Có khá nhiều học sinh trong quá trình học tập rất bối rối với việc ghi chép, bởi có nhiều bạn vì quá tập trung bài giảng mà quên mất việc ghi lại những kiến thức cần thiết, một số bạn lại mải mê cho việc ghi chép mà bỏ lỡ những điều cần khắc sâu. Cũng vì thế mà việc ghi nhớ kiến thức cũng như hiểu sâu nội dung bài học trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong quá trình tiếp cận kiến thức của các em. Nội dung văn bản Cách ghi chép để nắm được nội dung bài học sẽ giúp chúng mình khắc phục được vấn đề này. Cùng HocVanCoTruongPhuong tìm hiểu văn bản thứ hai trong chủ đề Từng bước hoàn thiện bản thân, chương trình Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo nhé!
1. Chuẩn bị đọc
Câu hỏi: Mỗi khi đọc lại phần ghi chép bài học trong các trang vở của mình, em có thấy nội dung ghi chép của em dễ hiểu, dễ nhớ hay không?
Gợi ý trả lời:
– HS trả lời theo thực tế cách ghi chép của bản thân. Đa số học sinh ghi chép theo cách ghi bảng của giáo viên, chưa chủ động sáng tạo, các em đều dễ hiểu nhưng để ghi nhớ được nội dung thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
2. Trải nghiệm cùng văn bản
Câu hỏi 1: Đoạn văn in nghiêng có vai trò thế nào trong văn bản?
Gợi ý trả lời:
Đoạn văn in nghiêng có vai trò nhằm giải thích ý nghĩa cho các thuật ngữ chính có trong văn bản.
Câu hỏi 2: Đã bao giờ em dùng các “mẹo nhỏ” này trong ghi chép chưa?
Gợi ý trả lời:
– HS trả lời theo thực tế cách ghi chép của các em. Một số “mẹo nhỏ” như văn bản chia sẻ đa số HS đều đã sử dụng.
3. Suy ngẫm và phản hồi
Câu hỏi 1: Những dấu hiệu nào trong văn bản trên giúp em nhận ra đây là văn bản giải thích về một quy tắc hay luật lệ, cách thức trong hoạt động? Mục đích của văn bản này là gì?
Gợi ý trả lời:
– Những dấu hiệu nhận biết văn bản giải thích về một quy tắc hay luật lệ, cách thức trong hoạt động:
+ Văn bản có các bước hướng dẫn và các đề mục rõ ràng, có hình ảnh minh họa cụ thể.
+ Văn bản trên giới thiệu những mẹo đọc liên quan đến hoạt động học tập.
+ Văn bản cung cấp thông tin bổ ích và được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu.
– Mục đích văn bản: hướng dẫn học sinh cách ghi chép khoa học để nắm bắt thông tin văn bản nhanh nhất.
Câu hỏi 2: Xác định thông tin cơ bản của văn bản. Nhận xét về mối quan hệ giữa đặc điểm với mục đích của văn bản trên.
Gợi ý trả lời:
– Thông tin cơ bản của văn bản: hướng dẫn cách ghi chép thông tin nhanh và nắm thông tin hiệu quả.
– Nhận xét mối quan hệ giữa đặc điểm với mục đích của văn bản:
+ Đặc điểm văn bản: rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn, được chia ra làm nhiều đề mục và có hình ảnh minh họa.
+ Mục đích viết văn bản: hướng dẫn học sinh cách ghi chép khoa học để nắm bắt thông tin văn bản nhanh nhất.
=> Đặc điểm trình bày của văn bản và mục đích có sự gần gũi, phối hợp chặt chẽ với nhau.
Câu hỏi 3: Hình minh họa trong mục A (Phương pháp phân vùng) đã hỗ trợ như thế nào cho phần lời trong việc thể hiện thông tin cơ bản ở mục này?
Gợi ý trả lời:
– Hình minh họa trong mục A đã giúp cho người đọc hình dung một cách cụ thể hơn, giúp phần lời được thể hiện rõ ràng hơn.
Câu hỏi 4: Việc tách riêng mỗi “mẹo nhỏ” trong ghi chép thành một đoạn riêng và đánh dấu bằng gạch đầu dòng trong mục Mẹo nhỏ ghi chép để khi đọc là hiểu ngay có tác dụng gì trong việc thể hiện thông tin chi tiết của văn bản?
Gợi ý trả lời:
– Có tác dụng làm cho thông tin sáng rõ, dễ hiểu hơn. Từ những mẹo này, học sinh nắm bắt nhanh bài đọc và tiếp thu cách ghi chép thông tin hiệu quả nhất.
Câu hỏi 5: Theo em, các từ ngữ, câu văn được in đậm và được đánh dấu bằng các chữ số 1, 2, 3, 4 ở một số dòng trong mục B (Học cách tìm nội dung chính) có tác dụng gì trong việc thể hiện thông tin cơ bản của văn bản?
Gợi ý trả lời:
– Có tác dụng nêu những nội dung chính trong việc thể hiện thông cơ bản của văn bản.
Câu hỏi 6: Văn bản mang lại những điều gì có ích cho việc ghi chép trong học tập của em?
Gợi ý trả lời:
Văn bản đã mang lại nhiều điều có ích cho việc ghi chép trong học tập của em như:
– Cách lập ra quy tắc ghi chép.
– Cách tìm nội dung chính.
– Cách phân tích và đối chiếu.
=> Đây đều là những điều cần thiết cho việc ghi chép giúp em ghi chép khoa học và dễ hiểu hơn.
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 5: Từng bước hoàn thiện bản thân
1. Soạn bài Chúng ta có thể đọc nhanh hơn.
2. Soạn bài Cách ghi chép để nắm được nội dung bài học (Dư Gia Huy).
3. Soạn bài Đọc kết nối chủ điểm: Bài học từ cây cau (Nguyễn Văn Học).
4. Soạn bài Thực hành tiếng Việt: Thuật ngữ, Ngôn ngữ của các vùng miền.
5. Soạn bài Đọc mở rộng theo thể loại: Phòng tránh đuối nước (Nguyễn Trọng An).
6. Soạn bài Viết: Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong hoạt động.
7. Soạn bài Nói và nghe: Giải thích quy tắc hoặc luật lệ trong một trò chơi hay hoạt động.
8. Ôn tập bài 5.