sống ngay từ khi sự sống ấy mới là những mầm sống, mỗi con người, sự vật, dù là nhỏ bé, đều góp phần tạo nên sự sống như hạt mầm góp màu xanh cho đất trời.

Câu hỏi 8: Hãy tưởng tượng mình là một cái cây, một bông hoa hoặc một con vật cưng trong nhà và viết khoảng năm câu thể hiện cảm xúc khi hóa thân vào chúng.

Gợi ý trả lời:

HS lưu ý khi viết:

– Trình bày được cảm xúc của một cái cây/ một bông hoa hoặc con vật cưng trong nhà.

– Hình thức đoạn văn khoảng năm câu, diễn tả cảm xúc bằng ngôi thứ nhất.

Tham khảo:

(1) Vườn hoa rực rỡ nhà cô Mai có dàn hoa hồng rực rỡ kiêu kì, trong đó Hồng Nhung tôi là bông hoa duyên dáng và được cô chủ yêu thương nhất. Vườn hoa của cô có biết bao nhiêu là loại hoa: Đồng Tiền mạnh mẽ, Lay Ơn e ấp, Mười Giờ lấp lánh, còn tôi, bé Hồng Nhung xinh đẹp nhưng cũng khá đỏng đảnh. Cô chủ chăm sóc tôi chu đáo từ khi còn là một mầm cây non nớt, cô tưới nước, bón phân, bắt nhốt những chú sâu gớm ghiếc. Tình yêu thương của cô đã giúp tôi trưởng thành một cô bé có màu sắc rực rỡ nhất trong khu vườn. Tôi yêu cô chủ và ngôi nhà sắc hoa của chúng tôi lắm!

(2) Meo meo! Tớ là cô Mèo Mun có đôi mắt long lanh đầy kiêu hãnh đây! Cô chủ đã đón tớ về ngôi nhà này từ hồi tớ còn bé xíu. Mặc dù xa mẹ từ sớm nhưng tớ không cảm thấy buồn nhiều vì cả nhà cô chủ ai cũng cưng tớ cả. Ông bà chủ luôn mang đến cho tớ những món ăn ngon, cô chủ yêu chiều chăm sóc vuốt ve, và những người bạn trong nhà này ai cũng thân thiện. Anh Cún, chị Gà Mái Mơ, em Mèo Mướp lúc nào cũng giúp đỡ tớ và cho tớ một mái ấm đúng nghĩa. Mèo Mun yêu lắm ngôi nhà chung, yêu tất cả mọi người!

3/5 (2 bình chọn)