Soạn văn 7 – Thực hành tiếng Việt: Dấu câu, biện pháp tu từ, từ ngữ địa phương

Thực hành về đặc điểm, công dụng của dấu câu, nhận diện biện pháp tu từ, nêu được ý nghĩa chúng trong câu và tìm hiểu một số phương ngữ trên các vùng miền tổ quốc là nội dung phần tiếng Việt trong chủ đề Màu sắc trăm miền, chương trình Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống. TruongPhuong.com cùng các bạn thực hành bài học này.

Dấu câu, biện pháp tu từ, từ ngữ địa phương

1. Dấu câu

Câu hỏi 1: Đọc hai câu văn sau và thực hiện những yêu cầu bên dưới:

a. Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…

b. Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến.

(1) Nêu công dụng của dấu gạch ngang trong các câu văn trên.

(2) Theo em, nếu không có các cụm từ được tách ra bởi dấu gạch ngang thì nội dung những câu văn trên sẽ thay đổi như thế nào?

Gợi ý:

– HS thử bỏ các phần đặt giữa hai dấu gạch ngang (câu a) và phần sau dấu gạch ngang (câu b), nhận xét sự khác nhau giữa câu gốc và câu bị lược, từ đó nêu nhận xét về chức năng của bộ phận giải thích, chú thích đặt giữa hai dấu gạch ngang hoặc sau dấu gạch ngang khi được dùng trong câu.

(1) Công dụng của dấu gạch ngang: Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu.

(2) Nếu không có phần chú thích, giải thích được tách ra bởi dấu gạch ngang thì nội dung của câu sẽ không rõ ràng, cụ thể. Người đọc sẽ không hiểu được tác giả đang nói đến mùa xuân ở đâu, ở nơi nào và không có được cảm giác tự nhiên, thân thuộc.

2. Biện pháp tu từ

Câu hỏi 1: Chỉ ra biện pháp tu từ so sánh trong các câu sau. Cho biết điểm tương đồng giữa các đối tượng được sánh với nhau trong mỗi trường hợp và nêu ý nghĩa của sự tương đồng đó:

a. Tôi yêu sông xanh, núi tím, tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.

b. Cuối tháng Giêng có những đêm không mưa, trời sáng lung linh như ngọc, chỉ chừng mười giờ tối thì trăng mọc cao lên đỉnh đầu.

Gợi ý:

– HS cần xác định các sự vật được so sánh với nhau trong các câu và nhận thức được chỉ khi hai sự vật có những nét tương đồng thì mới được so sánh với nhau.

Câu Biện pháp so sánh Điểm tương đồng Ý nghĩa
a đôi mày ai như trăng mới in ngần Đều chỉ sự thanh tao, tươi trẻ, dịu dàng Làm tô điểm hơn vẻ đẹp đôi lông mày của con người. Tạo hiệu quả thẩm mỹ cho câu văn.
b trời sáng lung linh như ngọc Đều chỉ vẻ đẹp của ánh sáng trong, thanh khiết, có sắc màu ảo diệu Làm cho ánh sáng bầu trời đẹp hơn, rực rỡ hơn. Tạo hiệu quả thẩm mỹ cho câu văn.

Câu hỏi 2: Hãy chỉ ra các biện pháp tu từ được dùng trong các câu văn sau và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:

a. Chàng trai kia khi yêu mùa xuân, phải chăng là tại lúc đôi mùa giao tiễn nhau, chàng tưởng như nghe thấy đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động trong cuộc đổi thay thường xuyên của cuộc đời?

b. Trên giàn hoa lý, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa.

Gợi ý:

– HS phát hiện những cụm từ chứa biện pháp tu từ nhân hóa trong hai câu văn và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ đó trong mỗi câu văn.

– Biện pháp tu từ nhân hóa trong câu:

+ Câu a: đôi mùa giao tiễn nhau, đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động.

+ Câu b: vài con ong siêng năng.

Tác dụng: Biện pháp tu từ nhân hóa thể hiện những rung động của nhà văn lan tỏa vào cảnh vật, thiên nhiên phóng chiếu nội tâm con người. Các sự vật, thiên nhiên như có hồn, trở nên gần gũi với con người hơn.

