Soạn văn 7 – Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

Có nhiều con người, sự việc xung quanh để lại trong ta nhiều tình cảm, ấn tượng sâu sắc. Tình cảm đó cứ lớn dần trong ta, làm cho ta sống sâu sắc hơn. Trong bài bốn Giai điệu đất nước chương trình Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống các em được rèn luyện kĩ năng Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc giúp các em phát triển khả năng cảm thụ, bày tỏ cảm xúc của mình. HocVanCoTruongPhuong cùng các em thực hiện bài học này nhé!

mã giảm giá lazada

Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

1. Những lưu ý về yêu cầu đối với bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

– Giới thiệu được đối tượng biểu cảm (người thân trong gia đình, thầy cô, bạn bè ở trường, người em quen biết ở ngoài xã hội, người em biết được qua sách báo, truyền hình,… sự việc mà em được chứng kiến hoặc nghe kể) và nêu được ấn tượng ban đầu về đối tượng đó (yêu mến, kính trọng, xúc động, bâng khuâng,…).

– Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến con người hoặc sự việc đó để lại tình cảm, ấn tượng sâu đậm trong em (Người đó có đặc điểm nổi bật nào về ngoại hình, tính cách? việc đó diễn ra trong không gian, thời gian nào? Những ai tham gia sự việc và họ đã làm gì?).

– Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ đối với con người hoặc sự việc được nói đến, kính trọng, biết ơn đối với người đó, xúc động, không thể nào quên,… đối với việc đó).

– Sử dụng ngôn ngữ sinh động, giàu cảm xúc (những biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, từ láy tượng hình, tượng thanh, câu cảm thán,…).

2. Thực hành viết theo các bước

a. Lựa chọn đề tài

– HS có thể lựa chọn các đề tài được gợi ý từ SHS hoặc tham khảo một số đề tài sau:

+ Người bạn em quen biết, bạn thân ở lớp.

+ Người thầy/ cô, bác bảo vệ ở trường, cô lao công…

+ Thần tượng, người mà em ngưỡng mộ.

+ Một sự việc khiến em xúc động: câu chuyện về tình bạn đẹp của em hoặc em được chứng kiến, một hành động vì cộng đồng em được chứng kiến hoặc được biết qua sách báo.

b. Tìm ý

HS có thể thực hiện yêu cầu theo Phiếu tìm ý sau đây:

phiếu tìm ý

 

c. Lập dàn ý

HS dựa vào các ý vừa tìm được để lập dàn ý. Dựa vào nội dung hướng dẫn ở SHS.

3. Một số bài văn tham khảo

Biểu cảm về mẹ

“Vũ trụ có nhiều kì quan, nhưng kì quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ” – Bernard Shaw. Mỗi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của người mẹ, được chìm trong giấc ngủ có tiếng ru ầu ơ, được vỗ về sau mỗi lần vấp ngã… Hạnh phúc ấy không gì sánh nổi.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mẹ tôi bây giờ đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn còn trẻ lắm. Mẹ không cao, dáng người đầy đặn. Cái dáng của mẹ là dáng của người phụ nữ đã qua tuổi đôi mươi, trải qua nhiều năm tháng vất vả. Thời gian thật tốt bụng. Nó đã giữ cho tóc mẹ một màu hạt dẻ, trông rất trẻ trung, năng động . Mái tóc thẳng suôn mượt gọn gàng, phù hợp với gương mặt mẹ. Da mẹ trắng rất ưa nhìn. Khuôn mặt tròn của mẹ luôn tạo nên sự gần gũi, thân thiện . Bởi vậy, trong công việc, hầu như ai cũng yêu quý mẹ. Nét mặt của mẹ rất hài hòa. Ngay từ lần đầu gặp mặt, bố đã bị thu hút bởi đôi mắt long lanh như biết nói của mẹ. Đôi mắt tuy không to nhưng đen láy như chứa bao điều tâm sự luôn nhìn đàn con với vẻ trìu mến, đầy yêu thương. Đôi môi lúc nào cũng cười tươi để lộ hàm răng đều tăm tắp. Cũng không thể quên được đôi bàn tay đầy vết chai sạn đã dạy cho tôi những nét chữ đầu tiên, dìu dắt tôi bước đầu trên đường đời.

