Soạn văn 7 – Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt

Mùa xuân là đề tài mà biết bao thi nhân, văn nhân dùng trọn ngòi bút của mình để gửi gắm tâm tư, xúc cảm, cũng như cái hân hoan rạo rực của khởi đầu một năm. Trong cái không gian bãng lãng sắc xuân ấy, con người trở nên yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Vũ Bằng là ngòi bút tràn đầy cảm xúc, biểu thị những cảm giác tinh tế, ông đã có rất nhiều tùy bút viết về quê hương, về Hà Nội. Qua những rung động tinh tế của một tầm hồn nhạy cảm, sức sống con người và hương sắc đất trời Hà Nội – miền Bắc vào tháng Giêng hiện lên như một sự khởi đầu cho dòng hồi tưởng “sống lại” với quá khứ đầy thương nhớ. Cùng TruongPhuong.com khám phá đoạn trích Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt (trích Thương nhớ mười hai) trong chủ đề Màu sắc trăm miền chương trình Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt

1. Trước khi đọc

Câu hỏi 1: Em biết những bài hát hay bức tranh, bức ảnh nào về mùa xuân? Hãy chia sẻ cùng các bạn.

Gợi ý:

– Những bức tranh, ảnh về mùa xuân: các bức tranh của làng Đông Hồ, Hàng Trống vẽ về ngày Tết, ngày xuân, các bức tranh vẽ hoa đào, hoa mai nở rực rỡ chào đón mùa xuân về. Ở nước ngoài có bức tranh Mùa xuân ở Ý (của họa sĩ Isaac Levitan) và bức Mùa xuân ở Pháp (của Robert William Vonnoh).

– Những ca khúc viết về mùa xuân:

+ Mùa xuân ơi (2007) – Nguyễn Ngọc Thiện

+ Xuân đã về (1950) – Minh Kỳ

+ Ngày Tết quê em (1994) – Từ Huy

+ Như hoa mùa xuân (2014) – Châu Đăng Khoa

+ Điệp Khúc Mùa Xuân – Quốc Dũng

+ Khúc Xuân – Võ Thiện Thanh

Câu hỏi 2: Em thích nhất điều gì ở mùa xuân quê em.

Gợi ý:

– HS có thể chia sẻ những điều mình thích về mùa xuân:

+ Cảnh quê hương tươi mới với sắc hoa, nắng xuân hay cơn mưa phùn giữa thời tiết se se lạnh.

+ Cảnh sum vầy trong dịp Tết Nguyên đán.

+ Cảnh du xuân.

2. Sau khi đọc

Câu hỏi 1: Mạch cảm xúc của tác giả được khơi dậy qua sự hồi tưởng về không gian. Tìm chi tiết miêu tả không gian đặc trưng của mùa xuân Hà Nội (vào đầu tháng Giêng và sau rằm tháng Giêng) và chi tiết miêu tả không gian gia đình.

Gợi ý:

– HS liệt kê các chi tiết miêu tả không gian đặc trưng của mùa xuân Hà Nội qua bảng sau:

Không gian Các chi tiết
Đầu tháng Giêng mưa riêu riêu, gió lành lạnh, tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, câu hát huê tình, đất trời mang mang, đường sá không còn lấy lội nữa, cái rét ngọt ngào, chớ không còn tê buốt căm căm nữa,…
Sau rằm tháng Giêng đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại lại nức một mùi hương man mác, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ, bầu trời đã có những vệt xanh tươi, đã có hoa thiên lý, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa, nến trời trong có những làn sáng hồng,… đêm xanh biêng biếc, có mưa dày, nhìn rõ từng cánh sếu bay, trời vẫn rét một cách tình tứ nên thơ, có những đêm không mưa, trời sáng lung linh như ngọc.
Không gian gia đình Vẫn còn âm hưởng của Tết: nhang trầm, đèn nến, bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ Tổ tiên.

– Không gian về cuộc sống bình thường sau Tết: bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh…

Câu hỏi 2: Trong cái rét ngọt đầu xuân, sức sống của thiên nhiên và con người được khơi dậy như thế nào?

Gợi ý:

– HS tìm những chi tiết diễn tả những cảm giác của con người trong tiết trời mùa xuân: nghe như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống, nhựa sống ở trong người căng lên, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, đập mạnh hơn, “sống” lại và thèm khát yêu thương, thấy ai cũng muốn yêu thương, trong lòng như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan, cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa,…

– Thiên nhiên cũng tràn đầy sức sống trong mùa xuân: rạo rực nhựa sống trong cảnh mai, gốc đảo. chổi mận ở ngoài vườn, đồi núi chuyền mình, sông hồ rung động, sông xanh, núi tím, máu cũng căng lên trong lộc của loài nai, mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ,…

=> Thiên nhiên và con người căng tràn nhựa sống, tràn ngập niềm vui, sự hứng khởi

Câu hỏi 3: Nêu nhận xét của em về cách tác giả diễn tả cảm giác của lòng mình khi mùa xuân đến.

