Bài Cội nguồn yêu thương chương trình Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống giới thiệu với chúng ta về số từ và phó từ. Những hư từ này đảm nhiệm chức năng hỗ trợ trong câu. Vậy chúng hỗ trợ như thế nào và cách sử dụng ra sao? TruongPhuong.com cùng các bạn tìm hiểu nhé!
1. Số từ
Câu hỏi 1: Tìm số từ trong các câu sau:
a. Buổi chiều ra đồng về, bố thường dẫn tôi ra vườn, hai bố con thi nhau tưới.
b. Bố làm cho tôi một bình tưới nhỏ bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay.
c. Cách đây khoảng ba chục mét, hướng này!
Gợi ý:
a. hai bố con
b. một bình tưới
c. ba chục mét
Câu hỏi 2: Tìm số từ chỉ số lượng ước chừng trong các câu dưới đây:
a. Bố có thể lặn một hơi dài đến mấy phút.
b. Tôi còn về vài ngày nữa là khác.
c. Tôi nghe nói bà về đây một hai hôm rồi đi.
Tìm thêm ba số từ chỉ số lượng ước chừng khác và đặt câu với mỗi từ.
Gợi ý:
a. mấy
b. vài
c. một hai
– Các số từ chỉ số lượng ước chừng: dăm, ít, ba bốn, chút, mớ.
– Đặt câu:
+ Chiều ra chợ mua dăm con cá về nấu canh.
+ Ba mang cho con ít thức ăn nhé!
+ Bà về chơi tận ba bốn hôm lận
+ Nó ăn có chút cháo thôi à!
+ Ra vườn hái mớ rau vào nấu canh cua.
Câu hỏi 3: Trong câu: “Nó là thằng Tí, con bà Sáu.”, từ Sáu có phải là số từ không? Vì sao từ này được viết hoa?
Gợi ý:
Từ Sáu trong câu là danh từ riêng chỉ tên một người. Tên Sáu có lẽ được đặt theo thứ tự người con trong gia đình. Ở miền Nam, người con cả trong gia đình thường được gọi là Hai. Bà Sáu có thể là người con thứ năm trong gia đình. Vì thế, trong trường hợp này, số từ chỉ thứ tự đã được chuyển thành danh từ riêng nên phải viết hoa.
Câu hỏi 4: Trong câu: “Bụng nó đầy nước, bố phải nắm ngược hai chân dốc xuống như làm xiếc.”, có số từ hai kết hợp với chân (hai chân). Trong tiếng Việt, bên cạnh hai chân còn có đôi chân. Hãy tìm thêm những trường hợp tương tự và cho biết sự khác nhau về nghĩa giữa cụm từ có số từ hai và cụm từ có danh từ đơn vị đôi có ý nghĩa số lượng trong mỗi trường hợp.
Gợi ý:
– HS cần hiểu:
+ hai là số từ chỉ số lượng, dùng để đếm các sự vật.
+ đôi là danh từ chỉ một tập hợp sự vật có hai yếu tố cùng loại, tương ứng với nhau và làm thành một đơn vị thống nhất về mặt chức năng, công dụng. Có thể tính đếm tập hợp đó bằng số từ và đặt số từ đứng trước danh từ đôi: một đôi, hai đôi, ba đôi,…
– HS tìm thêm những trường hợp tương tự: hai mắt – đôi mắt, hai tay – đôi tay, hai tai – đôi tai, hai cái sừng – đôi sừng hai chiếc đũa – đôi đũa.
Câu hỏi 5: Có những số từ vốn chỉ lượng xác định nhưng trong một số trường hợp lại mang nghĩa không xác định. Ví dụ: Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Từ chín thứ hai là số từ chỉ số lượng xác định nhưng ở đây mang nghĩa biểu trưng là nhiều (nhiều nghề). Hãy tìm một thành ngữ có số từ được dùng theo cách như vậy và giải nghĩa của thành ngữ đó.
