Bài hai Khúc nhạc tâm hồn, chương trình Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống giới thiệu cho chúng ta về thể loại thơ. Một số biện pháp tu từ như nói giảm nói tránh, điệp ngữ giúp việc biểu đạt ý được hiệu quả hơn, nhất là trong thơ ca. Việc tìm hiểu nghĩa của từ ngữ cũng giúp người đọc hiểu trọn vẹn ý của tác giả muốn thể hiện. Trong phần thực hành tiếng Việt này, TruongPhuong.com cùng các em luyện tập một số bài tập liên quan đến các biện pháp tu từ và nghĩa của từ ngữ.
1. Biện pháp tu từ
Câu 1: Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nào trong những dòng thơ sau đây? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Một ngày hòa bình
Anh không về nữa.
Gợi ý trả lời:
– Biện pháp tu từ: nói giảm nói tránh (không về – nghĩa là “đã hi sinh”, “đã mất”)
– Tác dụng: Ở những dòng thơ này, viết về sự hi sinh của người lính nhưng nhà thơ không dùng những từ trực tiếp nói về cái chết để tránh gây cảm giác đau buồn.
Câu hỏi 2: Hãy tìm thêm một số ví dụ ngoài bài thơ Đồng dao mùa xuân có sử dụng biện pháp tu từ được dùng trong hai dòng thơ Một ngày hòa bình / Anh không về nữa.
Gợi ý trả lời:
– HS có thể tìm các ví dụ trong các văn bản hoặc lời nói hằng ngày:
VD: + Bác đã đi rồi sao Bác ơi! (Bác ơi – Tố Hữu)
+ Bỗng lòe chớp đỏ/ Thôi rồi Lượm ơi! (Lượm – Tố Hữu)
– Hoặc cũng có thể tạo ra những ví dụ tương tự:
VD: Ông đã về thế giới bên kia!
Câu hỏi 3: Xác định biện pháp tu từ trong những câu văn sau và nêu tác dụng:
a. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.
(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
b. Lắm khi em cũng nghĩ nỗi nhà cửa như thế này là nguy hiểm, nhưng em nghèo sức quá, em đã nghĩ ròng rã hàng mấy tháng cũng không biết làm như thế nào.
(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
Gợi ý trả lời:
– HS nhớ lại ngữ cảnh của câu văn, xác định cụm từ có sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh rồi nêu tác dụng.
– Cụ thể:
a. Cụm từ nhắm mắt được dùng để nói về cái chết (Nói giảm nói tránh) => Việc dùng cụm từ đó có tác dụng giảm bớt cảm giác đau thương.
b. Cụm từ nghèo sức được dùng để chỉ sự yếu về thể chất (không có sức để đào một cái hang sâu, an toàn) (Nói giảm nói tránh) => Việc dùng cụm từ đó có tác dụng làm giảm sắc thái tiêu cực so với cầu không dùng nói giảm, nói tránh: “… nhưng yếu ớt quá”.
Câu hỏi 4: Xác định biện pháp tu từ điệp ngữ trong bài thơ Đồng dao mùa xuân và nêu tác dụng.
Gợi ý trả lời:
– Biện pháp tu từ điệp ngữ:
+ Có một người lính (lặp lại khổ 1 và khổ 3).
=> Biện pháp tu từ điệp ngữ như một lời nhắc nhở người đọc luôn nhớ về anh – một người con từng sống, chiến đấu và đã anh dũng hy sinh. Sự lặp lại dòng thơ Có một người lính tạo ra một thế đối lập với dòng thơ Anh không về nữa khiến người đọc cảm nhận thấm thía hơn những mất mát lớn lao.
+ Anh không về nữa và anh ngồi (Anh ngồi lặng lẽ, Anh ngồi rực rỡ).
=> Điệp ngữ Anh không về nữa đã khắc hoạ trong lòng người đọc về sự ra đi của người lính nhằm nhấn mạnh nỗi ngậm ngùi, thương tiếc của nhân dân, đổng đội và của nhà thơ dành cho người lính. Việc lặp lại cụm từ anh ngồi khiến hình tượng người lính hiện lên như một bức tượng giữa rừng núi Trường Sơn hùng vĩ. Chiến công, sự hi sinh vì dân, vì nước của người chiến sĩ mãi được ghi tạc trong trái tim mỗi người dân như một tượng đài bất diệt.
Câu hỏi 5: Chỉ ra các biện pháp tu từ trong những câu sau và nêu tác dụng:
a. Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn, gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống.
b. Thoạt đầu, âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tính tang, thoảng và e dè, như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không.
Gợi ý trả lời:
a. – HS nhận diện biện pháp tu từ điệp ngữ bằng cách chỉ ra các từ ngữ được lặp lại: không và gấp rãi.
