Viết: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học

Mỗi nhân vật trong văn học chắc hẳn đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc về tính cách, ngoại hình, cả sự hi sinh của họ. Vận dụng kiến thức về văn nghị luận, kết hợp các bài học trong chủ đề Những góc nhìn văn chương Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo, chúng ta thực hành phần Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học. Mục đích của bài học này nhằm giúp các em chia sẻ với người khác về ý kiến, quan điểm của em về nhân vật văn học. HVCTP hướng dẫn các em thực hành kĩ năng này!

Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học

I. Tìm hiểu tri thức về kiểu văn bản

1. Khái niệm

– Bài văn phân tích đặc điểm nhân vật văn học thuộc thể văn nghị luận văn học. Trong đó, người viết đưa ra ý kiến bàn về đặc điểm của các nhân vật trong một tác phẩm văn học.

2. Yêu cầu đối với kiểu bài

Yêu cầu đối với kiểu bài

Nội dung – Giới thiệu được nhân vật cần phân tích.

– Trình bày được ý kiến của người viết về các đặc điểm khái quát từ nét tính cách, phẩm chất nhân vật.

Lí lẽ  Đưa ra lý lẽ rõ ràng, thuyết phục để làm sáng tỏ ý kiến.
Bằng chứng Đưa ra bằng chứng là các chi tiết, sự việc, lời nói, trích dẫn từ văn bản để làm sáng tỏ lí lẽ.
Bố cục bài viết – Mở bài: Giới thiệu nhân vật cần bàn luận và thể hiện ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật.

– Thân bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm để giúp người đọc hiểu thêm về nhân vật cần phân tích. Khẳng định ý kiến về các đặc điểm của nhân vật, đưa ra lý lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến, các lí lẽ và bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

– Kết bài: Khẳng định lại ý kiến của người viết về đặc điểm nhân vật, nêu cảm nghĩ của người viết về nhân vật.

II. Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Câu 1:

– Bài văn viết về nhân vật cụ Bơ-mơn trong truyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Ô-Hen-ri.

– Người viết đã trình bày ý kiến về đặc điểm nhân vật cụ Bơ-mơn: bác họa sĩ già giàu lòng nhân ái, có khát vọng nghệ thuật cao đẹp.

Câu 2: Khi trình bày lí lẽ, bằng chứng để làm rõ đặc điểm nhân vật cần chú ý:

– Lí lẽ cần thuyết phục, rõ ràng.

– Bằng chứng cần xác thực, phong phú.

– Lí lẽ, bằng chứng cần được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

Câu 3: Ở phần kết bài, tác giả đã khẳng định lại một lần nữa về phẩm chất, con người cụ Bơ-mơn. Đồng thời, tác giả nêu cảm nghĩ về nhân vật, tự rút ra bài học cho bản thân trong cuộc sống.

III. Hướng dẫn quy trình viết

* Quy trình viết gồm bốn bước:

Bước 1: chuẩn bị trước khi viết

Bước 2: tìm ý và lập dàn ý

Bước 3: viết bài

Bước 4: xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Quy trình viết

Thao tác cần làm
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết – Xác định mục đích
– Xác định đối tượng người đọc
– Xác định đề tài

– Thu thập tư liệu

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý – Để tìm ý cho đoạn văn, em hãy:

+ Đọc lại toàn bộ tác phẩm thống kê lại biểu hiện các phương diện tạo nên chân dung nhân vật trong tác phẩm

+ Rút ra được các đặc điểm nhân vật thể hiện trong tác phẩm

+ Khái quát lại tính cách, phẩm chất nhân vật bằng các từ ngữ thích hợp

– Lập dàn ý theo sơ đồ hướng dẫn sau:

a. Mở bài:

– Nhân vật tôi phân tích là:

– Ý kiến của tôi về đặc điểm thứ nhất của nhân vật

b. Thân bài:

* Phân tích đặc điểm thứ nhất của nhân vật:

– Ý kiến của tôi về đặc điểm thứ nhất của nhân vật

– Lí lẽ 1

– Bằng chứng

– Lí lẽ 2

– Bằng chứng

* Phân tích đặc điểm thứ hai của nhân vật:

– Ý kiến của tôi về đặc điểm thứ hai của nhân vật:

– Lí lẽ 1:

– Bằng chứng:

– Lí lẽ 2:

– Bằng chứng:

c. Kết bài:

– Khẳng định lại ý kiến

– Cảm nhận về nhân vật

Bước 3: Viết bài văn – Dựa vào dàn ý, viết bài văn hoàn chỉnh.