Gợi ý:
– HS tìm một thành ngữ có số từ vốn chỉ số lượng xác định nhưng lại mang nghĩa biểu trưng, không xác định và giải thích nghĩa của thành ngữ đó.
+ Thành ngữ ba chìm bảy nổi có ý nghĩa chỉ nỗi gian truân, vất vả, long đong, liên tiếp gặp khó khăn, trắc trở.
+ Thành ngữ Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng có ý nghĩa chỉ những kẻ háo danh dùng tiền để mua danh tiếng, nhưng không làm được gì nhờ cái danh đó.
2. Phó từ
Câu hỏi 1: Tìm các phó từ bổ sung ý nghĩa cho danh từ trong các câu sau:
a. Tôi nghĩ không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là lứa tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này.
b. Những lúc ấy, thầy Đuy-sen đã bế các em qua suối.
c. Tuy chúng tôi còn bé, nhưng tôi nghĩ rằng lúc đó chúng tôi đều đã hiểu được những điều ấy.
Gợi ý:
a. mọi người
b. những lúc ấy, các em
c. những điều ấy
Câu hỏi 2: Tìm phó từ bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ trong những câu sau và cho biết mỗi phó từ bổ sung ý nghĩa gì.
a. Và tôi không nghĩ ra được cách gì hơn là thay mặt bà An-tư-nai Xu-lai-ma-nô-va để kể hết chuyện này.
b. Các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì?
c. Chúng tôi cũng đứng dậy cõng những bao ki-giắc lên lưng và rảo bước về làng.
d. An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?
Gợi ý:
Câu | Các phó từ | Động từ, tính từ được bổ sung | Bổ sung ý nghĩa |
a | không | Động từ nghĩ | Phủ định |
ra, được | Động từ nghĩ | Chỉ kết quả của hành động nghĩ | |
b | lắm | Tính từ hay | Chỉ mức độ cho tính chất hay |
chả | Động từ học tập | Chỉ ý nghĩa phủ định (như chẳng) | |
sẽ | Động từ học tập | Chỉ ý nghĩa thời gian tương lai | |
c | cũng | Động từ đứng dậy | Chỉ sự tiếp diễn tương tự |
về | Động từ bước | Chỉ hướng (về làng) | |
d | quá | Tính từ hay | Chỉ mức độ cho đặc điểm hay |
lắm | Tính từ ngoan | Chỉ mức độ của đặc điểm ngoan. |
Câu hỏi 3: Trong phần (4) của văn bản Người thầy đầu tiên, phó từ hãy được lặp lại nhiều lần. Cho biết tác dụng của việc lặp lại phó từ này.
Và những khi ấy tôi nghĩ: Hãy nhìn đi, hãy nghiên cứu, chọn lọc. Hãy vẽ hai cây phong của Đuy-sen và An-tư-nai, chính hai cây phong đã cho tuổi thơ của mày bấy nhiêu giây phút sướng vui, mặc dù mày không biết rõ sự tích của chúng. Hãy vẽ một đứa bé đi chân không, da rám nắng. Nó trèo lên cao, thật là cao và ngồi lên một cành phong, đôi mắt hân hoan nhìn vào cõi xa xăm kì ảo.
[…] Nếu không, thì hãy vẽ người thầy giáo tiễn An-tư-nai lên tỉnh. Mày còn nhớ khi ông cất tiếng gọi An-tư-nai lần cuối cùng! Hãy vẽ một bức tranh như thế, sao cho bức tranh ấy giống như tiếng gọi của Đuy-sen mà đến nay An-tư-nai vẫn còn nghe vẳng lại, sẽ vang dội mãi trong lòng mỗi người.