Gợi ý:

– HS phát hiện được cách tác giả diễn tả những cảm giác vô hình, khó nắm bắt bằng những hình ảnh cụ thể, giàu sức gợi, bằng những so sánh dễ hình dung, bằng cách nói mới lạ, thú vị,…

– HS kết nối VB đọc với tri thức ngữ văn, chỉ ra ngôn ngữ bài tùy bút này rất giàu hình ảnh, chất thơ, biểu hiện ở những hình ảnh giàu sức gợi. Hình ảnh được sử dụng trong tùy bút chủ yếu là để diễn tả nội dung cảm xúc.

– HS chú ý hai cách diễn tả thế giới tâm hồn của nhà văn: cách diễn tả cảm giác bằng hình ảnh và cách diễn tả trực tiếp tình cảm (qua các cách diễn đạt bằng từ ngữ thể hiện tình cảm như “tôi yêu”, “muốn yêu thương”, “thèm khát yêu thương”). Việc diễn tả thế giới tâm hồn, cảm xúc tạo nên đặc trưng trữ tình của tùy bút.

=> Trong bài văn, tác giả diễn tả cảm giác của lòng mình khi mùa xuân đến rất chân thực, tinh tế, gắn với một tình yêu và trân trọng rất lớn. Qua đó đã tạo nên bức tranh xuân có cảnh đẹp, tình say. Những chi tiết về mùa xuân được tác giả ghi nhớ rất kỹ trong trí nhớ và miêu tả nó rất mượt mà văn chương. Ví dự như mưa mùa xuân có: mưa riêu riêu, mùa phùn, mưa dây… cây cối thì căng tràn nhựa sống (cây mai, đào, các mầm non đâm chồi nảy lộc). Đối với con người thì tác giả cũng miêu tả lại các niềm vui như: nhựa sống trong người căng lên, tim dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn, thèm khát yêu thương, trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là loài hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan…

Câu hỏi 4: Tác giả đã triển khai bài tùy bút theo mạch chủ đề về mùa xuân bắt đầu từ “ai cũng chuộng mùa xuân” như thế nào?

Gợi ý:

– Bố cục bài tùy bút được triển khai theo một cảm hứng chủ đạo: cảm hứng về mùa xuân, chủ đề của VB được nêu từ cầu mở đầu: “ai cũng chuộng mùa xuân”. Từ chủ đề này, tác giả đi tìm kiếm “lí lẽ” và “dẫn chứng”.

+ Lí lẽ dựa trên những chân lý không thể đảo ngược: Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió, ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai căm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.

+ Dẫn chứng là những “phỏng đoán” đầy tính chủ quan dưới dạng câu hỏi đồng thời là câu trả lời cho các nhân vật tưởng tượng: em gái, chàng trai, thiếu phụ. Sau những lí lẽ và dẫn chứng ấy, tác giả lấy chính những trải nghiệm của mình về mùa xuân – “mùa xuân của tôi” để chứng minh lời khẳng định trên. Những cảm nhận về mùa xuân được soi chiếu qua tình yêu sâu nặng với quê nhà. Ai cũng chuộng mùa xuân, nhất là mùa xuân lại gắn với những kỉ niệm, hồi ức gần gũi, chan chứa yêu thương.

Câu hỏi 5: Trong đoạn trích, khi nói về mùa xuân, tác giả dùng cụm từ như mùa xuân của tôi, mùa xuân thần thánh của tôi, mùa xuân của Hà Nội thân yêu. Cách viết này cho em hiểu điều gì về cuộc sống và tình cảm riêng của người viết?

Gợi ý:

– HS vận dụng những thông tin về tác giả, hoàn cảnh sáng tác để thấy dấu ấn cuộc đời riêng của nhà văn trong VB.

– Cách Vũ Bằng viết “mùa xuân của tôi” cho thấy những kỉ niệm của ông với quê nhà, cách viết “mùa xuân thần thánh của tôi” thì cho thấy mùa xuân quê hương có ý nghĩa như thế nào với riêng người viết (đem đến những đổi thay kỳ diệu), cách viết “mùa xuân của Hà Nội thân yêu” cho thấy sự gắn bó sâu nặng của tác giả – người con xa quê – với quê nhà.