– Tác dụng: Từ không được lặp lại để nhấn mạnh cảm xúc buồn, nuối tiếc vì mất mát một cái gì đó – một thứ rất mơ hồ, khó gọi thành tên. Từ gấp rãi được lặp lại để nhấn mạnh hành động khẩn trương, gấp gáp của nhân vật “tôi” khi phải chứng kiến bước đi vội vã của thời gian.
b. – HS nhận diện biện pháp tu từ so sánh bằng cách chỉ ra vế A, vế B và từ so sánh trong câu văn.
Vế A | Vế B | Từ so sánh |
âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tính tang, thoảng và e dè | ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cải, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không. | như |
– Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong việc giúp cho sự vật hiện lên sinh động, cụ thể, gợi hình, gợi cảm, làm nổi bật tính chất nhẹ nhàng, dịu êm, trong trẻo của thanh âm.
– HS xác định biện pháp tu từ nhân hóa bằng cách tìm các từ vốn để miêu tả con người, nay chuyển sang dùng để miêu tả gió chướng như e dè, ngại ngần,… => Tác dụng: Biện pháp tu từ nhân hóa đã biến gió chướng thành một con người có tâm lý. tinh cách có phần nhút nhát, rụt rè. Qua đó, người đọc cảm nhận được tình yêu của nhà văn đối với gió chướng.
Câu hỏi 6: Trong những câu sau, biện pháp tu từ nhân hóa mang lại hiệu quả gì?
a. Trời lúc nào cũng mát liu riu, nắng thức rất trễ, tầm tám giờ sáng mới thấy mặt trời ngai ngái lơi lơi, nắng không ra vàng không ra trắng, mây cụm lại rồi rã từng chùm trên đầu.
b. Để rồi một sớm mai, bỗng nghe hơi thở gió rất gần.
Gợi ý trả lời:
a. Biện pháp tu từ nhân hóa: thức, ngai ngái, lơi lơi (sử dụng các từ ngữ chỉ trạng thái của con người để miêu tả thiên nhiên là nắng, mặt trời) => Tác dụng: làm cho các sự vật, hiện tượng thiên nhiên cũng trở nên có hồn, như con người. Từ đó làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
b. Biện pháp tu từ nhân hóa: Hơi thở (vốn là từ thuộc trường nghĩa con người để miêu tả gió) => Tác dụng: làm cho gió cũng có hơi thở, sức sống như con người, tăng sức gợi hình, gợi cảm cho không gian mà gió đến.
2. Nghĩa của từ
Câu hỏi 1: Xác định nghĩa của các từ ngữ núi xanh và máu lửa trong khổ thơ:
Có một người lính
Đi vào núi xanh
Những năm máu lửa.
Em căn cứ vào đâu để xác định như vậy?
Gợi ý trả lời:
– HS xác định nghĩa của cụm từ núi xanh dựa vào các từ ngữ xung quanh nó: rừng chiểu, Trường Sơn, núi cũ, đại ngàn, núi non,… nghĩa của cụm từ máu lửa dựa vào các từ ngữ xung quanh nó: hoà bình, bom nổ, khói đen, ngọn lửa,…
– Cụm từ núi xanh trong khổ thơ có nghĩa là chiến trường, nơi diễn ra những – trận chiến ác liệt. Cụm từ máu lửa được nhà thơ dùng với nghĩa chỉ những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Câu hỏi 2: Cho biết sự khác biệt về nghĩa của từ xuân trong các cụm từ ngày xuân, tuổi xuân, đồng dao mùa xuân.
Gợi ý trả lời:
– HS tìm hiểu nghĩa của từ xuân bằng cách tra từ điển hoặc tìm một số câu có từ xuân mà các em vẫn thường nói, đọc, nghe hằng ngày trong khi chuẩn bị bài học ở nhà.
– Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê Chủ biên), xuân có các nghĩa cơ bản sau:
1) Mùa đầu tiên trong một năm, mùa tươi tốt nhất.
2) Trẻ trung, thuộc về tuổi trẻ (tuổi xuân).
3) Thuộc về tình ái (xuân tình).
4) Thời gian đã trôi qua hay tuổi của con người.
Từ nghĩa trong từ điển, có thể thấy xuân trong ngày xuân chỉ những ngày tháng tươi đẹp, xuân trong tuổi xuân chỉ tuổi trẻ, sự trẻ trung, xuân trong đồng dao mùa xuân vừa chỉ mùa đầu tiên trong một năm, vừa chỉ tuổi trẻ của người lính, vẻ đẹp, sức sống, sức vươn lên của dân tộc, đất nước.
Câu hỏi 3: Em có nhận xét gì về cách dùng từ gặp trong nhan đề bài thơ Gặp lá cơm nếp?