Trong trái tim tôi, mẹ là sự sống, là suối nguồn nuôi tôi khôn lớn và cũng là người mà tôi yêu thương nhất trên đời này. Mẹ rất đảm đang và hết lòng vì gia đình, mẹ không quản ngại chuyện thức khuya dậy sớm chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ của tôi và của cả gia đình.Tôi vẫn nhớ như in tuổi thơ của mình với mẹ, những ngày đầu chập chững tập đi, mỗi lần tôi ngã mẹ lại ôm tôi vào lòng. Như một chú chim non tập bay, sau mỗi lần ngã mẹ khích lệ tôi: “Con giỏi lắm, cố lên thiên thần bé nhỏ của mẹ”. Thế rồi cứ vậy theo lời mẹ mà tôi biết đi, biết chạy nhảy, nô đùa và lớn lên. Khi tôi đến tuổi học mẫu giáo, mẹ cho tôi tới lớp học cùng các bạn. Tôi đã quen có mẹ nên tôi khóc rất nhiều vì phải xa mẹ. Những lúc ấy mẹ thường núp sau cánh cửa để dõi theo, mẹ ứa trào nước mắt cùng tôi, nhưng mẹ vẫn kiên quyết mong tôi đi học để khôn lớn thành tài. Thời gian dần trôi, tôi đã là cô bé học lớp 1, nhưng mẹ vẫn luôn sát cánh bên tôi không rời. Dù ngày mưa hay ngày nắng, mẹ vẫn là người dìu dắt đưa tôi đến trường. Cả ngày làm việc vất vả nhưng mẹ luôn tranh thủ những buổi chiều giúp tôi luyện chữ và dạy tôi học. Để giúp tôi ghi nhớ các con chữ đầu tiên, mẹ dạy tôi bằng những vần thơ: “O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội nón, Ơ thì mang râu”. Cách học của mẹ đã giúp tôi thuộc bài mà đến giờ tôi vẫn khắc ghi không thể nào quên.

Mặc dù được cưng chiều nhưng mẹ vẫn rèn cho tôi nếp sống tự giác, gọn gàng, ngăn nắp. Mẹ dạy tôi biết yêu thương người khác, biết giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Lời mẹ dạy tôi luôn ghi nhớ và không bao giờ quên. Mẹ còn là người dạy tôi rất nhiều việc: rửa bát, quét nhà, nấu cơm… Và đối với gia đình em, mẹ là một đầu bếp thiên tài. Những món ăn mẹ làm không chỉ ngon đơn thuần mà nó còn chứa đựng những tình cảm mà mẹ đã dành cho tôi và cho gia đình. Tuy mẹ là người rất giỏi trong chuyên môn và công việc. Nhưng tất cả vì gia đình, tất cả vì tôi mà mẹ chịu hi sinh mọi đam mê để dành toàn thời gian ở nhà lo cho tôi, dạy dỗ tôi lên người. Tôi xúc động và thầm cảm ơn mẹ rất nhiều.

Bấy nhiêu thật sự là chưa đủ đối với tôi khi viết về mẹ. Đặc biệt trong những ngày ốm đau, mệt mỏi thì tình yêu thương của mẹ càng tỏa sáng rạng ngời. Một buổi chiều em đi học về, mưa ào ào đổ xuống làm người tôi ướt hết. Tối hôm đó tôi đã bị sốt, người nóng bừng bừng nhưng chân tay thì lạnh run. Tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi con lạnh lắm”. Mẹ sờ trán rồi bảo: “Không sao đâu, con bị sốt nhẹ thôi”. Rồi mẹ lấy chiếc khăn thấm nước mát đắp lên trán tôi. Mẹ ghé ly nước vào miệng và cho tôi uống thuốc bằng những lời ân cần: “Ngày mai con sẽ khỏi ngay ấy mà”. Ngày hôm sau, tôi thấy mẹ vẫn ngồi cạnh và nắm chặt lấy tay tôi. Đột nhiên, tôi thấy thương mẹ vô cùng.

