Mỗi vùng miền được ví như mỗi mảnh ghép tạo nên bức tranh thế giới đa sắc màu. Mỗi mảnh ghép ấy mang một màu sắc riêng biệt. Cho dù đó là nơi gần gũi hay xa lạ, hãy đón nhận nó bằng trái tim ấm áp và nụ cười thân thiện, bởi đó là cuộc sống đa dạng phong phú mà con người tạo ra trên ngôi nhà chung – Trái Đất.
Màu sắc trăm miền – những trang tản văn, tùy bút, văn bản thông tin đưa ta đến trải nghiệm với nét đẹp mỗi vùng miền khác nhau. Chủ đề bài năm chương trình Ngữ văn 7 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ mang đến cho em những cảm nhận thú vị về sắc màu cuộc sống trên quê hương xứ sở và trên thế giới rộng lớn, bao la. HVCTP cùng các bạn tìm hiểu chủ đề này, bắt đầu với phần tri thức Ngữ văn và phần tri thức tiếng Việt.
I. Tri thức Ngữ văn
1. Kí
– Kí không phải là một loại hình văn học thuần nhất mà bao gồm nhiều thể loại. Trước sự phong phú của các thể loại kí trong thực tiễn sáng tác, người ta đưa ra nhiều tiêu chí để phân loại kí. Xét về các phương thức tạo dựng cấu trúc tác phẩm, ký là sự kết hợp của tự sự, trữ tình, nghị luận cùng các thao tác tư duy khoa học. Vì thế, trong kí có kể sự việc, tả người, tả cảnh, cung cấp thông tin và thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của người viết. Đã từng có quan điểm chia các thể loại kí nghiêng về kể sự việc thành kí tự sự (kí sự. phóng sự, du kí, truyện kí, hồi kí,…), các thể loại kí nghiêng về thể hiện cảm xúc thành kí trữ tình (tùy bút, bút kí,…). Tuy nhiên cần phải thấy, cách phân loại này cũng chỉ là tương đối, cốt nhấn vào phương thức biểu hiện chủ đạo của tác phẩm.
2. Tùy bút
– Tùy bút là một thể loại văn xuôi thuộc loại hình kí. Tùy bút có thể xếp vào kí trữ tình. Sở dĩ như vậy là vì qua việc ghi chép về con người, sự kiện cụ thể, có thực, tác giả tùy bút thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của mình. Tác giả chú trọng đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư, nhận thức, đánh giá về con người và cuộc sống. Tùy bút có thể có các yếu tố trữ tình, triết lý, suy tưởng, chính luận, nhưng yếu tố trữ tình vẫn nổi bật hơn cả.
– Do tính trữ tình nổi bật nên ngôn từ tùy bút giàu hình ảnh, giàu chất thơ. Câu văn tùy bút thường có nhịp điệu, âm điệu hài hòa.
– Đúng như tên gọi của nó, tùy bút cho phép nhà văn viết theo cảm hứng của mình, tùy cảnh, tùy việc. Bố cục bài tùy bút rất tự do, được triển khai theo mạch cảm hứng. Sự việc, con người là cái cớ để nhà văn trình bày suy nghĩ, cảm xúc, do đó tùy bút không nhất thiết phải xây dựng cốt truyện hay nhân vật hoàn chỉnh. Chi tiết trong tùy bút tưởng như tản mạn, nhưng vẫn quy tụ về một chủ đề nhất định.
– Tùy bút là thể loại biểu lộ rõ nét hình tượng tác giả. Bóng dáng cái tôi tác giả được nhận ra từ các phương diện như sở thích, tầm tư, thiên hướng cá nhân, lối cảm lối nghĩ, những kỉ niệm riêng,…
– Tùy bút là thể loại xuất hiện trong văn học Việt Nam từ thời trung đại (như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ). Trong văn học hiện đại, xuất hiện nhiều cây bút nổi tiếng như Nguyễn Tuân (tác phẩm tiêu biểu: Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, Cảnh sắc và hương vị đất nước), Vũ Bằng (tác phẩm tiêu biểu: Thương nhớ Mười Hai, Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ Miền Nam), Nguyễn Trung Thành (tác phẩm tiêu biểu: Đường chúng ta đi), Nguyễn Thi (tác phẩm tiêu biểu: Dòng kinh quê hương), Thép Mới (tác phẩm tiêu biểu: Trung thu độc lập, Cây tre Việt Nam), Đỗ Chu (tác phẩm tiêu biểu: Tản mạn trước đèn, Thăm thẳm bóng người, Chén rượu gạn đáy vò), Băng Sơn (tác phẩm tiêu biểu: u tôi, Mùa đi ngang phố),…
3. Tản văn
– Tản văn là thể loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, giàu sức gợi. Dung lượng một bài tản văn không lớn, do vậy có người gọi nó là đoản văn. Tản văn giàu sức gợi nên hình ảnh thường có tính tượng trưng cao, các chi tiết nhiều hàm nghĩa.