– Khi viết, cần chú ý:

+ Để bài văn mạch lạc, rõ ràng cần có những câu văn nêu rõ ý kiến của người viết và sử dụng từ có chức năng chuyển ý

+ Có thể trao đổi với những ý kiến khác về nhân vật để tạo sự hấp dẫn cho bài viết

+ Khi triển khai bằng chứng, cần tránh kể lại truyện, chú ý phân tích, nêu ý nghĩa của bằng chứng

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm – Xem lại và chỉnh sửa: Dựa vào bảng kiểm SGK/tr.72.
– Rút kinh nghiệm: Từ bài viết của mình, em rút ra được kinh nghiệm gì về việc viết một bài văn phân tích đặc điểm nhân vật văn học?

IV. Thực hành viết

Đề bài: Em hãy viết bài văn (khoảng 400 đến 500 chữ) phân tích nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc

Bài tham khảo:

VỀ NHÂN VẬT CHỊ DẬU TRONG TIỂU THUYẾT “TẮT ĐÈN” CỦA NHÀ VĂN NGÔ TẤT TỐ

“Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử

Nắng cho đời nên nắng cũng nên thơ”

Một trong những đề tài dành được rất nhiều sự quan tâm và là mảnh đất tốt để ươm lên những mầm cây văn học chính là dòng cảm hứng về người phụ nữ Việt Nam ta. Những người phụ nữ “hồng nhan bạc phận”, phải chịu sự bó buộc của xã hội phong kiến, phải sống trong kiếp cảnh lầm than, cực khổ. Thế nhưng, bằng một động lực mạnh mẽ nào đó họ vẫn luôn dám vùng dậy đấu tranh vì công bằng, lẽ phải, tình yêu thương gia đình, vẫn luôn giữ vững cho mình những phẩm chất tốt đẹp và niềm tin vào cuộc sống trong bất kì hoàn cảnh tối tăm đến nhường nào. Đặc biệt là hình ảnh chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Hẳn ta sẽ không quên được người phụ nữ nghèo khổ nhưng lại hết lòng vì chồng con và có sức sống mãnh liệt.

Vẻ đẹp của chị Dậu được tỏa sáng trong một hoàn cảnh đặc biệt: cuộc sống của gia đình chị và nông thôn Việt Nam lâm vào bước đường cùng bởi chính sách sưu thuế bất công và sự tàn ác bất lương của bộ máy cai trị. Mà gia đình chị còn nghèo nhất nhì hạng cùng đinh. Trong hoàn cảnh đó ta vẫn thấy vẻ đẹp tỏa sáng từ tâm hồn của chị Dậu chị Dậu là người vợ, người mẹ giàu tình yêu thương. Trong cơn nguy kịch, chị Dậu đã lay gọi và tìm mọi cách cứu chữa cho chồng. Hàng xóm thương tình cho bát. Cháo chín, chị múc ra bát, lấy quạt quạt cho nguội để chồng “ăn lấy vài húp” vì chồng chị đã “nhịn xuông từ sáng hôm qua tới giờ còn gì”. Trong tiếng trống, tiếng tù và, chị Dậu khẩn khoản tha thiết mời chồng “Thầy em cố gắng dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột”. Lời người đàn bà nhà quê mới chồng ăn cháo lúc hoạn nạn chứa đựng biết bao tình yêu thương, an ủi, vỗ về. Cái cử chỉ chị bế cài Tửu ngồi xuống cạnh chồng “cố ý chờ xem chồng ăn có ngon miệng không” đã biểu lộ sự săn sóc và yêu thương của người vợ đối với người chồng đang đau ốm, tính mạng đang bị bọn cường hào đe doạ. Tình cảm ấy là hơi thở dịu dàng thức tỉnh và bù đắp sự sống cho anh Dậu. Mỗi cử chỉ, hành động của anh Dậu đều có ánh mắt thấp thỏm của chị Dậu dõi theo. Đó là biểu hiện đẹp đẽ nhất của tình yêu thương chồng con trong chị. Chị quả là một người mẹ tần tảo, người vợ giàu tình yêu thương.

Khi chồng ốm đau, một tay chị chạy vạy ngược xuôi khắp nơi để có tiền lo sưu thuế không chỉ cho chồng mà còn người em chồng đã khuất. Vì tình cảnh quá ngặt nghèo chị phải bán đi đứa con mình đứt ruột đẻ ra, lòng người mẹ nào không đau cho được. Lòng chị chắc hẳn luôn quặn thắt luôn nhói đau. Chị quả là người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Và chính sự giàu tình yêu thương chồng con và sự thông minh, lanh lẹ, dũng cảm của mình mà trong chị luôn tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ để đánh thắng được bọn cai lệ sầm sập tiến vào bắt trói anh và đứng lên bảo vệ chồng.

