Thiên nhiên tràn đầy cảm hứng thi ca, hơi thở của tự nhiên được mang thả vào từng câu chữ khiến lòng người mê đắm. Đem hương mùa xuân vào thơ, Thanh Hải đã biến Mùa xuân nho nhỏ trở thành giai điệu đất nước nhịp nhàng theo năm tháng. Cùng TruongPhuong.com khám phá giai điệu mùa xuân trong bài thơ mở đầu cho chủ đề bốn chương trình Ngữ văn 7 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống!
1. Trước khi đọc
Câu hỏi 1: Mùa xuân trong cảm nhận của em có gì đáng nhớ?
Gợi ý:
– HS nhận biết thời điểm nào trong năm là mùa xuân để ghi lại những đặc điểm, kí ức đáng nhớ về mùa xuân.
– Mùa xuân gắn liền với Tết, với hình ảnh cây cối xanh mơn mởn, hoa đào, hoa mai, (nếu ở miền Bắc thường có mưa phùn bay lất phất, thời tiết se lạnh).
Câu hỏi 2: Hãy đọc một vài đoạn thơ mà em yêu thích viết về mùa xuân.
Gợi ý:
– HS tìm đọc các bài thơ: Vội vàng (Xuân Diệu), Chợ Tết (Nguyễn Văn Cừ), Xuân (Chế Lan Viên), Mưa xuân (Nguyễn Bính), Hồn xuân (Huy Cận), Chiều xuân (Anh Thơ)…
2. Sau khi đọc
Câu hỏi 1: Trong khổ thơ đầu, nhà thơ miêu tả mùa xuân qua những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó gợi cho em cảm nhận gì về mùa xuân?
Gợi ý:
– Nhà thơ miêu tả mùa xuân qua những hình ảnh: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, con chim chiền chiện, giọt long lanh, “lộc” trên vai người cầm súng và rơi ngoài đồng…
– Những hình ảnh đó gợi bức tranh mùa xuân trong sáng, tràn đầy sức sống.
Câu hỏi 2: Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân được thể hiện như thế nào qua những dòng thơ: Ơi, con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng?
Gợi ý:
– HS nhận ra ý nghĩa của từng hình ảnh cụ thể trong mỗi dòng thơ và sau đó chỉ ra mối liên hệ của các hình ảnh thơ để cảm nhận được cảm xúc của nhà thơ.
– Cụ thể:
+ Trong hai dòng thơ đầu, hình ảnh “con chim chiền chiện” vụt thoáng qua không gian nhưng lại đọng lại trong tiếng gọi thiết tha của nhà thơ: ơi, con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời. Vừa là tiếng gọi (ơi, con chim…), vừa là cầu hỏi nhưng cũng là lời khẳng định bộc lộ niềm hân hoan của nhà thơ (Hót chi mà…). Hình ảnh con chim chiền chiện với tiếng hót vang ngân trên bầu trời, trong không gian của mùa xuân cũng là nhịp cảm xúc dâng trào vừa trong trẻo vừa thiết tha, sôi nổi trong tâm hồn nhà thơ.
+ Trong hai dòng thơ sau, tiếng chim như đọng lại trong không gian thành những giọt thanh âm “long lanh” tỏa sáng, rực rỡ như giọt sương, giọt mưa xuân đã thu vào trong đó ánh sáng trong ngần và nhà thơ trân trọng đón nhận từng giọt âm thanh của tiếng chim – ánh sáng bầu trời mùa xuân.
=> Hai câu thơ thể hiện niềm vui sướng, lạc quan, yêu đời, niềm say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất lúc vào xuân.
Câu hỏi 3: Hình ảnh người cầm súng, người ra đồng gợi cho em nghĩ đến ai? Vì sao khi nói về mùa xuân của đất nước, nhà thơ lại nhắc đến hình ảnh người cầm súng và người ra đồng?
Gợi ý:
– HS phân tích để chỉ ra được “người cầm súng”, “người ra đồng” gợi nhắc đến ai và lí do vì sao khi nói về mùa xuân của đất nước, nhà thơ lại nhắc đến hai hình ảnh đó.
– Gợi ý:
+ Hình ảnh “người cầm súng” là biểu tượng của người chiến sĩ nơi tiến tuyến.
+ Hình ảnh “người ra đồng” gợi nhắc đến những người nông dân lao động ở hậu phương.
+ Hai hình ảnh biểu tượng cho hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của đất nước ta ở thời điểm bài thơ ra đời: chiến đấu và sản xuất, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng” đều gắn với hình ảnh lộc non mùa xuân: lộc giắt đầy trên lưng và lộc trải dài nương mạ – gắn với sự sống của mùa xuân. Người cầm súng cũng là để bảo vệ sự sống. Người ra đồng là để gieo trồng mầm xanh của sự sống. Tất cả đều vì vẻ đẹp của cuộc sống hòa bình, vì sự sống trong mùa xuân đất nước.
Câu hỏi 4: Hãy chỉ ra đặc điểm về cách gieo vần và ngắt nhịp trong khổ thơ sau:
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Gợi ý:
– HS nhớ lại những đặc điểm về cách gieo vần và ngắt nhịp của thể thơ năm chữ mà các em đã học ở bài 2 Khúc nhạc tâm hồn.