=> Hình bóng cái tôi tác giả được thể hiện khá rõ trong bài tùy bút này. Đó là tình yêu của tác giả với thiên nhiên, đặc biệt là tình yêu với mùa xuân. Tác giả yêu đến nỗi muốn hòa mình vào với mùa xuân, muốn sở hữu cả mùa xuân, đã tự cho mùa xuân là của mình và hơn nữa, tác giả còn phong cho mùa xuân là “thần thánh” – điều rất hiếm khi xuất hiện trong lịch sử loài người. Đó là tình yêu của một người con với mảnh đất quê hương thân thiết, ruột thịt khi xa xứ. Đặc biệt, tùy bút được viết khi tác giả đang sống tại Miền Nam mà những hình ảnh về mùa xuân Hà Nội đã hiện lên đầy đủ, vẹn nguyên và đầy cảm xúc càng chứng minh người viết là một người rất yêu Hà Nội, rất yêu mùa xuân xuân Hà Nội.

Câu hỏi 6: Chọn một câu văn cho thấy lời văn của bài tùy bút như lời trò truyện tâm tình. Theo em, đặc điểm của lời văn đó tác động như thế nào đến cảm nhận của người đọc.

Gợi ý:

– Bài tùy bút có một số câu văn giống như lời trò chuyện tâm tình, HS có thể liệt kê một số câu văn như: ơi ơi người em gái xõa tóc bên cửa sổ!, Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy, Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến, Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân…

– HS chia sẻ tác động của lời văn đến cảm nhận của mình (người đọc): Những câu văn nào giống như lời nói thường, như là nhà văn đang chuyện trò với ai đó? Những câu có chứa lời hô gọi làm cho người đọc có ấn tượng như thế nào? Khoảng cách người viết và người đọc sẽ thế nào khi tác giả viết những câu như vậy?…

– Ví dụ: Câu văn “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân“: Đặc điểm của lời văn như lời trò chuyện tâm tình làm cho người đọc cảm nhận được dường như lời trò truyện đó là đang tâm sự cùng mình, khiến cho người đọc cảm thấy gần gũi hơn, hòa nhập vào câu chuyện dễ dàng và tự nhiên hơn. Đồng thời, qua đó làm cho người đọc cũng liên tưởng về mùa xuân trên quê hương, đất nước của mình.

3. Viết kết nối với đọc

Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nhận về cảnh sắc và không khí mùa xuân ở quê hương em.

– HS tìm một nét nào đó của mùa xuân để nêu những cảm nhận của mình. Đó có thể là đặc điểm thời tiết, là một nét đẹp của thiên nhiên, một phong tục, lễ hội. một cách bài trí nhà cửa,…

Một số đoạn văn tham khảo:

Viết về cảnh sắc mùa xuân:

Xuân về trên những cánh đồng, xuân đung đưa trong rặng tre trước ngõ, xuân sà vào đám hoa cải đang rực vàng trong góc vườn… Mùa xuân về trên quê hương em. Cái hương thơm dịu nhẹ của mùa xuân làm con người ta cảm thấy phấn chấn và rạo rực vô cùng. Trong cái không gian bãng lãng sắc mây, phe phẩy làn gió nhẹ, tiết trời rắc thêm một ít hạt mưa làm bầu không khí thêm nhẹ nhàng đến khó tả. Xuân đến, cánh đồng mơn mởn sắc xanh của lúa, sắc lung linh của hoa lá. Én ở đâu từng đàn bay liệng trên bầu trời như tấm thảm đen khổng lồ chao liệng. Xuân đến, lòng người hân hoan đón chờ một cái Tết đoàn viên.

Viết về ngày Tết quê hương:

Ba mươi Tết. Tiếng rộn ràng của đám trẻ con, âm thanh chen chúc của xoong nồi, chén bát, nhịp vang câu ca “Xuân ơi, xuân đã về…” Mẹ í ới đầu ngõ: “mai đào đã chưng chưa? Bánh tét thế nào rồi? Nồi thịt kho trên bếp nhớ xem với nhé!”. Bố vừa gói bánh, vừa lẩm nhẩm bài cúng Tất niên kẻo lại quên. Sắc vàng của cúc, mai, màu hồng phai của đào, rực rỡ của hồng nhung, cẩm chướng, lay ơn… thi nhau khoe sắc. Tất cả tạo nên một không gian đặc trưng riêng của Tết quê hương. Đêm giao thừa. Cả nhà quây quần bên nhau cắn hạt dưa, uống trà rồi trao nhau những câu chúc an lành, một năm mới an khang thịnh vượng. Sáng mùng một, áo dài thắm đỏ, lấp lánh vàng, nụ cười rạng rỡ trên môi, mọi người đến nhà nhau chúc Tết. Xuân quê hương thật ấm áp nghĩa tình. Tết quê hương thật khiến lòng người khó quên!

5/5 (1 bình chọn)