Gợi ý:
Trong phẩn (4) của VB Người thầy đầu tiên, phó từ hãy được lặp lại nhiều lần (6 lần). Phó từ hãy đứng trước động từ, có ý nghĩa mệnh lệnh, cầu khiến, thuyết phục, động viên làm việc gì đó. Đoạn văn nói đến những suy tư, trăn trở của người kể chuyện. Câu chuyện xúc động về người thầy đầu tiên – thầy Đuy-sen đã thôi thúc người kể chuyện muốn được sáng tác, muốn được vẽ lại một chi tiết trong câu chuyện hay vẽ chân dung người thầy đặc biệt này để tỏ lòng biết ơn, yêu mến, kính trọng.
Câu hỏi 4: Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) trình bày cảm nhận của em về nhân vật thầy Đuy-sen hoặc An-tư-nai, trong đoạn văn có sử dụng ít nhất 3 phó từ.
Gợi ý:
– HS phân tích yêu cầu của để bài:
+ Nhiệm vụ: viết một đoạn văn với dung lượng khoáng 5-7 câu.
+ Nội dung của đoạn văn: trình bày cảm nhận về nhân vật thầy Đuy-sen hoặc An-tư-nai trong VB Người thầy đầu tiên.
+ Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất 3 phó từ.
– Đoạn văn tham khảo:
Nhân vật thầy Đuy-sen:
Người thầy đầu tiên của nhà văn Ai-ma-tốp để lại trong em ấn tượng sâu sắc về thầy giáo trẻ Đuy-sen. Đến với ngôi làng Ku-ku-rêu, thầy mang trong mình ước mơ khát vọng về việc ươm mầm tri thức cho những đứa trẻ tại vùng quê hẻo lánh này. Và để thực hiện ước mơ đó, thầy đã vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách. Ban đầu là việc làm quen với môi trường sống khắc nghiệt, nghèo khổ, làm quen với những đứa trẻ mà vốn dĩ việc học đối với chúng là một điều chúng chưa từng nghĩ đến. Niềm tin, khát vọng và một tình yêu đặc biệt đối với lũ trẻ đã giúp thầy có động lực, thầy Đuy-sen bế các em nhỏ qua con suối giữa tiết trời mùa đông giá buốt, bỏ được ngoài tai những lời chế giễu của đám nhà giàu trưởng giả. Sức mạnh của nhiệt huyết, của lòng nhân từ, của mong muốn các em nhỏ được tiếp cận những điều hay, bổ ích đã giúp thầy biến ước mơ của những đứa trẻ thành hiện thực. Thầy Đuy-sen – người thầy dẫn đường, mở lối
Nhân vật An-tư-nai
Cô bé An-tư-nai trong câu chuyện Người thầy đầu tiên của nhà văn Ai-ma-tốp khiến người đọc cảm thấy rất thương cảm và khâm phục. Xuất hiện từ đầu câu chuyện là hình ảnh một bà viện sĩ thành công được nhiều người kính phục. Nhưng khi trở về quá khứ ta lại thấy được một cô bé nhà nghèo, mồ côi, cuộc sống cơ cực. Ở An-tư-nai, người đọc càng thương nhưng càng khâm phục tinh thần hiếu học của cô bé. Hình ảnh một cô bé chân trần đi học, chẳng quản khó khăn để được vào lớp nghe thầy giảng bài, là người phụ giúp thầy giáo đắp những hòn đá, ụ đất qua con suối khiến ta khâm phục vô cùng. Chính tinh thần hiếu học, tâm hồn trong trẻo tựa dòng suối đã giúp An-tư-nai cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để đạt được những thành công ở tương lai.
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 3: Cội nguồn yêu thương
1. Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần).
2. Soạn bài Người thầy đầu tiên (trích, Trin-ghi-dơ Ai-ma-tốp).
3. Soạn bài Quê hương (Tế Hanh).
4. Soạn bài VB thực hành đọc: Trong lòng mẹ (Trích Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng).
5. Soạn bài Thực hành tiếng Việt: Số từ, phó từ.
6. Soạn bài Viết: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học.