Nắng vẫn vàng ươm trên con đường quen thuộc, con đường ngày ấy tôi chôn chân chứng kiến cảnh chiếc xe tải đưa “bóng nhỏ liêu xiêu” của em tôi dần rời xa. Cái cảm giác tim chết lặng còn mọi thứ xung quanh cô đặc lại đến bây giờ vẫn còn râm ran, nhức nhối trong tôi. Bao năm rồi vẫn vậy, mỗi lần ngắm nhìn Vệ Sĩ và con Em Nhỏ quàng tay nhau âu yếm ngay đầu giường, tim tôi như thắt lại, đôi mắt tròn đẫm nước ấy vẫn cứ hiển hiện trong đầu không buông. Bao năm rồi, giấc mơ nào của tôi cũng văng vẳng lời dặn của em “Anh hứa với em sẽ không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau. Anh nhớ chưa?”…
Cái ngày định mệnh ấy đến với anh em chúng tôi như một cơn sóng thần ập đến rồi cuốn đi tất thảy những bình yên mà chúng tôi gom góp được. Cảnh vật vẫn như cũ, hoa thược dược trong vườn vẫn khoe bộ cánh rực rỡ dưới ánh nắng ban mai; cuộc sống vẫn tấp nập như thường ngày… Thế nhưng khung cảnh ấm cúng sẽ không bao giờ quay trở lại trong ngôi nhà của chúng tôi được nữa. Ngày mẹ và em tôi xách đồ đạc rồi bước lên xe và lao đi mất hút, bỏ lại tôi chới với giữa con đường vắng bóng. Tôi không biết lúc đó mình có còn khóc được nữa hay không, bởi cảm giác hụt hẫng và đớn đau đang đè nén rồi xoắn chặt lấy tâm can tôi mà ngấu nghiến. Lơ lửng giữa không trung, một con chim nhạn chao đi chao lại rồi bỗng nhiên buông mình, cánh nó còn yếu lắm, nó chưa tự bước ra khoảng trời rộng lớn ấy để bay đi được vậy mà tổ ấm đã không còn….
Ba ngày sau ba tôi mới về nhà, khuôn mặt ba gầy rộp hẳn đi, người nồng nặc mùi men rượu. Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ thấy ba tôi – một người đàn ông hiền lành, lúc nào cũng âm thầm lặng lẽ chỉ biết đi làm rồi trở về nhà- lại trở nên như vậy. Có lẽ cái bản tính cục mịch của ông đã không khiến mẹ tôi cảm thấy hạnh phúc nên mới đi đến quyết định “không thể sống với nhau được nữa” và “đành phải chia tay”. Trong suy nghĩ non nớt của tôi lúc bấy giờ chỉ có như vậy thôi. Bởi tôi lúc ấy không còn phân biệt được tình thế mình đang gặp phải là gì nữa. Trong ba ngày đơn độc, tôi cũng chỉ như con chim nhạn kia, thả mình trong vô định mà không biết rồi sẽ về đâu. Tôi ôm cả con Em Nhỏ và con Vệ Sĩ vào lòng: Đến bao giờ anh mới được gặp lại em, Thủy ơi?”
Năm năm sẽ là thoáng qua bao người, còn với tôi nó vô vị và nhạt nhẽo.
Một hôm, ba tôi gọi tôi đến và bảo:
– Thành à! Năm nay thi Đại học rồi, cố gắng lên nghe con!
Gương mặt ba tôi vẫn khắc khổ và lạnh lùng. Đã rất lâu rồi, kể từ ngày mẹ và em Thủy ra đi, căn nhà chúng tôi trở nên ảm đạm và u uất như một ngôi chùa vắng người qua lại. Ngày ngày ba tôi đi làm, đêm về lại ôm chiếc radio như một người bạn tri kỉ, tôi vẫn đến trường rồi về nhà, thỉnh thoảng chăm sóc vườn cây của anh em tôi, vườn hoa thược dược mà em Thủy tôi rất thích. Mọi thứ diễn ra bình lặng và cô quạnh. Tôi vẫn được đi học. Còn may mắn gấp ngàn lần so với đứa em tội nghiệp của tôi. Đã nhiều lần, tôi toan hỏi ba về mẹ và em, nhưng nghĩ đến những lời hằn học trong những đêm rên rỉ vì say của ba nên tôi không dám nữa. Tôi chọn cách viết thư, tôi viết cho mẹ, tôi viết cho Thủy, nhưng chưa một lần nào tôi nhận được hồi âm. Dẫu biết rằng ở quê ngoại xa xôi em tôi sẽ không còn được cầm bút đến trường, mẹ tôi chắc cũng phải lăn lộn ngược xuôi vất vả. Cứ nghĩ đến cảnh ấy, trái tim tôi như bị ai bóp nghẹt rồi nhói lên từng hồi. Vệ Sĩ vẫn canh giấc ngủ cho tôi hằng đêm, nhưng có đêm nào mà tôi được yên giấc nữa đâu? Tôi vẫn chờ đến một ngày nào đó, khi đôi cánh chim nhạn đủ vững, tôi sẽ theo nó đi đến vùng trời nơi có mẹ và em tôi.
