Soạn văn 7 – Nói và nghe: Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống

Văn học là cuộc sống thu lại trong những trang viết, mỗi con người trong cuộc sống cũng được hình tượng hóa thành các nhân vật trong các tác phẩm. Nhân vật trong tác phẩm đa dạng, có thể là con người, con vật, đồ vật… là sự gửi gắm những suy tư, tình cảm của người viết, tác giả về đời sống quanh ta. Tiết học nói và nghe trong chủ đề Cội nguồn yêu thương chương trình Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống giúp chúng ta chia sẻ những ý kiến cá nhân về những vấn đề ấy. TruongPhuong.com cùng bạn tìm hiểu bài học này.

Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống

1. Chuẩn bị nội dung nói

Lựa chọn một vấn đề đời sống được gợi ra từ một nhân vật văn học trong các tác phẩm em đã học. HS có thể tham khảo các vấn đề sau:

– Các vấn đề được gợi ra từ nhân vật mèo Gióc-ba (Chuyện con mèo dạy hải âu bay): sự trân trọng lời hứa, sức mạnh kì diệu của tình yêu thương, niềm tin vào cuộc sống, vẻ đẹp của lòng can đảm, tôn trọng sự khác biệt.

– Các vấn đề được gợi ra từ nhân vật Mên, Mon (Bầy chim chìa vôi): An, Cò (Đi lấy mật): nhân vật “tôi”, người cha (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ): tình yêu thiên nhiên, trân trọng sự sống, tình yêu thương loài vật.

– Các vấn đề được gợi ra từ nhân vật bé Hồng (Trong lòng mẹ), thầy Đuy-sen, An-tư-nai (Người thầy đầu tiên): Tình yêu thương mang đến những điều kì diệu trong cuộc sống, tình mẫu tử thiêng liêng, người ươm mầm ước mơ cho những đứa trẻ, kiên trì nỗ lực sẽ mang đến hạnh phúc, thành công.

2. Lập đề cương cho bài nói

a. Vấn đề tôn trọng sự khác biệt được gợi ra từ nhân vật mèo Gióc-ba:

– Nhân vật mèo Gióc-ba đã gợi ra những vấn đề về sự tôn trọng khác biệt: Chú mèo Gióc-ba tình cờ chứng kiến cái chết của mẹ hải âu đáng thương. Nó là loài mèo nhưng lại nhận chăm sóc, nuôi nấng một chú chim hải âu con bé nhỏ. Bằng danh dự, sự tận tâm và nhất là tình yêu thương, Gióc-ba đã cùng với những con mèo nhà, mèo hoang ở bến cảng Hamburg làm được điều tưởng chừng như không thể. Chú chim hải âu con sau bao sợ hãi cuối cùng cũng chập chững những sải cánh đầu tiên, bắt đầu cuộc đời của một con hải âu thật sự.

– Về vấn đề tôn trọng sự khác biệt: Gióc-ba đã nói “Thật dễ dàng để yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”. Gióc-ba đã yêu thương một con hải âu nhưng không hề muốn biến nó thành một con mèo. Bởi trong tình yêu, việc đầu tiên mỗi người cần làm là học cách chấp nhận sự khác biệt, trân trọng điều đó ở người khác.

– Trong cuộc sống, tôn trọng sự khác biệt được hiểu như thế nào? (HS có thể tìm hiểu: Thế nào là tôn trọng sự khác biệt? Ý nghĩa của việc tôn trọng sự khác biệt? Em có thể lấy bằng chứng từ những trải nghiệm của mình trong cuộc sống hoặc từ sách báo, phim ảnh để tìm hiểu vấn đề này).

– Bài học em nhận được từ câu chuyện của mèo Gióc-ba? Việc tôn trọng sự khác biệt cần thiết như thế nào?

b. Vấn đề tình yêu thương loài vật được gợi ra từ nhân vật Mon, Mên trong tác phẩm Bầy chim chìa vôi:

– Nhân vật Mên, Mon đã gợi ra những vấn đề về tình yêu thương loài vật: Khoảng hai giờ sáng Mon tỉnh giấc gọi anh, hai anh em đang lo lắng về chuyện bầy chim chìa vôi ở bãi sông. Mon và Mên sợ “Tổ chim sẽ bị chìm mất” và những con chim chìa vôi non có thể sẽ bị chết đuối. Nỗi lo lắng cho bầy chim non một tăng cao khi trời mưa không ngớt nên Mon đã chủ động và bạo dạn “mượn” đồ của ông Hảo đi cứu bầy chim. Hai anh em chờ đến tảng sáng, khi tận mắt chứng kiến bầy chim non rũ cánh bay lên. Niềm hạnh phúc vỡ òa.