Bố vẫn thường bảo mẹ không đẹp nhưng mẹ hơn những phụ nữ khác ở tâm hồn và tình cảm. Đúng vậy, mẹ tôi nhẹ nhàng, dịu dàng và luôn dành tất cả tình yêu thương cho gia đình nhỏ. Mỗi khi ở bên mẹ, được sà vào lòng mẹ, được bàn tay mẹ âu yếm vuốt tóc, tôi cảm nhận thấy dường như tình yêu thương mãnh liệt của mẹ truyền vào sâu trái tim qua bàn tay mẹ, qua ánh mắt, đôi môi trìu mến, qua nụ cười ngọt ngào,… qua tất cả những gì của mẹ.

Tôi đã lớn khôn và không lúc nào tôi ngừng suy nghĩ về mẹ. Nếu như có một ngày nào đó mẹ không còn bên, tôi không biết được mình sẽ thế nào nữa. Những lúc nghĩ vẩn vơ như thế, tôi lại giật mình rồi nước mắt ứa ra lúc nào không hay. Tôi yêu mẹ, tôi thầm cảm ơn thượng đế đã ban cho tôi một người mẹ tuyệt vời. Mẹ là người sống mãi trong lòng tôi.

Cảm xúc về ngày tựu trường

(Bài viết của HS)

 Ngày đầu tiên đi học

 Mẹ dắt tay đến trường

 Em vừa đi vừa khóc

 Mẹ dỗ dành yêu thương

Bây giờ, em không còn là học sinh cấp 1 nữa mà đã lên cấp 2 rồi. Nhớ mãi cái ngày đầu tiên đi học, lúc đó, mẹ đã dìu dắt tay em vào lớp 1. Em đã có một cảm giác rất bỡ ngỡ và lạ lẫm. Mọi cảnh vật xung quanh không giống trường cũ chút nào, tất cả mọi thứ đều có sự thay đổi lớn. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua một cách âm thầm và giờ đây là lúc phải tạm biệt mái trường thân yêu, tạm biệt bao thầy cô kính mến và chuẩn bị bước vào ngôi trường mới mang tên Lý Tự Trọng. Đón chào bao thầy cô mới và muôn vàn kiến thức mới.

Ngày 15/8 là ngày đầu tiên em bước chân vào mái trường này, cảm giác lúc đó rất háo hức và hạnh phúc. Háo hức vì được gặp lại bạn bè cũ, hạnh phúc vì được là học sinh cấp 2. Khoác trên người là bộ đồng phục của trường, quần xanh áo trắng, trông mới đẹp làm sao. Trên đường tới trường, em vừa đi vừa có một tâm trạng nôn nao, khó tả. Vừa đi vừa suy nghĩ miên man thì đã tới trước cổng trường lúc nào không hay biết. Chao ôi! Ngôi trường mới to và đẹp làm sao. Cổng trường rộng mở để đón các bạn học sinh mới. Những tán cây bàng, cây phượng dang rộng những cành lá như thể đón em vào trường. Bước chân vào cổng cái cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm ấy lại xuất hiện. Nhìn quanh không khí có vẻ đông đúc và vui nhộn hơn . Bước vào lớp học chỉ thấy một số bạn quen thôi, còn lại thì lạ lắm. Cô giáo hiền lành như cô tiên, cô đã tạo cho em ấn tượng ngay ngày đầu tiên đi học. Trường em tuy không được hiện đại bằng các trường trong thành phố nhưng cũng đã có đủ cơ sở vật chất để chúng em học tập, vui chơi. Trường có đầy đủ phòng như là : phòng thí nghiệm, phòng nhạc, phòng tin học …Đây thật sự là ngôi nhà thứ 2 của em, ở đó không những là nơi học tập mà còn là nơi chứa chan bao tình cảm bạn bè, tình cảm thầy cô. Thầy cô là những người lái đò giúp chúng em đến được bến bờ tri thức. Đó là những người cha, người mẹ thứ hai trong cuộc đời của mỗi chúng em. Thầy cô là người đã truyền ánh sáng: ánh sáng tri thức, ánh sáng niềm tin, khát vọng và hoài bão cho mỗi học sinh chúng em. “Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng tròn rồi lại khuyết. Nhưng ánh sáng của người thầy còn chiếu sáng mãi trong cuộc đời mỗi người” Công ơn đó chúng em nguyện khắc ghi trong lòng