Bữa cơm tối hôm ấy, ba tôi lại lần nữa bắt chuyện với tôi:
– Con lo ăn uống đầy đủ rồi còn có sức mà lo chuyện học hành!
Cũng như mọi lần, tôi “vâng ạ!” rồi lại tiếp tục đưa cơm vào miệng. Ba tôi định nói gì đó nữa, tôi ngẩng đầu lên chờ đón câu “dặn dò cũ kĩ” tiếp theo, nhưng ba tôi âm ừ rồi gạt phắt đi. Bữa cơm nào ăn với nhau cũng vậy, chỉ có tiếng thìa đũa lạch cạch va vào nhau, tiếng chén đặt xuống bàn nhỏ nhẹ cũng trở thành một thứ âm thanh khiến người đi ngoài đường kia phải ngoái nhìn vào. Ba tôi bỏ đũa, kéo ghế đứng dậy, rồi lên tiếng:
– Mẹ và em con vẫn ổn! – Chỉ chừng đó thôi, có chừng đó thôi mà sao tôi nghe như có âm thanh náo nhiệt nào đó vọng lại. Ba bước vội đi còn tôi chới với theo để hỏi nhưng miệng tôi đột nhiên cứng lại chẳng biết nói gì. Tôi bần thần. Nghĩa là ba tôi có biết về mẹ và em Thủy, nghĩa là ba vẫn quan tâm đến chúng tôi, nghĩa là… Bao nhiêu suy nghĩ và cả những câu hỏi dồn dập trong đầu tôi. Những cái chột dạ, cả những hoài nghi cùng với niềm sung sướng đang len lỏi vào từng ngõ ngách trong cơ thể tôi.
Từ hôm đó, tôi bắt đầu lên kế hoạch cho riêng mình. Tôi nghĩ, ba tôi sẽ không còn ngăn cản tôi như trước đây khi mà tôi có ý định bỏ nhà đi tìm mẹ và em nữa. Vả lại, khi tôi vào Đại học rồi, tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn để được gặp lại “Em Nhỏ” của tôi.
Khi những cơn mưa rào đầu mùa thoáng qua trong đêm, một chút nắng chói chang lúc ban ngày, khi tiếng tu hú kêu thủng thẳng trong những lùm cây nhãn um tùm, những nhành phượng cựa mình hé mở… là lúc tôi cảm nhận mùi vị của mùa hè đang đến.Trong cái nắng tháng 7, những ông bố, bà mẹ quên hết khó khăn, cực nhọc để sát cánh bên con trong những ngày “vượt vũ môn”, còn tôi vẫn lầm lũi một mình đi thực hiện ước mơ của riêng mình. Rồi mọi thứ cũng chớp nhoáng như cơn mưa rào ngày hè vậy, kì thi Đại học cũng xong. Tôi chẳng mấy hoan hỉ với những nỗ lực vừa qua, mà chỉ mong sao mình về nhà thật nhanh. Tôi định sẽ gặp bố rồi xin địa chỉ của mẹ và em, con đường về nhà ngoại chắc cũng xa nhưng chẳng sao, tôi có niềm vui riêng cho mình.
Sân nhà tôi hôm nay sao chật ních người, xe tải, xe máy ầm ì, bóng người nhốn nháo, tiếng người râm ran cả một vùng. Tôi vừa bước vào, mọi người tản ra nhường chỗ. Lòng tôi hân hoan: “Chả nhẽ mẹ và em tôi đã về?”. Chân bước nhanh nhưng cứ ríu lại, đám đông rẽ sang một bên. Bao nhiêu tò mò bỗng tắt ngấm, bước chân sao tự nhiên khuỵu lại. Giữa sân nhà tôi, ba tôi nằm đó… lặng yên như đang ngủ say. Công trường bụi bặm đã khiến bộ quần áo công nhân màu xanh đã ngả bạc. Gương mặt rám nắng trộn lẫn mồ hôi và những vết máu loang lổ khiến cho tâm trí tôi hoảng loạn. Mọi người vây quanh ba tôi… Chân tay bủn rủn, tôi bất giác rên khẽ… “Ba ơi…”. Tôi nắm lấy bàn tay gầy gò xương xương ấy, tôi nắm lấy cánh tay bất động đang đặt trên thân thể còn ấm ấy, tôi lay gọi ba:
– Ba ơi… Ba ơi…Ba dậy đi ba ơi…!