– Thông qua rất nhiều chi tiết miêu tả tâm trạng hai anh em như: lo lắng khi trời mưa to chim không thể về bờ, mừng rỡ và xúc động khi những chú chim bứt phá, nỗ lực vượt qua khó khăn để cất cánh bay đầu tiên lên trời xanh. Từ đó cho chúng ta thấy được tình yêu thương loài vật cao quả và đẹp đẽ của anh em Mên và Mon.

– Trong cuộc sống, em hiểu thế nào về tình yêu thương loài vật? (HS có thể tìm hiểu: Vì sao loài vật đáng được yêu thương? Những bằng chứng nào cho thấy có nhiều người rất yêu thương, trân trọng loài vật nhưng vẫn còn có những người đối xử tàn nhẫn với động vật?).

– Bài học em rút ra từ câu chuyện về tình yêu thương loài vật của Mên và Mon là gì?

c. Tình yêu thương mang đến những điều kì diệu trong cuộc sống được gợi ra từ nhân vật cậu bé Hồng (Trong lòng mẹ – Nguyên Hồng)

– Cậu bé Hồng gợi ra những vấn đề về tình yêu thương mang đến điều kì diệu: Cậu bé mồ côi cha, mẹ tha hương cầu thực, cậu phải sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng. Trong cuộc đối thoại với người cô chúng ta thấy được nỗi nhớ mẹ luôn thường trực, trước những lời xúc xiểm của người cô cậu vẫn dành cho mẹ sự tin tưởng, tình yêu thương, và nhiều lần bảo vệ mẹ trước những định kiến. Cậu cũng khát khao được gặp mẹ, và rồi cảm xúc ấy vỡ òa khi trên đoạn đường từ trường về nhà cậu đã được gặp mẹ, được tận hưởng khoảnh khắc diệu kì của tình mẫu tử thiêng liêng.

– Trong cuộc sống, em hiểu thế nào về tình yêu thương? (HS có thể tìm hiểu: Thế nào là tình yêu thương? Tình yêu thương mang đến những điều kì diệu nào? Em có thể lấy bằng chứng từ những trải nghiệm của mình trong cuộc sống hoặc từ sách báo, phim ảnh để tìm hiểu vấn đề này).

– Bài học em rút ra từ câu chuyện về tình yêu thương của nhân vật cậu bé Hồng?

3. Trình bày bài nói

a. Người nói

– Lần lượt trình bày các ý theo nội dung đã chuẩn bị.

– Nhấn mạnh ý kiến riêng của mình về vấn đề đời sống.

– Điều chỉnh giọng nói, tốc độ nói, sử dụng cử chỉ, điệu bộ phù hợp với nội dung trình bày và thể hiện sự tương tác với người nghe.

b. Người nghe

– Tập trung lắng nghe để nắm được nội dung trình bày của bạn.

– Chú ý cách trình bày và thái độ của người nói.

– Ghi lại một số nội dung dự kiến sẽ thảo luận với người nói.

4. Sau khi nói

Người nghe Người nói
Kiểm tra lại các thông tin đã nghe được, trảo đổi với người nói trên tinh thần xây dựng và tôn trọng. Có thể trao đổi bằng cách:

– Đặt câu hỏi để thu thập thêm thông tin về vấn đề thảo luận.

– Đưa ra lí do thể hiện sự đồng tình hay không đồng tình với ý kiến của người nói.

– Nhận xét về lí lẽ và bằng chứng mà người nói sử dụng.

Lắng nghe, phản hồi ý kiến của người nghe với tinh thần cầu thị:

– Trả lời câu hỏi, bổ sung thông tin cho những nội dung mà người nghe chưa rõ.

– Bổ sung lí lẽ, bằng chứng để bảo vệ ý kiến của mình nếu nhận thấy ý kiến đó đúng.

– Tiếp thu những ý kiến góp ý mà em cho là xác đáng.

5/5 (1 bình chọn)