– Tản văn thường được cấu tứ dựa trên một hoặc một vài nét chấm phá về đời sống, qua đó biểu thị rõ nét tâm trạng, suy nghĩ, chủ kiến tác giả. Những nét chấm phá trở thành hình ảnh chủ đạo, kết nối nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Nhà văn thường có xu hướng từ một hoặc một số hình ảnh, hiện tượng, sự việc mà bày tỏ nội tâm hoặc bàn rộng ra nhiều vấn đề. Khi lý giải các hiện tượng đời sống, nhà văn có những cách nhìn, cách nghĩ riêng, tạo ra những ý tưởng độc đáo cho tác phẩm. Trong các thể loại văn học, tản văn là thể loại bộc lộ rõ nhất cái tôi tác giả, tác phẩm mang đậm bản sắc, cá tính của nhà văn. Người viết tản văn thường coi trọng nguyên tắc tự biểu hiện, thường lấy ngay cuộc sống riêng, trải nghiệm riêng của mình làm chất liệu xây dựng tác phẩm.
– Người viết tản văn thường nêu vấn đề, bàn luận vấn đề như là sự thử nghiệm những cách nhìn, cách lí giải về các vấn đề đời sống. Vì thế có người gọi tản văn là thí luận, phiếm luận, nhàn đàm. Người viết tản văn thường có tâm thế nhàn tản, viết để chơi, để bày tỏ. Vì vậy, giọng điệu tản văn thường là giọng chuyện trò, tâm sự, đàm đạo, không phải giọng thuyết lí, đao to búa lớn, cũng không phải giọng thuyết phục người nghe. Ngôn ngữ tản văn do đó có tính chất đời thường, nhiều khi mang màu sắc khẩu ngữ.
– Kết cấu tác phẩm tản văn không lệ thuộc vào sự sắp đặt sự kiện, nhân vật mà dựa trên mối tương liên giữa các hình ảnh, chi tiết. Quan hệ giữa chúng là quan hệ liên tưởng, quan hệ này thống nhất những điều tưởng như rời rạc, tản mạn, ngẫu hứng trong một trường nghĩa.
4. Văn bản tường trình
Văn bản tường trình là một loại VB thông tin, được tổ chức theo thể thức riêng, có nội dung trình bày về một vụ việc đang cần được xem xét, làm rõ và giải quyết.
Người viết tường trình là người có liên quan đến vụ việc, có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực theo phạm vi quan sát, nhận thức của mình cho cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó.
II. Tri thức tiếng Việt
Ngôn ngữ vùng miền
– Ngôn ngữ vùng miền (phương ngữ) là biến thể theo mỗi địa phương của một ngôn ngữ, được thể hiện chủ yếu trên các phương diện ngữ âm và từ vựng. Mỗi phương ngữ có những đặc điểm riêng về ngữ âm, thể hiện qua cách phát âm của người dân mỗi địa phương. Đặc biệt, trong mỗi phương ngữ bao giờ cũng có một bộ phận từ ngữ địa phương có từ ngữ tương đương hoặc không có từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân (ví dụ: “vá” – cái muôi, “sương” – gánh, “ổng” – ông ấy,…).
– Từ ngữ địa phương có thể gây khó hiểu cho người thuộc địa phương khác. Nhiều từ ngữ địa phương nhờ quá trình giao lưu, tiếp xúc, mở rộng phạm vi sử dụng đã được phổ thông hóa, nhất là những từ ngữ chỉ các sản vật địa phương. Trong các tác phẩm văn học, từ ngữ địa phương được dùng một cách có dụng ý, để tạo nên không khí, sắc thái riêng cho vùng miền, đối tượng được kể tới.
III. Nội dung bài học
Màu sắc trăm miền mang đến một bức tranh toàn cảnh về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người ở các vùng miền khác nhau, ở mỗi miền đất khác nhau trên đất nước rộng lớn này. Chúng ta được đắm chìm trong vẻ đẹp mùa xuân miền Bắc qua góc nhìn của nhà văn Vũ Bằng, được khám phá đặc sản của đất Huế mộng mơ qua lăng kính của Hoàng Vũ Ngọc Tường, được lên Việt Bắc xem Hội lồng tồng độc đáo, đặc trưng của bà con dân tộc vùng cao. Mỗi văn bản thể hiện đặc trưng riêng của các thể loại văn học: kí, tản văn, tùy bút… Cũng trong chủ đề này, chúng ta được tìm hiểu và thực hành về dấu câu, ngôn ngữ vùng miền (phương ngữ) rất độc đáo. Rèn luyện kĩ năng viết, nói nghe qua các phần thực hành Viết văn bản tường trình và Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.
Chủ đề bài học “Màu sắc trăm miền” gồm các nội dung cơ bản:
1. Đọc:
* Đọc – hiểu các văn bản:
– VB1: Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt (trích, Vũ Bằng).
– VB2: Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
– VB3: Hội lồng tồng (Trần Quốc Vượng – Lê Văn Hảo – Dương Tất Từ).
*Thực hành tiếng Việt: Dấu câu, biện pháp tu từ, từ ngữ địa phương.
2. Viết: Văn bản tường trình.
3. Nói và nghe: Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.