Soạn văn 7 – Nói và nghe: Kể lại một truyện ngụ ngôn

Nội dung bài hai Bài học cuộc sống chương trình Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo mang đến cho các em những câu chuyện ngụ ngôn thú vị, giúp các em khám phá các bài học cuộc sống thật ý nghĩa. Nhằm giúp các em rèn luyện kĩ năng kể lại một câu chuyện ngụ ngôn, sử dụng và thưởng thức những cách nói thú vị, hài hước trong khi nói và nghe, TruongPhuong.com cùng các em tìm hiểu một số kiến thức cơ bản của bài học này nhé!

kể lại một truyện ngụ ngôn

I. Nói và nghe kể lại một truyện ngụ ngôn

1. Yêu cầu chung

– Dùng ngôi thứ nhất để kể.

– Sử dụng một trong những cách sau để bài nói thêm hấp dẫn:

+ Sử dụng hình ảnh: vẽ bức tranh liên quan đến câu chuyện hoặc tóm tắt truyện bằng sơ đồ tư duy…

+ Sử dụng âm thanh: dùng nhạc nền hoặc video clip minh hoạ cho bài nói.

+ Sử dụng đồ vật, mô hình: cầm một đồ vật hoặc mô hình liên quan đến nội dung câu chuyện của em trong khi kể.

2. Các bước tiến hành

Bước 1: Chuẩn bị (Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói)

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Bước 3: Luyện tập và trình bày

Bước 4: Trao đổi, đánh giá

II. Sử dụng và thưởng thức những cách nói thú vị, hài hước trong khi nói và nghe

Các cách nói thú vị, hài hước trong khi nói và nghe.

– Tô đậm yếu tố, tính chất hài hước một cách bất ngờ trong câu chuyện được kể.

– Sử dụng hình thức chế, nhại (chế, nhại từ ngữ, câu nói của một nhân vật mà sự phê phán hướng đến trong câu chuyện một cách nhã nhặn).

– Sử dụng cách chơi chữ, nói quá, so sánh.

III. Một số bài tham khảo

Kể lại truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi

Mỗi năm đến dịp Tết, gia đình chúng tôi lại về quê nội. Vui nhất là được bà nội dẫn lên chùa thắp hương đầu năm mới và cầu xin tài lộc cho cả nhà, được bà cho đi xem quẻ đầu năm. Hình ảnh ông thầy bói trong bộ áo dài khăn đóng màu đen lại làm tôi nhớ đến câu chuyện Thầy bói xem voi mà mình đã được học.

Chuyện kể rằng, ở làng nọ có năm ông thầy bói mù. Thầy thì đông, người xem lại ít nên các thầy chẳng có dịp được hành nghề, rảnh rỗi quá các thầy ngồi buôn chuyện với nhau cho đỡ buồn. Một hôm nhân buổi hàng họ ế ẩm, các thầy rủ nhau về sớm. Đi đường thầy nào cũng phàn nàn, từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa biết hình thù con voi nó thế nào. Về tới gốc đa đầu làng, đang ngồi tán gẫu, bỗng các thầy nghe người đi chợ về kháo nhau có con voi đi qua. Băn khoăn một lúc, các thầy bàn nhau góp tiền chi viên quản tượng để được một lần xem con voi nó thế nào.

Đoạn voi đứng lại, năm thầy dáo dác tới gần. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy lại sờ chân, thầy lại sờ đuôi. Được một lúc, năm thầy ngồi lại bàn tán với nhau.

Thầy sờ vòi nhanh nhảu nói trước:

– Ôi giời ! Tưởng con voi nó thế nào, hóa ra nó sun sun như con đỉa.

– Thầy nói sai bét rồi, thầy sờ ngà lên tiếng.

– Nó chần chẫn như cái đòn càn.

Thầy sờ tai đứng ngay cạnh vội tiếp lời.

– Các thầy nói thế nào ấy chứ, tôi thấy nó bè bè như cái quạt thóc.

– Các thầy nói đều không đúng cả! – Thầy sờ chân đứng chống gậy vuốt râu.

– Tôi thấy nó sùng sững như cái cột đình.

– Thôi các thầy đừng cãi nhau nữa! – Thầy sờ đuôi vội can.

– Thực tế nó tun tủn như cái chổi sể cùn.

Cuộc cãi vã của năm ông thầy bói trở nên ồn ào. Cuộc đấu khẩu thành cuộc xô xát. Màn hài kịch trở thành màn bi – hài kịch. Năm lão thầy bói đã “đánh nhau toạc đầu, chảy máu” làm cho thiên hạ được một bữa ôm bụng mà cười!

Từ câu chuyện cười thầy bói xem voi mà nhân dân ta có câu tục ngữ: Thầy bói nói mò. Truyện cười này nhằm chế giễu bọn thầy bói mắt đã mù mà còn giở trò bịp bợm, kiếm ăn bằng trò mê tín dị đoan. Truyện Thầy bói xem voi còn mang tính ngụ ngôn sâu sắc. Nhân dân nêu lên bài học về cách nhìn và cách đánh giá sự vật, hiện tượng, không được chủ quan, phiến diện, phải có quan điểm toàn diện. Trong học tập và cuộc sống hàng ngày, bài học ấy rất cần thiết đối với mỗi người.

5/5 (1 bình chọn)