Tiết ôn tập với mục đích nhằm củng cố các Năng lực đọc thể loại truyền thuyết, viết, nói và nghe về chủ đề Lắng nghe lịch sử nước mình. Đồng thời giúp các em giải quyết một số tình huống thực tiễn gắn liền với chủ đề bài học. HocVanCoTruongPhuong gợi ý một số nội dung ôn tập.
1. Ôn tập năng lực đọc
Câu 1: Tóm tắt nội dung chính của ba văn bản Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm, Bánh chưng, bánh giầy.
Gợi ý:
Văn bản | Nội dung chính |
Thánh Gióng | Truyện kể về người chàng Gióng ra đời kì lạ. Lên ba, Gióng đòi đi đánh giặc Ân và sau đó lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ. Gióng ra trận, dẹp tan giặc Ân rồi bay về trời. Vua và nhân dân ghi nhớ công ơn Gióng |
Sự tích Hồ Gươm | Truyện giải thích về tên gọi hồ ở Hà Nội có liên quan đến cuộc chiến chống quân Minh xâm lược của Lam Sơn do Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Lê Thận sau ba lần thả lưới đã bắt được gươm thần. Chàng đem dâng cho Lê Lợi. Gươm thần hợp nhất với chuôi gươm mà Lê Lợi lấy được trong rừng. Với gươm thần, Lê Lợi đưa khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi. Khi dạo thuyền rồng, Lê Lợi trao thần Kim Quy để hoàn lại gươm cho Long Quân. |
Bánh chưng bánh giầy | Truyện giải thích về sự ra đời của bánh chưng bánh giầy. Hùng Vương thứ sáu truyền các lang làm lễ nếu vua cha vừa lòng, chọn dâng tiên vương sẽ được truyền ngôi báu. Lang Liêu con út nghèo khó nhờ chăm chỉ lao động được thần mách bảo đã lấy gạo làm hai loại bánh một vuông một tròn. Bánh của Lang Liêu được vua Hùng khen ngợi, chọn dâng lễ. Vua đặt tên bánh và dân ta về sau làm bánh thờ cúng trời đất tổ tiên. |
Câu 2: Tìm các sự kiện, chi tiết đặc sắc đáng nhớ theo bảng ở bài 2/SGK 36
Gợi ý:
Nội dung | Thánh Gióng | Sự tích Hồ Gươm | Bánh chưng, bánh giầy |
Sự kiện, chi tiết | – Gióng cất tiếng nói đầu tiên là tiếng nói đòi đi đánh giặc.
– Cả dân làng góp gạo nuôi Gióng. – Gióng lớn nhanh như thổi,vươn vai trở thành tráng sĩ. – Roi sắt gãy,Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc. – Giặc tan, Gióng cưỡi ngựa bay về trời. |
– Khi tra chuôi gươm vào lưỡi gươm thì vừa như in.
– Chi tiết Rùa Vàng đòi gươm. |
– Chi tiết Lang Liêu được thần báo mộng, lấy gạo làm bánh lễ Tiên vương. |
Lí do lựa chọn | Thể hiện được ý nghĩa, nội dung, chủ đề của truyện:
Gióng là hình tượng người anh hùng đầu tiên, tiêu biểu cho lòng yêu nước, cho ý thức đánh giặc cứu nước của nhân dân ta. |
– Chi tiết tra chuôi gươm vào lưỡi gươm cho thấy đó là sự thống nhất sức mạnh, ý chí của cả dân tộc, cuộc chiến đấu này là thuận theo ý trời.
– Chi tiết Rùa Vàng đòi gươm mang nhiều ý nghĩa: giải thích tên gọi Hồ Gươm, đánh dấu và khẳng định chiến thắng hoàn toàn của nghĩa quân Lam Sơn và tư tưởng yêu hòa bình của nhân dân ta. |
Đề cao lao động, đề cao trí thông minh sáng tạo của con người. |
Câu 3: Khi đọc một văn bản truyền thuyết, cần lưu ý những đặc điểm nào của thể loại này?
– Khi đọc một văn bản truyền thuyết cần lưu ý đến các đặc điểm của thể loại truyền thuyết:
+ Cốt truyện theo trình tự thời gian, gắn với cuộc đời nhân vật.
+ Nhân vật có điểm khác lạ, gắn với sự kiện lịch sử, được tôn thờ.
+ Yếu tố kì ảo thể hiện đặc điểm của nhân vật, thần thánh hóa nhân vật lịch sử.
+ Lời kể ngắn gọn mang tính tường thuật.
2. Ôn tập năng lực viết
Khi tóm tắt văn bản bằng sơ đồ cần lưu ý những điều gì?
Gợi ý:
* Lưu ý:
– Bước 1: Đọc kĩ VB cần tóm tắt.
+ Xác định các phần/đoạn, mối quan hệ giữa các phần đó.
+ Tìm từ khóa, ý chính của từng phần/đoạn.
+ Xác định nội dung chính, hình dung cách vẽ sơ đồ.
– Bước 2: Tóm tắt VB bằng sơ đồ.
+ Dựa trên số phần/đoạn, xác định số ô/số bộ phận cần có trong sơ đồ.
+ Chọn cách thể hiện sơ đồ tốt nhất.
– Bước 3: Kiểm tra lại sơ đồ đã vẽ.
+ Xem các ý chính của VB đã đủ và rõ chưa?
+ Cách thể hiện về các phần, đoạn, ý chính và quan hệ giữa chúng đã phù hợp chưa?
3. Ôn tập tổng quát
Bài học giúp em hiểu thêm những gì về lịch sử nước mình?
Gợi ý trả lời:
– Bài học nhận thức:
+ Hiểu và tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời đại Hùng Vương đến các triều đại phong kiến của dân tộc.
+ Khơi dậy lòng biết ơn và trân trọng những người anh hùng dân tộc, trân trọng và có ý thức truyền thống văn hóa cổ truyền của đất nước ta.
+ Có ý thức bảo vệ chủ quyền quê hương đất nước.
– Trải nghiệm thực tế: Hiểu hơn về các hoạt động văn hóa dân tộc như: lễ hội Thánh Gióng, tục làm bánh chưng ngày Tết…
Xem thêm các nội dung của bài học “Lắng nghe lịch sử nước mình”:
1. Văn bản Thánh Gióng (Truyện dân gian Việt Nam)
2. Văn bản Sự tích Hồ Gươm (Truyện dân gian Việt Nam)
3. Đọc kết nối chủ điểm: Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân (Minh Nhương)
5. Đọc mở rộng theo thể loại: Bánh chưng bánh giầy (Truyện dân gian Việt Nam)
6. Viết: Tóm tắt nội dung chính của một văn bản bằng sơ đồ
7. Nói và nghe: Thảo luận nhóm nhỏ về một vấn đề cần có giải pháp thống nhất
8. Ôn tập bài 1