Thời gian ơi, xin hãy chậm lại. Nếu sau này phải rời xa trường Lý Tự Trọng em sẽ buồn biết bao nhiêu. Và công lao của thầy cô chắc sẽ không có gì sánh bằng. Người lái đò sẽ đưa “chuyến đò” này đến bờ sông bên kia và lại tiếp tục đón những “chuyến đò” khác. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô. Yêu lắm, Lý Tự Trọng, ngôi nhà thứ 2 của em.

Biểu cảm về cô

(Bài làm của HS)

Nụ cười hiền và cái lắc đầu cho qua

Là bài học vị tha cô dạy em lớn lên cùng năm tháng

Một chiều thu ấm áp, nắng tỏa nhẹ sân trường, những chiếc lá lìa cành lẳng lặng rơi xuống. Bên tai văng vẳng đâu đó vang lên mấy lời da diết : “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa… Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy…”

Kia rồi, cô giáo thân thương của tôi !

Với dáng người thanh thanh, bước đi nhẹ nhàng trong chiều nắng vàng hôm ấy, cái bóng miên man trải dài trên đường, cô từ từ bước vào lớp… Cô Thanh – là người cô mà tôi kính trọng nhất.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy cô đó là sự nghiêm túc đến phát “sợ”. Nhưng qua một thời gian, tôi nhận ra cô không quá đỗi gay gắt, mà ngược lại, cô rất vui vẻ và hiền dịu. Mỗi ngày lên lớp, cô luôn dặn dò chúng tôi phải cố gắng, nhắc nhở chúng tôi học bài, làm bài đầy đủ. Tôi vẫn nhớ mãi lần ấy, lần lớp tôi bị điểm yếu. Do buổi tối trước đó là đêm Trung Thu, dường như tất cả các bạn nam vì mải mê đánh trống, múa lân nên chẳng thèm ngó ngàng gì đến bài vở. Cuối cùng, các bạn vì không thuộc bài nên đã phải nhận con điểm “không” to đùng ngay bên trang vở. Biết chuyện, cô vừa buồn, vừa giận. Cô mắng các bạn và nói “Trung thu các em có quyền vui chơi, nhưng không phải vì quá ham nên các em bỏ bê việc học”. Một vài bạn tỏ vẻ tức tối, học sinh mà, lại còn trẻ con nữa … bị ai mắng vốn mà chẳng giận chẳng hờn, cứ cho rằng mình đúng. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó cũng đâu khác gì các bạn. Nhưng chúng tôi đâu biết rằng, cô mắng, cô khắt khe là vì chỉ muốn chúng tôi nên người, chăm chỉ học hành để sau này có công việc ổn định, giúp ích cho xã hội.