Khi bọn tay sai, người nhà lí trưởng sầm sập tiến vào với tay thước, roi song, dây thừng, chị đã nhẫn nhục chịu đựng, cố van xin tha thiết bằng giọng cầu khẩn “Hai ông làm phúc nói với ông lí cho cháu khất”. Cách xử sự và xưng hô của chị thể hiện thái độ chịu đựng. Chị có thái độ như vậy là vì chị biết thân phận thấp cổ bé họng của mình, biết cái tình thế ngặt nghèo của gia đình mình để mong chúng tha cho. Nhưng tên cai lệ không động lòng thương mà còn chửi mắng chị thậm tệ. Hắn chạy đến trói anh Dậu. Chị xám mặt vội vàng đỡ lấy tay hắn, vẫn cố van xin thảm thiết “Cháu van ông! Nhà cháu mới tỉnh được một lúc, ông tha cho”. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, chị càng nhẫn nhịn, tên cai lệ càng lấn. Hắn lồng lên như một con chó điên “bịch luôn vào nhưng chị mấy bịch” rồi “tát vào mặt chị một cái đánh bốp”, nhảy vào trói anh Dậu. Hắn hành động dã man thì mọi sự nhẫn nhục đều có giới hạn. Chị đã kiên quyết cự lại. Thoạt đầu, chị cự lại bằng lí lẽ ” chồng tôi đau ốm, các ông không được phép hành hạ”. Lời nói đanh thép của chị như một lời cảnh cáo, nói cái lý đương nhiên, cái đạo lí tối thiểu của con người. Lúc này chị đã thay đổi cách xưng hô ngang hàng, nhìn vào mặt đối thủ với thái độ quyết liệt ấy. Chị Dậu dịu dàng đã trở nên mạnh mẽ đáo để. Đến khi tên cai lệ dã thú ấy vẫn không thèm trả lời còn tát vào mặt chị một cái đánh bốp rồi nhảy vào cạnh anh Dậu thì chị đã vội đứng dậy với niềm căm giận ngùn ngụt chị nghiến hai hàm răng “mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Cách xưng hô hết sức đanh đá của người phụ nữ bình dân thể hiện một tư thế “đứng trên đối thủ, sẵn sàng đè bẹp đối phương”. Rồi chị “túm cổ tên cai lệ, ấn dúi ra cửa… lẳng người nhà lí trưởng ngã nhào ra thềm”. Hình ảnh tư thế của chị Dậu lúc này thật đẹp, một vẻ đẹp ngang tàn. Câu nói: “Thà ngồi tù. Để chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được… ” đã chứa đựng một thái độ, một tư thế làm người không sống quỳ, sống nhục. Với chị, nhà tù cũng chẳng có thể làm cho chị run sợ. Con giun xéo mãi cũng quằn, chị Dậu cũng vậy, bị áp bức dã man, tính mạng bị đe dọa, chị đã vùng lên đánh trả một cách dũng cảm. Chị Dậu biết nhẫn nhục chịu đựng nhưng không hề yếu đuối mà có sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng một tinh thần phản kháng.

Qua đó, ta có thể thấy rằng chị Dậu chính là điển hình cho người phụ nữ Việt Nam. Họ luôn hết lòng vì gia đình, chồng con. Họ luôn sẵn sàng đứng lên để bảo vệ những người thân yêu của mình. Họ dám đứng dậy đấu tranh, chiến đấu kiên cường, bất khuất vì công bằng, lẽ phải. Những người phụ nữ Việt Nam ta cứ thấy lăn xả vào bóng tối như mực, kiếm cách phá tung ra để tìm đường sống. Ta thấy chân dung người phụ nữ Việt Nam trong văn học đã có một bước phát triển mới về cả tâm hồn lẫn chí khí.

Cảm ơn Ngô Tất Tố! Ông đã cho chúng ta hiểu rõ cái cuộc sống cùng quẫn, bi thảm của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến làm chúng ta càng cảm phục trước những phẩm chất cao quý, đẹp đẽ và trong sáng của họ. Giữa bùn đen nhưng tâm hồn họ vẫn tỏa hương thơm ngát như đoá hoa sen đồng nội.

5/5 (1 bình chọn)