Gợi ý trả lời:
– HS tìm những từ có thể thay thế từ gặp trong nhan đề, phân tích ý nghĩa của từng từ. Từ đó tìm ra cái hay của từ mà tác giả đã dùng.
VD: thay thế từ gặp bằng từ thấy (Thấy có nghĩa là nhận biết được bằng mắt. Gặp có nghĩa là giáp mặt, tiếp xúc với nhau.
=> Tác giả dùng từ gặp để thể hiện tình cảm, thái độ của người lính đối với lá cây cơm nếp. Anh không đơn thuần trông thấy một vật vô tri giác mà như được tiếp xúc với một con người – một người bạn cũ. Trong từ gặp mà tác giả dùng có chứa đựng cả cảm xúc vui mừng, trìu mến.)
Câu hỏi 4: Nêu cách hiểu của em về cụm từ thơm suốt đường con trong khổ thơ sau:
Mẹ ở đâu, chiều nay
Nhặt lá về đun bếp
Phải mẹ thổi cơm nếp
Mà thơm suốt đường con.
Gợi ý trả lời:
– HS nêu nghĩa phổ biến của từ thơm vẫn thường dùng trong giao tiếp hằng ngày, sau đó tìm nghĩa được nhà thơ sử dụng trong cụm từ thơm suốt đường con.
– Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê Chủ biên), thơm có nghĩa là có mùi như hương của hoa, dễ chịu, làm cho thích ngửi. Trong dòng cuối của khổ thơ, từ thơm không còn đơn thuần chỉ mùi hương dễ chịu – đối tượng cảm nhận của khứu giác nữa – mà đã trở thành một biểu tượng cho hương vị quê nhà, tình cảm gia đình trìu mến, thân thương theo mỗi bước chân của người lính.
Câu hỏi 5: Ta thường gặp những cụm từ như mùi vị thức ăn, mùi vị trái chín, mùi vị của nước giải khát,… Nghĩa cả mùi vị trong những trường hợp đó có giống với nghĩa của mùi vị trong cụm từ mùi vị quê hương hay không? Vì sao?
Gợi ý trả lời:
– HS xác định nghĩa của từ mùi vị trong các cụm từ mùi vị thức ăn, mùi trái chín, mùi vị của nước giải khát,… Sau đó so sánh với nghĩa của từ mùi vị trong cụm mùi vị quê hương.
– Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê Chủ biên), mùi có nhiều nghĩa. Nghĩa gắn với các cụm từ trên là danh từ chỉ hương tỏa ra từ vật, có thể nhận biết được bằng mũi. Vị cũng là một danh từ chỉ thuộc tính của sự vật, có thể nhận biết bằng lưỡi. Mùi vị trong những cụm từ mùi vị thức ăn, mùi vị trái chín, mùi vị của nước giải khát,… đều có nghĩa trên. Trong cụm từ mùi vị quê hương, từ mùi vị vừa mang nghĩa chỉ hương vị cụ thể, riêng có của quê nhà, vừa mang nghĩa trừu tượng, chỉ một sắc thái đặc trưng của quê hương, của một vùng miền.
Câu hỏi 6: Nêu nhận xét về cách kết hợp giữa các từ trong hai dòng thơ Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương. Theo em, hiệu quả của cách kết hợp đó là gì?
Gợi ý:
– HS tìm những cụm từ có chia đều như chia đều kẹo, bánh, chia đều thức ăn, chia đều sách vở,… rồi nhận xét đặc điểm của những cụm từ đó. Bổ ngữ trong các cụm từ này đều là danh từ chỉ các sự vật cụ thể. Nhà thơ Thanh Thảo lại kết hợp chia đều với một cụm từ chỉ khái niệm trừu tượng là nỗi nhớ thương.
– Cách sử dụng từ ngữ này khiến người đọc cảm nhận được nỗi nhớ thương một cách cụ thể, không còn là khái niệm trừu tượng, vô hình, không thể nắm bắt bằng giác quan, không thể đong đếm được. Cách kết hợp từ ngữ đặc biệt giúp nhà thơ diễn tả được chiều sâu tâm tư, tình cảm của người lính trên đường ra mặt trận. Họ ra đi vì mục đích lớn lao nhưng trong lòng vẫn đau đáu một nỗi nhớ thương hướng về nơi “giếng nước”, “gốc đa” quê nhà.
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn
1. Soạn bài Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm).
2. Soạn bài Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo).
3. Soạn bài Trở gió (Nguyễn Ngọc Tư).
4. Soạn bài VB thực hành đọc: Chiều sông Thương (Hữu Thỉnh).
5. Soạn bài Thực hành tiếng Việt: Biện pháp tu từ, nghĩa của từ ngữ.