Vạn vật quanh ta phong phú, đa dạng, chúng có màu sắc riêng, cũng có tiếng nói riêng đôi khi thúc giục lòng ta phải mở ra để lắng nghe những thầm thì toát ra như giai điệu dịu êm của cuộc sống. Bài mở đầu của chương trình Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo mang các em đến với Tiếng nói của vạn vật bằng những bài thơ bốn chữ, năm chữ giúp ta lắng nghe từng hơi thở, âm thanh kì diệu mà chắc hẳn có lúc nào đó ta vô tình lướt qua.
I. Tri thức Ngữ văn
1. Thơ bốn chữ, năm chữ
* Thơ bốn chữ: là thể thơ mỗi dòng có bốn chữ, thường có nhịp 2/2.
* Thơ năm chữ: là thể thơ mỗi dòng có năm chữ, thường có nhịp 3/2 hoặc 2/3.
2. Hình ảnh trong thơ
– Hình ảnh trong thơ là những chi tiết, cảnh tượng từ thực tế đời sống, được tái hiện bằng ngôn ngữ thơ ca, góp phần diễn tả cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ về thế giới và con người.
Ví dụ: Hình ảnh “người lính” trong những năm máu lửa (bài thơ Đồng dao mùa xuân- Nguyễn Khoa Điềm). Đó là những chàng thanh niên chân chất, chưa trải đời, rất vô tư (chưa một lần yêu, cà phê chưa uống, còn mê thả diều), là người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ hồn hậu, hiền lành (ba lô con cóc, tấm áo màu xanh, làn da sốt rét, cái cười hiền lành), là người chiến sĩ với nhiều nỗi niềm, mơ ước, nhưng cũng đầy trách nhiệm (anh ngồi lặng lẽ/ dưới cội mai vàng, anh ngồi rực rỡ, mắt như suối biếc, vai đầy núi non…).
– Lưu ý: Văn chương nói chung, thơ ca nói riêng đều dùng hình ảnh để diễn tả cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ về thế giới và con người chứ không riêng thơ bốn chữ, năm chữ.
3. Vần, nhịp và vai trò của vần, nhịp trong thơ
– Vần: gồm vần chân và vần lưng.
+ Vần chân là vần được gieo vào cuối dòng thơ, nghĩa là các tiếng ở cuối dòng vần với nhau.
+ Vần lưng là vần được gieo ở giữa dòng thơ, nghĩa là tiếng cuối của dòng trên vần với một tiếng nằm ở giữa dòng dưới hoặc các tiếng trong cùng một dòng hiệp vần với nhau.
– Vai trò của vần: Liên kết các dòng và câu thơ, đánh dấu nhịp thơ, tạo nhạc điệu, sự hài hòa,sức âm vang cho thơ, làm cho câu thơ, dòng thơ dễ nhớ dễ thuộc.
– Nhịp thơ:
+ Nhịp thơ được thể hiện ở chỗ ngắt chia dòng và câu thơ thành từng vế hoặc ở cách xuống dòng/ngắt dòng đều đặn cuối mỗi dòng thơ.
+ Nhịp có tác dụng tạo tiết tấu, làm nên nhạc điệu của bài thơ, đồng thời cũng biểu đạt nội dung thơ.
4. Thông điệp
– Thông điệp là ý tưởng quan trọng nhất, là bài học, cách ứng xử mà văn bản muốn truyền đến người đọc.
II. Tri thức tiếng Việt
1. Phó từ
– Phó từ là những từ chuyên đi kèm với danh từ, động từ, tính từ nhằm bổ sung ý nghĩa cho các từ loại này.
2. Các loại phó từ
- Nhóm phó từ chuyên đi kèm trước danh từ.
Ngữ liệu: Những cây non được chúng tôi chăm bón kỹ lưỡng.
=> Bổ sung ý nghĩa về số lượng cho danh từ.
- Nhóm phó từ chuyên đứng trước hoặc sau động từ, tính từ.
Ngữ liệu:
Đầu tôi to ra nổi từng tảng rất bướng.
=> Phó từ “ra” đứng sau tính từ “to” bổ sung ý nghĩa chỉ kết quả và hướng.
=> Phó từ “rất” đứng trước tính từ “bướng” bổ sung ý nghĩa về mức độ.
Anh đừng trêu vào.
=> Phó từ “đừng” đứng trước động từ “trêu” bổ sung ý nghĩa cầu khiến.
III. Nội dung bài học
Mỗi con người, sự vật, dù là nhỏ bé, đều góp phần tạo nên sự sống như hạt mầm góp màu xanh cho đất trời. Hãy lắng nghe lời của cỏ cây loài vật để biết yêu thương, nâng đỡ sự sống ngay từ khi sự sống mới là những mầm non. Chủ đề bài học đầu tiên của chương trình Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo đưa ta đến với tiếng nói của vạn vật, để ta lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương những sự sống đang tồn tại quanh ta.
Chủ đề bài học “Tiếng nói của vạn vật” gồm các nội dung cơ bản:
1. Đọc:
* Đọc – hiểu các văn bản:
– VB1: Lời của cây (Trần Hữu Thung).
– VB 2: Sang thu (Hữu Thỉnh).
– VB Đọc kết nối chủ điểm: Ông Một (Vũ Hùng).
– VB Đọc mở rộng theo thể loại: Con chim chiền chiện (Huy Cận).
*Thực hành tiếng Việt: Phó từ
3. Nói và nghe: Tóm tắt ý chính do người khác trình bày
4. Ôn tập bài 1.