Tổng kết nội dung bài 1 Tiếng nói của vạn vật, chương trình Ngữ văn 7 – Chân Trời Sáng Tạo, TruongPhuong.com cùng bạn thực hành ôn tập lại các nội dung đọc hiểu, thực hành tiếng Việt, viết, nói và nghe.
Câu hỏi 1: Chỉ ra một số điểm giống và khác nhau giữa hai văn bản sau bằng cách điền vào bảng dưới đây:
Văn bản | Lời của cây | Sang thu |
Điểm giống nhau (nội dung, nghệ thuật) | ||
Điểm khác nhau (nội dung, nghệ thuật) |
Gợi ý trả lời:
Văn bản | Lời của cây | Sang thu |
Điểm giống nhau (nội dung, nghệ thuật) | – Cảm nhận về thiên nhiên, sự giao cảm giữa con người với thiên nhiên.
– Ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị. – Biện pháp nghệ thuật chủ yếu: nhân hóa. |
|
Điểm khác nhau (nội dung, nghệ thuật) | – Thể thơ bốn chữ, gieo vần chân, nhịp 2/2.
– Tình cảm nâng niu sự sống. – Thay mặt cây gởi thông điệp: Hãy lắng nghe lời của cỏ cây, loài vật để biết yêu thương, nâng đỡ sự sống ngay khi mới là mầm sống, mỗi con người, sự vật dù cho nhỏ bé đều góp phần tạo nên màu xanh cho đất trời. |
– Thể thơ năm chữ, gieo vần chân, nhịp 3/2.
– Cảm nhận tinh tế của tác giả về sự chuyển mình của đất trời từ cuối hạ sang thu. – Thông điệp của bài thơ: Hãy biết lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan để đón nhận những món quà thú vị từ thiên nhiên, tạo vật. |
Câu hỏi 2: Nhận xét về thể thơ, vần, nhịp của khổ thơ sau:
Chừng như thu ngấp nghẻ
Trong hương vườn đâu đây
Khói lam chiều rất nhẹ
Sông vừa vơi vừa đầy.
(Tạ Hữu Yên, Sang mùa)
Gợi ý trả lời:
Nhận xét về thể thơ, vần, nhịp:
– Thể thơ: thể thơ năm chữ.
– Vần thơ: vần chân – dạng giãn cách (nghẻ – nhẹ, đây – đầy).
– Nhịp thơ: 2/3 (Chừng như/ thu ngấp nghẻ, khói lam/ chiều rất nhẹ), 3/2 (trong hương vườn/ đâu đây, sông vừa vơi/ vừa đầy).
Câu hỏi 3: Đọc đoạn văn sau và cho biết có thể lược bỏ ba từ gạch dưới hay không? Vì sao?
Lần ấy, khi con voi xuống làng thì người quân tượng không còn nữa. Không thấy ông ra đón ở đầu làng, con voi rảo bước về nhà. Nó quỳ xuống giữa sân, rống gọi, rên rỉ mãi mà vẫn không thấy người quản tượng đi ra.
(Vũ Hùng, Ông Một).
Gợi ý trả lời:
– Không thể lược bỏ 3 phó từ mãi, vẫn, không.
– Chức năng: Bổ sung ý nghĩa cho động từ rền rĩ và thấy, cung cấp thông tin 1 cách đầy đủ và cần thiết hơn.
+ mãi: kéo dài liên tục như không dứt.
+ vẫn, không: biểu thị sự tiếp diễn và phủ định.
Câu hỏi 4: Em rút ra bài học kinh nghiệm gì về cách làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ?
Gợi ý trả lời:
Bài học khi làm thơ bốn chữ, năm chữ:
– Quan sát đối tượng tỉ mỉ, cẩn thận.
– Đảm bảo số chữ trong một dòng thơ.
– Sử dụng từ ngữ, hình ảnh phù hợp.
– Cần có các biện pháp tu từ (so sánh, nhân hóa, điệp từ, …).
– Thể hiện cảm xúc của em một cách chân thành.
Câu hỏi 5: Hãy chọn một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ mà em yêu thích và viết đoạn văn chia sẻ cảm xúc của mình về bài thơ đó?
