Trong chủ đề Khúc nhạc tâm hồn, sách Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống chúng ta được tìm hiểu về thể thơ bốn chữ và năm chữ. Vận dụng những tri thức đã tìm hiểu, HocVanCoTruongPhuong cùng các em luyện tập viết về thể loại thơ này nhé!
I. Tập làm thơ bốn chữ hoặc năm chữ
1. Những lưu ý về yêu cầu đối với bài tập làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
– Đúng đặc trưng của thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ.
– Nội dung phù hợp với lứa tuổi, thể hiện được những tình cảm hồn nhiên, chân thành.
– Ngôn ngữ dung dị, giàu hình ảnh, cảm xúc.
2. Thực hành viết theo các bước
a. Trước khi viết
Xác định đề tài và cảm xúc
– Làm thơ trữ tình là bày tỏ cảm xúc chủ quan của người làm thơ trước một đối tượng. Vì vậy, công việc đầu tiên khi làm một bài thơ là xác định đề tài (tức là trả lời câu hỏi Viết về cái gì?) và cảm xúc của mình trước đôi tượng đó.
– HS lựa chọn các đề tài nào mình yêu thích, phù hợp với lứa tuổi như nhà trường, gia đình, thiên nhiên, quê hương, đất nước,… và ghi lại cảm xúc về đối tượng được nói đến. Đó có thể là yêu mến, xúc động, lưu luyến, bâng khuâng, nhớ nhung, biết ơn, tự hào,…
Tìm hình ảnh để biểu đạt cảm xúc
– HS lựa một hình ảnh để lại trong em ấn tượng sâu sắc hoặc xúc động nhất. Hình ảnh nên mới lạ, độc đáo để tránh sáo mòn.
– HS liên tưởng, tưởng tượng, kết nối sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với nhau, với con người để mạch cảm xúc, ý tưởng được thể hiện và phát triển một cách tự nhiên.
– HS tìm từ ngữ để diễn đạt cảm xúc của mình trước sự vật, hiện tượng đó,…
Tập gieo vần
– HS chọn thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ và tìm vần thích hợp (vần liền, vần cách, vần lưng, vần chân hoặc vần hỗn hợp).
b. Viết bài
– Trong nhiều tình huống, dòng đầu tiên bất chợt xuất hiện trong tầm trí sẽ quyết định thể thơ, vần, nhịp của cả bài. Vì vậy, các em cần nắm lấy cơ hội đó. Dòng thơ đầu tiên có bốn hoặc năm chữ này thường có nội dung diễn tả ấn tượng, cảm xúc nổi bật của em về đối tượng. Chú ý phần vần ở tiếng cuối để tiếp tục gieo vần chân ở những dòng sau. Những dòng kế tiếp cần duy trì nhịp phù hợp với cảm xúc.
– HS cách triển khai mạch cảm xúc ở những dòng sau. Những dòng thơ tiếp theo có thể miêu tả chi tiết các đặc điểm của đối tượng, kể về đối tượng; có thể diễn đạt dưới hình thức tầm tình, trò chuyện với đối tượng,…
– HS cân nhắc sử dụng những biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ,…
– Kết thúc bài thơ là một công việc quan trọng. Vì bài thơ có tạo được dư âm trong lòng người đọc hay không phần nhiều phụ thuộc vào kết bài. HS bổ sung một vài cách như bỏ lửng những hình ảnh, cảm xúc để gợi mở, bộc lộ cảm xúc sâu đậm; tạo những vần thơ có hình ảnh ấn tượng; nêu cảm nghĩ của mình về sự vật, hiện tượng,…
c. Chỉnh sửa
– HS đọc lại thật kĩ bài thơ và đối chiếu bài thơ vừa làm với các tiêu chí trong bảng Yêu cầu đối với bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ trong SGK, trang 50 để xem bài thơ đã đáp ứng được các yêu cầu đối với một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ chưa.
3. Một số bài thơ tham khảo
a. Thơ bốn chữ
CHIẾC XE CÀ TÀNG CỦA MẸ
Mặt trời chưa ló
Mẹ đã đi làm
Chiếc xe cà tàng
Nổ vang inh ỏi.
Bóng chiều đổ khói
Chợ vãn từ lâu
Tiếng xe ở đâu?
Không nghe “lạch bạch”.
Ngồi vào bàn học
Mẹ mới về nhà
Trên xe đầy quà
Ô mai, trà sữa…
Lâu lâu một bữa
Mẹ chở đến trường
Chiếc xe cà tàng
Cùng em đi học
Một đời khó nhọc
Tất cả vì con
Bộn bề lo toan
Mẹ ơi ! Con hiểu.
BÔNG HỒNG TẶNG CÔ
Bông hồng nho nhỏ
Cánh đỏ rung rinh
Nụ hoa xinh xinh
Rực lên trong nắng
Cô bé xinh xắn
Tung tăng ra vườn
Tìm hoa để thương
Mang tặng cô giáo
Đôi tay bé nhỏ
Nâng nhẹ cánh hoa
Hoa ơi, xin nhé
Mang đến tặng cô
Bông hồng bé nhỏ
Là tấm lòng em
Dâng cô tất cả
Lòng thành kính yêu!
b. Thơ năm chữ
CÔ NGỮ VĂN LỚP EM
Ngày cô bước vào lớp
Tà áo dài tinh khôi
Tưởng cô mới đôi mươi
Nào ngờ đâu “cô giáo”!