Câu hỏi 3: Đọc câu văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió, ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.

a. Chỉ ra biện pháp tu từ ở những cụm từ in đậm trong câu văn trên.

b. Biện pháp tu từ đó còn được thể hiện ở những từ ngữ nào khác trong câu?

c. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Gợi ý:

a. Biện pháp tu từ: điệp ngữ.

b. Biện pháp tu từ điệp ngữ còn được thể hiện ở những từ ngữ: đừng thương.

c. Tác dụng của biện pháp điệp ngữ: tạo nhịp điệu cho câu văn, nhấn mạnh điều tác giả muốn thể hiện (tình yêu đối với gia đình, thiên nhiên, đất nước).

Câu hỏi 4: Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn sau và cho biết cách so sánh trong câu này có gì khác so với cách so sánh trong những câu ở bài tập 2:

Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cánh lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.

Gợi ý:

– HS đọc kĩ câu văn và phát hiện các vế so sánh:

+ Vế 1 (cảm giác): Nhựa sống ở trong người căng lên.

+ Vế 2 (hiện tượng): máu căng lên trong lộc của loài nai, mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cánh lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.

=> Đây là biện pháp so sánh tầng bậc và sự vật được so sánh là một thứ trừu tượng, vô hình (nhựa sống trong người căng lên) được so sánh với với những thứ dễ hình dung hơn.

=> Phép so sánh tầng bậc làm cho đối tượng được so sánh hiện lên đa dạng, phong phú, sâu sắc hơn.

3. Từ ngữ địa phương

Câu hỏi 1: Trong câu văn sau, những từ ngữ nào có thể được xem là từ ngữ địa phương? Vì sao?

Tất cả được đựng trong những thẫu, những vịm bày trên một cái trẹc, o bán cơm hến lấy ra bằng những chiếc gáo mù u nhỏ xíu, bàn tay thoăn thoắt mỗi thứ một ít…

Gợi ý:

– HS liệt kê những từ ngữ được cho là từ ngữ địa phương trong câu văn: thẫu, vịm, cái trẹc, o, gáo.

– Những từ ngữ ngày được xem là từ ngữ địa phương vì nó chỉ được sử dụng ở một địa phương nhất định (Huế).

Câu hỏi 2: Liệt kê một số từ ngữ địa phương được dùng trong văn bản Chuyện cơm hến. Những từ ngữ đó có nghĩa tương đương với những từ ngữ nào được dùng ở địa phương em hoặc trong từ ngữ toàn dân?

Gợi ý:

Từ ngữ địa phương Từ ngữ toàn dân
lạt  nhạt
duống xuống
xắt thái/ cắt
trụng nhúng
thẫu thẩu
vịn liễn
trẹc mẹt
o

Câu hỏi 3: Cho biết tác dụng của việc dùng từ ngữ địa phương của Huế trong Chuyện cơm hến.

Gợi ý:

– HS lưu ý: Trong các loại văn bản, một số văn bản không được dùng từ ngữ địa phương. Tuy nhiên, VB văn học lại chấp nhận việc dùng từ ngữ địa phương. Việc dùng từ ngữ địa phương trong văn học thường không phải do thói quen ngôn ngữ của người viết mà có chủ ý. Nhà văn muốn tạo ấn tượng về vùng miền hoặc khắc họa những đặc điểm văn hóa, xã hội mang tính địa phương của nhân vật, sự việc.

– Tác dụng của việc dùng từ ngữ địa phương của Huế trong Chuyện cơm hến: nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sử dụng từ ngữ địa phương nhằm khắc họa không khí, sắc thái riêng của Huế, miêu tả lối nói riêng của người Huế. Tính chất địa phương của bài tản văn góp phần tạo ấn tượng sâu đậm về Huế và văn hoá Huế. Nói về không gian văn hoá Huế bằng một số từ ngữ Huế thì sẽ nêu bật được sắc màu của Huế.

Câu hỏi 4: Nêu một số từ ngữ địa phương chỉ sự vật (người, cây cối, con vật, đồ vật,…) ở các vùng miền mà em biết và tìm từ ngữ toàn dân tương ứng.

Gợi ý:

Từ ngữ địa phương Từ ngữ toàn dân
Ba, thầy, tía, bọ Cha
U, má, bầm, mệ Mẹ
Trụ cúi Đầu gối
Cươi Sân
Ga
Con tru Con trâu
Răng rứa Sao vậy, sao thế
Đâu
Đọi Bát (ăn cơm)
Thơm Dứa
Heo Lợn
Nhởi Chơi
Cái đài Cái gàu (múc nước)
Mụ tra Bà già
Chin, cẳng Chân
5/5 (1 bình chọn)