Soạn văn 7 – Ngữ cảnh và nghĩa của từ ngữ trong ngữ cảnh

Trong quá trình thực hành năng lực đọc, viết, chúng ta cần chú ý nhiều đến ngữ cảnh và nghĩa của từ ngữ trong ngữ cảnh để hoàn thiện tốt các kĩ năng và hiểu sâu hơn văn bản. Ngoài ra, rèn luyện về dấu câu, các biện pháp tu từ cũng rất quan trọng trong việc đọc -hiểu và tạo lập văn bản. Trong chủ đề Giai điệu đất nước chương trình Ngữ văn 7 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, HVCTP cùng các bạn thực hành các nội dung này.

mã giảm giá lazada

Ngữ cảnh và nghĩa của từ ngữ trong ngữ cảnh

1. Ngữ cảnh và nghĩa của từ ngữ trong ngữ cảnh

Câu hỏi 1: Giải thích nghĩa của các từ in đậm trong những dòng thơ sau:

a. Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy bên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.

b. Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

c. Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa.

Gợi ý:

– HS thực hiện bài tập theo các bước:

+ Chỉ ra nghĩa của từ trong từ điển.

+ Chỉ ra nghĩa của từ trong ngữ cảnh cụ thể.

+ Nêu tác dụng của việc sử dụng từ đó trong từng ngữ cảnh.

– HS tham khảo gợi ý:

Từ ngữ Nghĩa trong từ điển Nghĩa trong ngữ cảnh Tác dụng
a. Lộc Chồi lá non Vừa có nghĩa thực là chồi non, lá non vừa có nghĩa ẩn dụ là may mắn, hạnh phúc. Diễn tả: Người cầm súng như mang theo sức xuân trên đường hành quân, người ra đồng như gieo mùa xuân trên từng nương mạ. Chính người cầm súng và người ra đồng đã làm nên mùa xuân hạnh phúc cho đất nước.
b. đi Di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác Tiến lên, phát triển Với việc sử dụng từ đi, nhà thơ đã thể hiện được niềm tin vào bước tiến vững vàng của đất nước trong tương lai.
c. làm Dùng công sức vào những việc khác nhau, nhằm mục đích nhất định nào đó. Hóa thành, biến thành Nhà thơ Thanh Hải đã thể hiện ước nguyện hóa thân thành con chim hót, thành một cành hoa… để dâng hiến cho cuộc đời, làm đẹp cho đời.

Câu hỏi 2: Từ giọt trong đoạn thơ sau có nhiều cách hiểu khác nhau. Có người cho là giọt sương, người cho là giọt mưa xuân và có người cho là “giọt âm thanh” tiếng chim. Theo em, trong ngữ cảnh này, có thể chọn cách hiểu nào? Vì sao?

Ơi, con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Gợi ý:

– Theo định nghĩa trong từ điển, nghĩa của từ giọt trong giọt mưa, giọt nước, giọt sương là chỉ lượng rất nhỏ chất lỏng, có dạng hạt. Trong trường hợp này dựa trên ngữ cảnh (giọt long lanh) có thể hiểu là giọt âm thanh – tiếng chim hót. Nhưng chỉ có từ long lanh – chỉ tính chất sáng, đẹp của giọt mà không có từ chỉ sự vật cụ thể như mưa, sương, nước hay tiếng chim nên có thể gợi liên tưởng đến giọt mùa xuân – sức sống của mùa xuân đang dâng tràn, dào dạt

2. Biện pháp tu từ

Câu hỏi 3: Theo em, trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, biện pháp tu từ nào có vị trí nổi bật nhất? Hãy cho biết tác dụng của việc sử dụng biện pháp tu từ đó.

Gợi ý:

– HS cần vận dụng kiến thức về biện pháp tu từ đã được học để nhận diện các biện pháp tu từ đồng thời nêu tác dụng của chúng. HS có thể chọn những biện pháp tu từ khác nhau: so sánh, điệp ngữ, ẩn dụ,…

– HS có thể lựa chọn các biện pháp tu từ sau:

+ Biện pháp tu từ ẩn dụ qua những hình ảnh mùa xuân nho nhỏ, một cành hoa, một nốt trầm,… thể hiện ước nguyện chân thành, tha thiết của nhà thơ: được cống hiến những gì tốt đẹp, dù nhỏ bé, đơn sơ cho cuộc đời.

+ Biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong một số dòng thơ. Ví dụ với dòng thơ Đất nước như vì sao / Cứ đi lên phía trước: Vì sao gợi 1 nguồn sáng lấp lánh, vẻ đẹp vĩnh hằng của vũ trụ. Việc so sánh đất nước với vì sao gợi 1 hình ảnh rạng ngời của lá cờ Tổ quốc và niềm tự hào của tác giả về đất nước, về tương lai tươi sáng của dân tộc.

