Soạn văn 7 bài Sang thu (Hữu Thỉnh)

Khi làn gió nhẹ đưa hương mát lành, bầu trời cao trong với làn mây lững lờ trôi nhẹ… vậy là thu đã về. Mùa thu đi vào thơ ca với vẻ đẹp trong trẻo, nhẹ nhàng đầy tinh tế. Không biết trong trang thơ của Hữu Thỉnh thì nàng Thu đẹp thế nào? TruongPhuong.com cùng bạn khám phá bài thơ Sang thu, chủ đề Tiếng nói của vạn vật, chương trình Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo nhé!

mã giảm giá lazada

sang thu

1. Chuẩn bị

Câu hỏi: Em hãy chia sẻ cảm nhận của mình về thiên nhiên vào thời khắc giao mùa.

Gợi ý trả lời:

– HS nhận biết được những khoảnh khắc giao mùa: Xuân – Hạ (Tháng 2,3), Hạ-Thu (Tháng 7-8), Thu-Đông (Tháng 10-11), Đông-Xuân (Tháng 12-1).

– Dựa vào những trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ cảm nhận về thời khắc giao mùa:

+ Cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của thiên nhiên: Nếu từ Xuân sang Hạ, bầu trời cao trong hơn, nắng nhiều hơn và cảm giác nắng gắt hơn, Nếu từ Hạ sang Thu, tiết trời pha chút gió nhẹ, nắng không gắt nữa mà nhạt màu, Từ Thu sang Đông, pha thêm chút gió lành lạnh, lá vàng rơi nhiều, Từ Đông sang Xuân, cái lạnh tan biến, thay vào đó là chút se se, ấm áp hơn, cây cối xanh mơn mởn.

+ Cảm giác giao mùa bao giờ cũng gợi trong lòng mỗi người chút háo hức, hân hoan đón chờ.

2. Trải nghiệm cùng văn bản

Câu hỏi 1: Em hình dung thế nào về hình ảnh “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”?

Gợi ý trả lời:

– HS dựa vào các từ ngữ để hình dung: Mây mùa hạ, đám mây vắt nửa mình sang thu, gợi lên sự quyến luyến, bịn rịn của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa Hạ sang Thu.

Câu hỏi 2: Điểm chung của những từ ngữ như chùng chình, dềnh dàng, vắt nửa mình, vơi dần là gì?

Gợi ý trả lời:

– Điểm chung: diễn tả cảm giác, trạng thái, thể hiện sự thay đổi của khung cảnh thiên nhiên một cách tinh tế nhưng cũng đầy sự ngập ngừng, chầm chậm, như muốn níu giữ thời gian vào khoảnh khắc giao mùa.

3. Suy ngẫm và phản hồi

Câu hỏi 1: Bài thơ tả cảnh thiên nhiên vào thời điểm nào? Dựa vào đâu em nhận biết được điều đó?

Gợi ý trả lời:

– Bài thơ miêu tả bước chuyển của thiên nhiên vào thời điểm cuối hạ đầu thu.

– Dựa vào cách miêu tả các hình ảnh: sương chùng chình qua ngõ, chim bắt đầu vội vã, vẫn còn bao nhiêu nắng, đã vơi dần cơn mưa, đặc biệt là các động từ: chùng chình, bắt đầu, vơi cùng với tựa đề bài thơ.

Câu hỏi 2: Tìm các từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ. Qua cách miêu tả đó, em cảm nhận như thế nào về tâm hồn nhà thơ?

Gợi ý trả lời:

– Các từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ:

+ hương ổi phả vào trong gió se

+ sương chùng chình

+ chim vội vã

+ Sông dềnh dàng

+ đám mây vắt nửa mình

+ cơn mưa vơi dần

+ Sấm bớt bất ngờ

=> Qua đó, ta thấy được nhà thơ Hữu Thỉnh là một người có tâm hồn giao cảm với thiên nhiên của quê hương, đất nước. Đó là những cảm nhận vô cùng tinh tế cùng sự quan sát đầy tỉ mỉ đã bộc lộ rõ tình yêu thiết tha với thiên nhiên của ông.

Câu hỏi 3: Cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ Sang thu có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện nội dung văn bản?

