Soạn văn 7 – Bài 3: Những góc nhìn văn chương

Bước vào thế giới văn chương, mỗi chúng ta như được hòa mình vào một khung trời mới lạ, ở đó có những sắc cảnh thiên nhiên thú vị, có những tấm lòng cao cả đượm tình yêu thương, nơi ấy cũng có những bi, những hài, khiến lòng ta rung động. Khoảng trời văn chương ấy được dệt nên bằng trí tưởng tượng phong phú của người cầm bút, nhưng ở mỗi góc nhìn khác nhau người thưởng thức lại có những suy tư, cảm xúc riêng. Trong chủ đề ba Những góc nhìn văn chương, sách Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo, chúng ta cùng khám phá những góc nhìn ấy. HVCTP cùng bạn tìm hiểu nhé!

những góc nhìn văn chương

I. Tri thức Ngữ văn

1. Văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học

Văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học thuộc thể nghị luận văn học, được viết ra để bàn về một tác phẩm văn học, có đặc điểm như sau:

– Thể hiện rõ ý kiến của người viết về tác phẩm cần bàn luận, có thể là về nhân vật, chi tiết, ngôn từ, đề tài, chủ đề…

– Trình bày những lí lẽ, bằng chứng để thuyết phục người đọc, người nghe. Các lí lẽ, bằng chứng cần căn cứ vào tác phẩm đang bàn luận. Lí lẽ là những lý giải, phân tích về tác phẩm. Bằng chứng là những sự việc, chi tiết, từ ngữ, trích dẫn,… từ tác phẩm để làm sáng tỏ lí lẽ.

– Các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

2. Mục đích và nội dung chính của văn bản nghị luận

Mỗi văn bản viết ra đều nhằm mục đích nhất định. Mục đích của văn bản nghị luận là để thuyết phục người đọc, người nghe về ý kiến, quan điểm của người viết trước một vấn đề đời sống hoặc văn học.

Mục đích viết được thể hiện qua nội dung chính của văn bản. Nội dung chính của văn bản nghị luận là ý kiến, quan điểm mà người viết muốn thuyết phục người đọc. Để xác định nội dung chính của văn bản nghị luận, ta có thể căn cứ vào nhan đề văn bản, ý kiến, lí lẽ, bằng chứng được nêu trong văn bản.

3. Ý kiến lớn và ý kiến nhỏ trong văn bản nghị luận

Trong văn bản nghị luận, bên cạnh ý kiến lớn, còn những ý kiến nhỏ nêu ra để bổ trợ cho ý kiến lớn. Mối quan hệ giữa ý kiến lớn, ý kiến nhỏ, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản nghị luận được thể hiện qua sơ đồ sau:

ý kiến lớn và ý kiến nhỏ trong văn bản nghị luận

Với văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học, ý kiến lớn thể hiện quan điểm về tác phẩm cần phân tích, ý kiến nhỏ thể hiện quan điểm về các yếu tố trong tác phẩm, góp phần làm sáng tỏ ý kiến lớn.

II. Tri thức tiếng Việt

1. Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt:

– Quốc: nước

– Gia (1) nhà, (2) thêm

– Biến (1) thay đổi, (2) biến cố, tai họa

– Hội: họp lại, tụ lại, hợp lại

– Hữu: có

– Hóa: biến đổi

Các yếu tố Hán Việt thông dụng này có thể kết hợp với nhau, hoặc kết hợp với các yếu tố khác để tạo thành từ Hán – Việt: Ví dụ:

– Quốc biến (quốc: nước, biến: biến cố, tai họa): tai họa, biến cố xảy ra trong nước.

– Gia biến (gia: nhà, biến: biến cố, tai họa): tai họa, biến cố xảy ra trong gia đình.

– Biến hóa (biến: thay đổi, hóa: biến đổi): biến đổi thành thứ khác.

– Quốc gia (quốc: nước, gia: nhà): nước, nước nhà.

– Quốc hội (quốc: nước, hội: họp lại): cơ quan lập pháp tối cao của một nước, do nhân dân trong nước bầu ra.

Bên cạnh các từ Hán Việt có một nghĩa duy nhất như quốc gia, quốc biến, gia biến, còn có các từ Hán Việt có hai hay nhiều nghĩa khác nhau. Chẳng hạn từ biến sắc (biến: thay đổi, sắc: màu) có hai nghĩa là: (1) thay đổi màu sắc (ví dụ: Con tắc kè hoa có khả năng biến sắc theo cảnh vật), (2) đổi sắc mặt đột ngột (ví dụ: Mặt nó biến sắc).

III. Nội dung bài học

Văn bản nghị luận là để thuyết phục người đọc, người nghe về ý kiến, quan điểm của người viết trước một vấn đề cuộc sống hoặc văn học. Nghị luận về một tác phẩm văn học, người viết sẽ đưa ra những quan điểm riêng, cái nhìn văn chương ở một góc mới mẻ để người đọc, người nghe có thể hiểu một tác phẩm theo nhiều chiều. Trong chủ đề Những góc nhìn văn chương, ta được tìm hiểu những quan điểm mới vẻ về nhân vật văn học, hình tượng trong văn học và nghệ thuật xây dựng truyện ngắn: nhân vật Em bé thông minh là nhân vật kết tinh trí khôn dân gian, hình ảnh hoa sen trong bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen”, sức hấp dẫn của truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”. Phần tiếng Việt các em được tìm hiểu về từ Hán việt. Qua phần Viết chúng ta cùng thực hành Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học. Và phần Nói nghe chúng ta cùng thảo luận những vấn đề gây tranh cãi. Việc đưa ra những ý kiến mới mẻ, cảm nhận về văn chương theo nhiều góc nhìn khác nhau giúp các em rèn luyện được nhiều kĩ năng.

Chủ đề “Những góc nhìn văn chương” gồm những nội dung cơ bản:

1. Đọc:

* Đọc – hiểu các văn bản:

– Văn bản 1: Em bé thông minh – nhân vật kết tinh trí tuệ dân gian (Theo Trần Thị An).

– Văn bản 2: Hình ảnh hoa sen trong bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” (Theo Hoàng Tiến Tựu).

– Văn bản Đọc kết nối chủ điểm: Bức thư gửi chú lính chì dũng cảm (Li-xơ bớt Đao-mon-tơ).

– Văn bản Đọc mở rộng theo thể loại: Sức hấp dẫn của truyện ngắnChiếc lá cuối cùng” (Theo Minh Khuê).

* Thực hành tiếng Việt: Từ Hán Việt.

2. Viết: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học.

3. Nói và nghe: Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi.

4. Ôn tập bài 3.

5/5 (1 bình chọn)