– Vận dụng vào khổ thơ này để chỉ ra:
+ Cách gieo vần: gieo vần chân (lao-sao).
+ Ngắt nhịp: 2/3, 3/2, cụ thể: Đất nước/ bốn ngàn năm – Vất vả/ và gian lao – Đất nước/ như vì sao – Cứ đi lên/ phía trước.
Câu hỏi 5: Theo em, vì sao tác giả muốn làm “con chim”, “một cành hoa”, “một nốt trầm”? Liên hệ với hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, em có cảm nhận gì về ước nguyện mà nhà thơ muốn gửi gắm qua những hình ảnh này?
Gợi ý:
– HS phân tích những hình ảnh đặc sắc trong VB: “con chim”, “một cành hoa”, “một nốt trầm” để cảm nhận được ước nguyện của nhà thơ.
– Có thể trả lời các câu hỏi: Các hình ảnh “con chim”, “một cảnh hoa”, “một nốt trầm” có những điểm chung gì? Tại sao nhà thơ lại lựa chọn những hình ảnh ấy để bộc lộ khao khát, ước nguyện của mình?
– Định hướng trả lời: Đây là những hình ảnh nhỏ bé, bình dị, khiêm nhường của thiên nhiên, của cuộc sống. Chúng mang lại niềm vui, niềm yêu sống cho tác giả. Đồng thời những hình ảnh này cũng thể hiện ước nguyện chân thành, tha thiết của nhà thơ: muốn cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé – của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước, cho mùa xuân của dân tộc. Liên hệ với hoàn cảnh ra đời đặc biệt của bài thơ – một tháng trước khi nhà thơ qua đời – ta sẽ càng cảm nhận được một cách sâu sắc, thấm thía cái ước nguyện mãnh liệt, cháy bỏng ấy.
Câu hỏi 6: Trong phần đầu bài thơ, tác giả xưng “tôi” nhưng sang phần sau lại xưng “ta”. Theo em, việc thay đổi cách xưng hô như thế có ý nghĩa gì?
Gợi ý:
– HS bám sát câu chữ trong VB để cảm nhận được tình cảm của tác giả qua sự thay đổi cách xưng hô. HS trả lời một số câu hỏi: Giữa hai phần của bài thơ có sự chuyển đổi đại từ nhân xưng của chủ thể trữ tình. Việc xưng “tôi” có ý nghĩa gì? Việc chuyển sang xưng “ta” mang ý nghĩa gì?
– Định hướng trả lời: Tôi: biểu hiện một cái “tôi” cụ thể, rất riêng của nhà thơ, ta: thể hiện khát khao không chỉ của riêng tác giả mà còn của nhiều người, của số đông. Việc chuyển đổi này biểu hiện sự hòa quyện giữa cái riêng và cái chung. Cái “tôi” của tác giả đã nói thay cho nhiều cái “tôi” khác, nó hóa thân thành cái “ta”. Cái “tôi” đã hòa vào cái “ta” chung. Trong cái “ta” chung vẫn có cái “tôi” riêng.
Câu hỏi 7: Sau khi đọc và tìm hiểu bài thơ, em có nhận xét gì về cách dùng từ trong nhan đề Mùa xuân nho nhỏ? Nhan đề đó gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì?
Gợi ý:
– HS trả lời các câu hỏi: Mùa xuân ở đây vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ. Em hãy cho biết ý nghĩa tả thực và ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh đó. Từ láy “nho nhỏ”gợi cho em cảm nhận gì về mùa xuân? Em cảm nhận được tình cảm gì của tác giả qua việc đặt nhan đề tác phẩm?
– Định hướng trả lời:
+ Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tạo mới mẻ của nhà thơ. “Mùa xuân” mang ý nghĩa tả thực – đó là mùa khởi đầu của một năm, là mùa vạn vật sinh sôi, nảy nở,… “Mùa xuân” còn mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho những gì đẹp đẽ nhất, tràn đầy sức sống nhất của cuộc đời mỗi con người.
+ Từ láy “nho nhỏ” vừa gợi nên vẻ đẹp xinh xắn, duyên dáng, đáng yêu của mùa xuân vừa thể hiện ước nguyện giản dị, khiêm nhường của nhà thơ.
+ Đặt tên cho tác phẩm là Mùa xuân nho nhỏ, phải chăng Thanh Hải đã thể hiện ước nguyện, khát vọng đơn sơ, giản dị mà rất đỗi chân thành, tha thiết của mình: muốn làm “mùa xuân nho nhỏ”, nghĩa là đem tất cả những gì tốt đẹp nhất – dù bé nhỏ – của mình để hòa vào mùa xuân lớn của cuộc đời, của đất nước? Qua đây, ta thấy được sự hòa quyện giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng.
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 4: Giai điệu đất nước
1. Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải).
2. Soạn bài Gò Me (trích, Hoàng Tố Nguyên).
3. Soạn bài Bài thơ “Đường núi” của Nguyễn Đình Thi (Vũ Quần Phương).
4. Soạn bài VB thực hành đọc: Chiều biên giới (Lò Ngân Sủn).
6. Soạn bài Viết: Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc.
7. Soạn bài Nói và nghe: Trình bày ý kiến về những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.