Cô luôn nói “làm tốt thì được thưởng nhưng vi phạm thì sẽ bị phạt”. Nó giống như một hiệu lệnh của cô ban cho chúng tôi. Tuần trước, trường phát động phong trào thi vẽ tranh về đề tài “An toàn giao thông”. Với sự cố gắng của các bạn tham gia, lớp 8/5 chúng tôi đã đạt giải B. Vào buổi sinh hoạt cuối tuần, cô tuyên dương các bạn đã tích cực tham gia phong trào, cùng với tất cả các bạn đạt điểm tốt. Cô đã rất vui và chúng tôi cũng vậy…

Trong mắt tôi, cô Thanh là một cô giáo tâm lý, rất sôi nổi trong các phong trào. Cô thường tổ chức nhiều trò chơi hay để chúng tôi không còn cảm thấy áp lực nữa. Nhờ vậy mà chúng tôi có thêm sức lực để “chống chọi” lại các môn học. Cô là người truyền cảm hứng và cho chúng tôi hiểu biết về sự đồng cảm, sự sẻ chia đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Cô dạy chúng tôi cách làm người, những điều hay lẽ phải. Đối với tôi, cô như là người mẹ thứ hai, là người không chỉ truyền tải cho chúng tôi kiến thức mà còn cho chúng tôi cảm nhận tình cảm giữa con người với người. Giúp chúng tôi phân biệt việc làm đúng, việc làm sai, điều gì nên làm và không nên làm…

“Người thầy đã dìu dắt chúng ta qua những ngày đầu bỡ ngỡ, cho ta những bài học làm người quý giá, đến khi ta trưởng thành. Nhờ bàn tay che chở ấy mà chúng ta mới thành công như ngày hôm nay…”. Cảm ơn cô vì cô đã đến với chúng em trên hành trình này…

Biểu cảm về ngày tựu trường

Có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng trải qua những kí ức ngọt ngào với những kỉ niệm khó quên của thời học sinh.

Thời gian cứ thế trôi qua trong lặng lẽ, để rồi có những phút giây ta thoáng giật mình cứ ngỡ như mới ngày hôm qua. Cứ hết xuân rồi lại sang hạ, thu qua đông lại tới lặng lẽ, chầm chậm, nó mang theo niềm vui lẫn nỗi buồn, sự hân hoan và niềm hối tiếc. Nó lấy đi những kỉ niệm êm đềm và những kỉ ức ngọt ngào, mà mong manh tưởng chừng như sương khói. Đã ba năm rồi kể từ ngày tôi rời xa ngôi trường xưa, thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng không quá ngắn. Hôm nay bước chân tôi lại lạc về đây,về niềm kỉ niệm, bỗng nhớ quay quắt đến chi lạ. Và giờ đây tôi đã đứng trước sân trường cũ, cảm xúc trong tôi thật là khó tả, vừa hân hoan vui mừng vừa tiếc nuối một cái gì đó mơ hồ ngang qua tầm tay.

Ôi! Cảnh cũ vẫn còn nguyên sự hiện hữu của kỉ niệm vẫn còn đó, giống như thước phim quay ngược. Cánh cổng xanh vẫn còn nằm đó tuy đã bạc màu theo năm tháng, hàng phượng già vẫn trổ bông đỏ thắm một góc trường,tấm bảng đen với từng hạt bụi phấn còn vương trong gió,hàng ghế đá như vẫn còn hơi ấm hôm nào… Ngọn gió vô tình khẽ vụt qua mang theo hơi lạnh, từng cánh phượng hồng như e ấp hơn, như hờn dỗi hơn cũng làm tôi thấy chạnh lòng. Tôi trở về khi nỗi nhớ trường năm nào vẫn còn nguyên vẹn, với hình bóng thầy cô và bạn bè như cợt như đùa, như nhắc nhở những tháng ngày qua,thuở mà tôi vẫn ngày ngày đi qua con đường ấy. Tôi thả hồn mình thật chậm rãi để cảm nhận, để lắng đọng và hồi tưởng lại kí ức quá đỗi ngọt ngào này. Tôi nghe đâu đây tiếng chim ríu rít gọi bầy, tiếng râm ran của những chú ve đang gọi hè … Tôi nghe có cả mùi ngai ngái của cỏ non đang ngủ dưới chân mềm, mùi ngọt ngào của những chùm phượng vĩ, mùi rêu phong của mái ngói,và mùi nồng nồng của bụi phấn trắng hôm nào. Tôi hít thật sâu để tận hưởng từng giây, từng phút vì sợ rằng nó sẽ cuốn theo gió tan biến vào thinh không.