Gợi ý trả lời:
– HS có thể chia sẻ cảm xúc về những bài thơ: Sang thu (Hữu Thỉnh), Lời của cây (Trần Hữu Thung), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm)…
– Đoạn văn tham khảo:
Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm)
Nhắc tới Nguyễn Khoa Điềm, mỗi chúng ta lại nhớ về hình ảnh của quê hương và những người lính. Thơ ông mang cảm hứng ngợi ca, là những tái hiện vẻ đẹp con người trong chiến tranh, là tình yêu quê hương đất nước. Dù chiến tranh đã đi xa, con người đang sống trong thời đại mới, nhưng mỗi lần ngân lên những khúc thơ ấy mỗi bạn đọc chắc hẳn sẽ vô cùng tự hào, được tiếp thêm động lực để sống tốt hơn, phấn đấu nhiều hơn. Đồng dao mùa xuân – bài thơ bốn chữ ngắn gọn nhưng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, mở ra trong suy nghĩ mỗi người về hình ảnh người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ với những nét đẹp mộc mạc, chân chất nhưng vô cùng anh dũng, kiên cường. Bài thơ được chia thành chín khổ. Hầu hết các khổ đều có bốn dòng. Thể thơ bốn chữ với nhịp điệu linh hoạt 2/2, 1/3 tạo nên sự nhịp nhàng tựa khúc nhạc tâm hồn vui tươi, trong trẻo. Đồng dao mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại một lần nữa ngân lên khúc ca về người lính – bộ đội cụ Hồ. Họ – những thanh niên còn rất “xuân” bởi “Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống/ Còn mê thả diều”. Họ – để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường, gác lại cuộc đời của mình trong hình ảnh người lính giản dị, khiêm nhường, hiền lành với “Ba lô con cóc/ Tấm áo màu xanh/ Cái cười hiền lành”. Họ – đã rất kiên cường xông pha qua bao trận mạc, hy sinh anh dũng để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, để trở thành ngọn lửa mà đồng đội luôn đem theo bên mình: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo”. Trên đôi “vai đầy núi non”, ta thấy cả giang sơn, cả dân tộc, cả tương lai nước nhà. Sự hi sinh của những người lính đã hóa bất tử, họ mãi mãi sống với non sông, với thanh xuân còn non trẻ, với lòng biết ơn, thương nhớ của đồng đội, nhân dân và đất nước. Bài thơ là khúc đồng dao về tuổi thanh xuân của người lính, về sự bất tử của hình ảnh người lính trẻ. Hình ảnh các anh còn sống mãi trong trái tim nhân dân như mùa xuân trường tồn cùng vũ trụ. Qua đó, nhà thơ ca ngợi những người anh hùng trẻ tuổi, bày tỏ sự ghi nhớ, biết ơn sự hi sinh của các anh. Tác giả sử dụng hình thức của đồng dao để lưu truyền mãi trong những thế hệ sau lời ngợi ca, lòng biết ơn những người lính trẻ đã dâng hiến mùa xuân cuộc đời mình kết thành những mùa xuân vĩnh cửu cho dân tộc, đất nước.
Lời của cây (Trần Hữu Thung)
“Lời của cây” là một trong số những bài thơ mang đậm phong cách Trần Hữu Thung: Mộc mạc, thầm nhuần chất dân gian. Sử dụng thể thơ bốn chữ, lối viết giản dị, gần gũi, đặc biệt là phép tu từ nhân hóa, bài thơ ghi lại một cách sinh động quá trình hạt phát triển thành cây. Từ khi hạt “lặng thinh” chưa được gieo xuống đất, đến khi hạt nảy mầm, nhú lên những “giọt sữa” biết “thì thầm” những tiếng nói đầu tiên và khi đã thành cây non “bập bẹ” cất tiếng nói – tiếng nói đầy tự hào khẳng định giá trị loài cây… tất cả được đặt trong sự liên tưởng độc đáo, thú vị. Sự trưởng thành của cây có những nét tương đồng với sự trưởng thành của một con người. Điều đặc biệt là với nhà thơ, cây cối không vô tri vô giác mà cũng có tiếng nói. Nhà thơ như nghe thấy trong sự trưởng thành của cây những thanh âm của sự sống. Nhà thơ lắng nghe cây như lắng nghe lời thì thầm vang vọng từ thiên nhiên. Phải là người có tâm hồn phong phú, nhạy cảm và giàu sức tưởng tượng, nhà thơ mới có thể lắng nghe, cảm nhận và thể hiện thành ngôn từ nghệ thuật một cách tinh tế tiếng nói của loài cây. Qua đó, thể hiện tình cảm, cảm xúc nâng niu, trân trọng mà nhà thơ dành cho mầm cây. Bài thơ như một bức thông điệp bằng thơ gửi đến mỗi bạn đọc: Hãy yêu cây xanh, trân trọng sự sống của cây, bởi cây làm nên một phần cuộc sống xinh đẹp, đáng yêu này.
Câu hỏi 6: Vì sao khi tóm tắt ý chính do người khác trình bày ta nên dùng từ khóa, các kí hiệu và sơ đồ?
Gợi ý trả lời:
Khi tóm tắt ý chính do người khác trình bày ta nên dùng từ khóa, các kí hiệu và sơ đồ. Vì:
– Từ khóa là từ ngữ quan trọng, thể hiện nội dung chính của bài nói.
– Kí hiệu và sơ đồ sẽ giúp làm nổi bật ý, giúp ta dễ nắm bắt vấn đề của người trình bày.
Câu hỏi 7: Việc quan sát, lắng nghe, cảm nhận thế giới tự nhiên có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta?
Gợi ý trả lời:
Đời sống con người luôn gắn liền với thế giới tự nhiên. Việc quan sát, lắng nghe, cảm nhận thế giới tự nhiên giúp chúng ta điều chỉnh tình cảm và thái độ của mình. Từ đó thấy yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống hơn. Vì vậy mọi người cần chung tay bảo vệ và làm đẹp hơn thế giới tự nhiên mà mình đang sống.
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 1: Tiếng nói của vạn vật
1. Soạn bài Lời của cây (Trần Hữu Thung).
2. Soạn bài Sang thu (Hữu Thỉnh).
3. Soạn bài Đọc kết nối chủ điểm: Ông Một (Vũ Hùng).
4. Soạn bài Thực hành tiếng Việt: Phó từ.
5. Soạn bài Đọc mở rộng theo thể loại: Con chim chiền chiện (Huy Cận).
7. Soạn bài Nói và nghe: Tóm tắt ý chính do người khác trình bày.
8. Ôn tập bài 1.