+ Biện pháp tu từ điệp ngữ. Ví dụ: Dù là tuổi hai mươi / Dù là khi tóc bạc: nhấn mạnh sự quyết tâm, khát khao được cống hiến của tác giả. Nước non ngàn dặm mình/ Nước non ngàn dặm tình: nhấn mạnh, làm nổi bật niềm tin yêu, tự hào của tác giả với đất nước, với quê hương.

3. Nghĩa của từ ngữ

Câu hỏi 4: Giải thích nghĩa của từ thở được dùng trong dòng thơ Mái lá khoan thai thở làn khói nhẹ. Chỉ ra sự khác biệt về nghĩa của từ thở trong ngữ cảnh này với từ thở trong câu: Em bé thở đều đều khi ngủ say.

Gợi ý:

– HS nhận biết và chỉ ra được sự khác biệt về nghĩa của từ thở trong những ngữ cảnh khác nhau:

+ Mái lá khoan thai thở làn khói nhẹ: thở có nghĩa là phả ra, tỏa ra.

+ Em bé thở đều đều khi ngủ say: thở là hoạt động của con người – hít không khí vào lổng ngực, vào cơ thể rồi đưa trở ra qua mũi, miệng.

Câu hỏi 5: Tìm các từ láy trong bài thơ. Chọn một từ để giải thích nghĩa và nêu tác dụng của việc dùng từ láy đó.

Gợi ý:

HS thực hiện bài tập theo các bước:

– Chỉ ra các từ láy trong bài thơ: leng keng, lao xao, xao xuyến, thẹn thò,…

– Chọn một từ láy và giải thích nghĩa của từ đó. Chẳng hạn, HS có thể chọn giải thích nghĩa từ xao xuyến: trạng thái xúc động kéo dài, khó dứt.

– Nêu tác dụng của việc sử dụng từ láy đó trong câu thơ Gió dìu vương xao xuyến bờ tre: giúp cho câu thơ thêm sinh động, gợi hình, gợi cảm. Nhà thơ đã gợi nên được trạng thái bâng khuâng của sự vật, giúp cho sự vật trở nên gần gũi với con người, cũng có những nỗi niềm cảm xúc như con người,…

4. Dấu câu

Câu hỏi 6: Cho biết công dụng của dấu ngoặc đơn và dấu ngoặc kép trong bài thơ Gò Me.

Gợi ý:

+ Véo von điệu hát cổ truyền

(Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe):

Hò… ơ… Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me

Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò…”.

Dấu ngoặc đơn: có công dụng đánh dấu phần bổ sung thêm thông tin cho phần trước đó.

Dấu ngoặc kép: có tác dụng đánh dấu từ ngữ, cầu, đoạn dẫn trực tiếp.

5. Biện pháp tu từ

Câu hỏi 7: Chỉ ra các biện pháp tu từ trong những dòng thơ sau và nêu tác dụng của chúng:

a. Ao làng trăng tắm, mây bơi

Nước trong như nước mắt người tôi yêu.

b. Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo.

c. Me non cong vắt lưỡi liềm

Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ.

d. Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe.

Gợi ý:

– HS cần vận dụng kiến thức đã được học để nhận diện các biện pháp tu từ, đồng thời nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

– Cụ thể:

a. Biện pháp tu từ nhân hóa (trăng tắm, mây bơi): với cách dùng biện pháp tu từ nhân hóa, tác giả đã làm cho trăng, tre, mây hiện lên sống động như con người, cũng có những hành động, tâm trạng như con người.

Biện pháp tu từ so sánh (nước trong như nước mắt người tôi yêu): hình ảnh ở vế B nước mắt người tôi yêu làm cho hình ảnh mặt nước ao làng – vốn chỉ là không gian thiên nhiên – trở thành một thế giới của tâm hồn, thế giới của kỉ niệm và đặc biệt gần gũi.

b. Biện pháp tu từ nhân hóa (tre thổi sáo): làm cho cây cối có hồn, khung cảnh trở nên sinh động.

c. Biện pháp tu từ so sánh (Me non cong vắt lưỡi liềm/ Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ): Gợi được vẻ đẹp nên thơ, mềm mại của cảnh sắc thiên nhiên, đồng thời tăng sức gọi hình, gợi cảm trong câu thơ.

d. Biện pháp tu từ nhân hóa (Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe): làm nổi bật lên điều quan trọng, điều thú vị gây được sự chú ý của người khác mà sắp được diễn ra.

5/5 (1 bình chọn)