Sân trường thêm huyên náo
Bóng áo dài ngang qua
Chân bước đều thướt tha
Cô dạy Văn em đó.
Mỗi lần cô lên lớp
Ngước nhìn cô mê say
Giọng cô nói rất hay
Đưa em vào cổ tích.
Mỗi giờ Văn em thích
Từng câu chuyện cô kể
Sao ấm lòng đến thế!
Những điều hay bao ngày
Mai này có đi xa
Trong em đều luôn nhớ
Bài học cô nhắc nhở
Nâng em bước vào đời…
BA VẮNG NHÀ
Công trình tận ngoài Bắc
Ba lại phải xa nhà
Chiều nay có bão về
Mắt mẹ thoáng âu lo.
Những ngày Đông mưa gió
Đội mưa em đến trường
Bất chợt đi trên đường
“Ước gì ba đưa đón”.
Những ngày ba đi vắng
Mẹ việc nước, việc nhà
Thương lắm đôi tay gầy
Hao mòn theo năm tháng.
Trong nhà con trai lớn
Em phải tự lập thôi
Đỡ đần mẹ lo toan
Ba yên tâm công tác.
“Đêm rồi con vẫn thức
Mẹ chờ cơn bão qua
Mắt vẫn hướng trông ra
Mong ngày mai Ba về…”
II. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
1. Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
– Giới thiệu được tên bài thơ và tác giả bài thơ. Nêu được cảm xúc chung về bài thơ.
– Nêu được ấn tượng, cảm xúc về những nét nghệ thuật độc đáo, đặc biệt chú ý đến tác dụng của thể thơ bốn chữ, năm chữ trong việc góp phần tạo nên nét riêng, giá trị của bài thơ. Từ đó, nêu được những cảm nghĩ về nội dung của bài thơ.
– Trình bày đúng hình thức đoạn văn: Chữ đầu lùi đầu dòng và viết hoa, kết thúc đoạn ở chỗ xuống dòng. Các cầu trong đoạn có sự liên kết cả về nội dung và hình thức.
2. Đọc và phân tích bài viết tham khảo
HS trả lời các câu hỏi:
– Câu văn, từ ngữ nào giới thiệu bài thơ và tác giả? (Câu 1 “Đồng dao mùa xuân… trận chiến ác liệt”).
– Người viết đã nêu ấn tượng, cảm xúc chung về nét đặc sắc nào của bài thơ? (Câu 2 và câu 3 nêu được ấn tượng, cảm xúc về thể thơ, hình ảnh thơ).
– Đoạn văn đã diễn tả cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ chưa? (Đoạn văn diễn tả đầy đủ cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ: hình ảnh thơ, biện pháp tu từ, thể thơ…).
– Người viết đã chú ý đến tác dụng của thể thơ trong việc tạo nên giá trị đặc sắc của bài thơ ra sao?(Thể hiện ở câu văn: Những dòng thơ bốn chữ ngắn gọn…).
– Câu cuối đoạn có nội dung gì? (Khái quát cảm xúc của người viết về bài thơ).
3. Thực hành viết theo các bước
– HS đọc kĩ các bước thực hành viết trong SGK và tiến hành viết.
Bài viết tham khảo:
Gặp lá cơm nếp – tình yêu của người lính dành cho mẹ
Gặp lá cơm nếp là những dòng thơ được tác giả Thanh Thảo viết lên bằng nỗi nhớ, tình yêu thương dành cho mẹ. Với người lính, mẹ là suối nguồn của yêu thương, là ánh sáng diệu kì dõi theo con suốt cuộc đời. Thể thơ năm chữ ngắn gọn súc tích dường như gói trọn cả một tâm tư đằng đẵng của anh lính cụ Hồ đang trên đường hành quân thì bắt gặp lá cây cơm nếp – hình ảnh quen thuộc gắn liền với mẹ. Gánh trên vai trách nhiệm cao cả, nhưng người con ấy vẫn còn mẹ già, còn quê hương xứ sở.
Vậy nên trong tâm khảm người lính, chắc hẳn họ sẽ rất nhớ những gì quen thuộc, gần gũi, là điểm nhấn trong kí ức của mình: Mẹ ở đâu chiều nay/ Nhặt lá về đun nếp/ Phải mẹ thổi cơm nếp. Đấy là hương vị đồng quê, là bát xôi mùa gặt, là bóng mẹ tần tảo sớm hôm nhặt lá về đun bếp chiều, là cả quê hương thân thương biết mấy. Thể thơ năm chữ ngắn gọn, hàm súc đã trải lòng giúp người con những tâm tư tình cảm với quê hương, đất nước và mẹ của mình. Những dòng thơ ngắn gọn không diễn tả chi tiết, cụ thể mà chỉ khơi gợi tâm tình của người con nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận được tình cảm sâu nặng của anh dành cho quê hương và người mẹ. Hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc, bình dị, gợi lên những tình cảm quê hương, gia đình cao đẹp. Bài thơ là dòng cảm xúc chân thực, cảm động về tình yêu mẹ của người lính, lan tỏa ra là tình yêu quê hương đất nước: “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương“.
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn
1. Soạn bài Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm).
2. Soạn bài Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo).
3. Soạn bài Trở gió (Nguyễn Ngọc Tư).
4. Soạn bài VB thực hành đọc: Chiều sông Thương (Hữu Thỉnh).
5. Soạn bài Thực hành tiếng Việt: Biện pháp tu từ, nghĩa của từ ngữ.