Tôi không thể nào quên được ngày đầu tiên ấy, ngày đầu tiên đi học với bao nhiêu lo sợ và bỡ ngỡ. Mẹ nắm lấy bàn tay mang tôi đến với cánh cổng diệu kỳ, cánh cổng mở ra bao nhiêu điều mới lạ. Cảm giác lo âu, sợ sệt ấy đến bây giờ dường như vẫn còn hiện hữu trong tôi. Với tôi lúc đó, cái gì cũng bỡ ngỡ, cũng xa lạ. Thế rồi sự dịu dàng và ân cần của cô giáo cũng giúp tôi tự tin hơn,sự sợ hãi cũng dần tan biến. Cứ thế thời gian mải miết trôi đi, sau năm năm gắn bó với ngôi trường, có niềm vui và không ít nỗi buồn. Giờ đây tôi đã là cậu học sinh cấp Hai rồi, mọi suy nghĩ cũng chín chắn hơn, hành động cũng trưởng thành hơn. Giờ đây với môi trường mới, thầy cô và bạn bè đều mới mẻ và sức học tập cũng theo hệ số nhân lên, giờ nghĩ lại cảm thấy tiếc nuối thời gian đã qua đi. Nhưng cuộc sống vốn dĩ theo định luật của tự nhiên, có những thứ đã mất đi ta có thể tìm lại,nhưng thời gian mất đi ai bảo sẽ tìm lại bao giờ,hối tiếc cũng chỉ là hối tiếc mà thôi. Ta tự nhủ lòng mình xem như đó là hành trang để mình vững bước vào đời, chỉ biết từng ngày cần cố gắng và nỗ lực hơn. Những kí ức xưa đành gom lại thành những kỉ niệm mong rằng nó sẽ đừng tan biến theo cơn nắng hạ và những ngày mưa bay…

Cảm ơn ngôi trường dấu yêu, cảm ơn cô thầy nơi đã nuôi lớn bao thế hệ. Thầy cô là những người đã dày công ươm mầm và gieo trồng nên những mầm xanh cho Tổ quốc. Những người đã truyền ngọn lửa từ trái tim đến trái tim để thắp sáng và cho chúng em biết giá trị của cuộc sống và trở thành những con người có ích cho xã hội.

Chiều nay về lại trường xưa

Bâng khuâng áo trắng ngẩn ngơ ai tìm

Con đường in bóng lặng thinh

Ve ngân nga khúc tự tình tiễn đưa

Bây giờ thu đã về chưa

Mà nghe thương nhớ vẫn chưa tìm về.

Biểu cảm về cô

(Bài làm của HS)

“Ai nâng cánh ước mơ cho em là thầy cô không quản ngày đêm…”, những giai điệu ngọt ngào của bài hát vang trên chiếc đài radio cũ kĩ của bà đưa tôi trở về với những kỉ niệm về thầy, cô bên mái trường thân yêu.

Hai mươi năm trước…

Ngày ấy, tôi là một cậu học trò lớp Sáu nhỏ nhắn và gầy còm, chúng bạn thường gọi tôi bằng “một cái tên nói lên tất cả”: Nam xì ke . Lớp tôi là lớp chọn của khối Sáu nên hội tụ rất nhiều gương mặt “chất lừ” của các trường Tiểu học trên địa bàn. Tuy vậy, nhưng hẳn là học trò nên đứa nào cũng hiếu động và nghịch ngợm. Thế nhưng chúng tôi lại có một thủ lĩnh rất tuyệt vời – đó là cô giáo chủ nhiệm lớp tôi.