Gợi ý trả lời:

– HS nhận diện cách ngắt nhịp, gieo vần:

+ Nhịp thơ phổ biến của thơ năm chữ thường là 2/3 hoặc 3/2. Tuy nhiên ở bài thơ này, ngoài khổ thơ thứ hai có nhịp thơ đều đặn (3/2) thì hai khổ còn lại có sự luân chuyển trong cách ngắt nhịp. Ví dụ ở khổ thơ thứ nhất, câu 1 và 3 ngắt nhịp 3/2, câu 2 và 4 lại ngắt nhịp 2/3.

=> Sự luân chuyển trong cách ngắt nhịp như vậy góp phần thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ. Trong trường hợp khổ 1, sự thay đổi về nhịp thơ góp phần thể hiện chút xao xuyến, bâng khuâng của nhà thơ khi bỗng/ bất chợt nhận ra sự chuyển động mơ hồ của thiên nhiên từ hạ sang thu.

+ Gieo vần: Cách gieo vần của bài thơ này chủ yếu là vần chân (se – về, vã – hạ).

=> Tác dụng: tạo sự liên kết giữa các dòng thơ, câu thơ và tạo nhạc điệu cho bài thơ.

Câu hỏi 4: Theo em, chủ đề của bài thơ Sang thu là gì? Qua bài thơ này, tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì đến người đọc?

Gợi ý trả lời:

Chủ đề: qua việc miêu tả sự chuyển mình của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu, bài thơ thể hiện cảm nhận tinh tế của tác giả về thiên nhiên, những suy ngẫm về bước đi của thời gian.

Thông điệp: cần biết lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan để đón nhận những món quà vô giá từ thiên nhiên.

Câu hỏi 5: Nếu nhan đề Sang thu được sửa thành Thu hay Mùa Thu thì có phù hợp với nội dung của bài thơ hay không? Vì Sao?

Gợi ý trả lời:

– Nếu đổi nhan đề của bài thơ thành “Thu” hay “Mùa thu” thì không phù hợp với nội dung của bài thơ vì toàn bộ bài thơ này tập trung miêu tả khoảnh khắc đất trời chuyển mình từ hè sang thu.

Câu hỏi 6: Đọc bài thơ Sang thu, em học được gì về cách quan sát, cảm nhận thiên nhiên của tác giả?

Gợi ý trả lời:

– HS có thể trả lời theo quan điểm riêng của mình, có thể là một số bài học như:

+ Quan sát, cảm nhận để không bỏ sót bất kì vẻ đẹp nào của thiên nhiên, để thêm yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.

+ Hãy cảm nhận và quan sát thiên nhiên một cách tinh tế bằng nhiều giác quan (khứu giác, thị giác, xúc giác, thính giác). Hãy thật sự rung động với vẻ đẹp thiên nhiên bằng trái tim chân thành.

Câu hỏi 7: Chọn một từ ngữ trong bài thơ mà em cho là hay nhất. Viết ít nhất một câu để giải thích sự lựa chọn của em.

Gợi ý trả lời:

– HS có thể lựa chọn một số từ ngữ: chùng chình, dềnh dàng, phả…

– Giải thích lựa chọn:

+ Chùng chình là từ láy gợi cảm giác ngập ngừng, chậm rãi, có chút quyến luyến, bịn rịn. “Sương chùng chình” miêu tả hình ảnh làn sương giăng mắc chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm, ngập ngừng, lưu luyến, bịn rịn như có tâm hồn.

+ Dềnh dàng là từ láy gợi cảm giác thong thả, chậm chạp. Hình ảnh con sông dềnh dàng, không còn cuồn cuộn gấp gáp như mùa hè mưa lũ mà chậm chạp, thong thả trôi, dòng sông như mang tâm trạng của con người, đang lắng lại, suy nghĩ trầm tư về những trải nghiệm đã qua.

+ Phả là động từ mạnh diễn tả sự lan tỏa, trộn lẫn: gợi tả về một không gian dường như mang cả hương thơm của mùa thu, của sự trong lành. Khiến cho người đọc có được cảm giác bất ngờ nhưng rất thú vị.

5/5 (1 bình chọn)