Cô tôi bây giờ khoảng tầm 30 tuổi, trông cô rất trẻ với khuôn mặt trái xoan, bầu bĩnh rất dễ mến. Mái tóc cô đen mượt luôn được kẹp lại bằng một chiếc nơ xinh xắn. Điểm trên khuôn mặt xinh xắn ấy là vầng trán cao toát lên vẻ thông minh, linh hoạt. Ấn tượng nhất có lẽ là đôi mắt đen láy, tròn xoe của cô. Đôi mắt ấy, có lúc ban cho chúng tôi những ánh nhìn trìu mến nhưng đôi khi nó lại trở nên sắc lẹm, đầy nghiêm nghị. Đôi môi cô đỏ hồng ẩn dưới chiếc mũi cao thanh tú. Mỗi khi cô cười lại lộ hai hạt gạo nhỏ xinh trông duyên đến lạ!

Thướt tha trong bộ áo dài truyền thống, cô tôi lúc nào cũng thật duyên dáng. Chúng tôi ai cũng yêu mến cô, nhưng đâu đó trong sâu thẳm những ý nghĩ non nớt thời ấy, chúng tôi vẫn rất sợ cô. Cô tuy hiền nhưng lại rất nghiêm khắc. Mỗi giờ sinh hoạt, lũ học trò được xem là hiếu động chúng tôi phải nín thở trước sự im lặng đầy nghiêm nghị của “thủ lĩnh” khi có tên nào đó vi phạm nội quy. Lần đầu tiên vào học, mấy bọn con trai nghịch ngợm còn đùa giỡn trong lớp hoặc còn đi học trễ nhưng chỉ sau một tuần lớp tôi đã đi vào nề nếp. Vậy mà, đến giờ học của cô, chúng tôi như được lạc vào một thế giới khác. Cô lúc này vừa hiền dịu, vừa hài hước lại có lúc thật say mê như một nhà biên kịch. Cô giảng bài nhanh nhưng rất dễ hiểu, thỉnh thoảng cô thường đi xuống cuối lớp để xem chúng tôi ghi bài.

Cô yêu học trò và luôn công bằng với mọi học sinh. Cô còn tuyên dương những bạn cố gắng học tập, và góp ý với các bạn khi trả lời không đúng. Học trò mà, đứa nào mà chẳng có lúc sai trái. Tôi vẫn nhớ có một lần mấy đứa con gái lớp tôi vì một bài kiểm tra mà đứng dậy cãi tay đôi với cô giáo bộ môn. Khi nghe tin ấy, mắt cô đượm chút buồn rồi lại nghiêm nghị, cô yêu cầu tất cả chúng tôi ngay lúc đó phải tự chỉ ra cái sai của mình. Chúng tôi chỉ ra. Cô không phạt cả lớp, không phạt tụi con gái mà cô phân tích cái sai đó của chúng tôi rồi giúp chúng tôi sửa chữa sai lầm. Cô lại nói: “Các em cũng có lúc mắc sai lầm, và thầy cô không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Quan trọng là chúng ta biết sai rồi nhận sai và chúng ta phải sửa ngay lập tức”. Chúng tôi, đứa nào cũng gật gù trước bài học làm người mà cô dạy. Có đôi lúc tôi nghĩ rồi tự mường tượng ra “cô như một vị vua của vương quốc 6/1”. Thật đúng như vậy!

Thời gian trôi qua thật nhanh, mỗi chúng tôi rồi cũng sẽ cất đôi cánh bay xa trên mỗi phương trời mơ ước, nhưng những gì còn đọng lại và khiến tôi mãi không quên đó là hình ảnh của cô – thủ lĩnh của chúng tôi.

5/5 (2 bình chọn)