Mọi thứ xung quanh cứ mờ dần, mờ dần rồi sụp hẳn. Căn nhà hôm nay đông kín người vậy mà sao nghe lạnh lẽo. Mọi thứ đến với tôi vẫn luôn chớp nhoáng như vậy. Một người đàn ông mặc áo xanh, tôi chỉ còn thấy màu xanh, đến bên tôi và nói:
– Ba cháu bị tai nạn trong lúc làm công trình, chúng tôi xin chia buồn với cháu! Thế mẹ cháu và anh em cháu ở đâu?
– … – Còn lời nào để tôi đáp lại nữa. Mẹ tôi? Em tôi?…
Lần thứ hai trong đời, đau đớn đến và giày xéo tâm can tôi còn hơn cả những nỗi đau về thể xác. Tôi bần thần đứng lặng lẽ bên quan tài ba. Nhà tôi hôm nay tấp nập người, người đến viếng, người anh em họ hàng xa… tất cả lặng lẽ đến nhìn tôi ban phát vài ánh nhìn ái ngại, cảm thông rồi lặng lẽ đi về. Trong đầu tôi bây giờ chỉ còn văng vẳng có mỗi câu nói của ba “Thành à! Năm nay thi Đại học rồi, cố gắng lên nghe con!”. Những năm năm rồi, tôi với ba chỉ có những khoảng lặng nặng nề.Có những lần tôi còn ghét bỏ ba như thể ba đã gây ra tội ác tày trời, khiến cho tuổi thơ anh em tôi ra nông nỗi này. Tôi đang cảm thấy ân hận sao?…
Miên man trong từng suy nghĩ, tôi không để ý rằng có hai người đã đứng trước mặt tôi từ nãy đến giờ. Họ – một người đàn bà trạc tuổi tứ tuần, mái tóc vẫn búi gọn để lộ khuôn mặt gầy hanh hao, một cô bé cao ráo với đôi mắt vẫn tròn và ngân ngấn nước mắt – đang đứng ngay trước mặt tôi. Tôi nghẹn ngào, lắp bắp không nên lời rồi bỗng nhiên nức nở:
– M…ẹ…!
Hai người ôm chầm lấy tôi. Chao ôi! Ngay trong phút giây đau đớn nhất của cuộc đời, thì hạnh phúc mới giang rộng tay ôm lấy tôi hay sao? Mẹ tôi, em Thủy của tôi, bao năm nay tôi mòn mỏi mong ngóng thì bây giờ lại đến bên tôi trong cái tình cảnh khốn khổ như thế này đây.
Em tôi vẫn thế, dịu dàng và khôn ngoan, nhưng cặp mắt tròn xoe ngân ngấn nước thì không lẫn vào đâu được. Bao nhiêu năm rồi, cô “Em Nhỏ” của tôi đã lớn khôn. Em ôm lấy tôi nhưng không nói gì. Rồi em bước đến bên bàn thờ ba, em đi quanh quan tài của ba và thầm thì gì đó. Bỗng em nức nở thổn thức rồi òa lên khóc và ngồi sụp xuống. Cô gái bé nhỏ của tôi, tuổi thơ cơ cực đã khiến em tôi thành một cô gái mạnh mẽ nhưng rồi cũng đày đọa em như thế này đây. Mẹ tôi cũng suy sụp hẳn, thẫn thờ rồi ôm ngực rũ rượi. Sự ra đi của ba tôi như một sợi dây vô hình nào đó đang níu lấy thứ tình cảm sắt son mà bao lâu nay mẹ cố bẵng quên đi. Tôi biết, mẹ tôi không hận ba chút nào, mẹ cũng chẳng thể nào quên được người đàn ông của cuộc đời mình. Và ba tôi, tôi tin chắc ông cũng vậy. Bởi cái tin “mẹ và em vẫn ổn” đủ để tôi tin rằng ba tôi vẫn âm thầm dõi theo mẹ và em tôi. Chỉ tiếc rằng, nỗi bất hạnh lại một lần nữa ập đến với gia đình tôi…
Ba ngày tang cũng qua đi, căn nhà vốn dĩ đã u uất nay càng lạnh lẽo hơn. Chúng tôi vẫn lặng lẽ, mặc dù trước đó chắc ai cũng mong ngóng được nhìn thấy khuôn mặt của nhau, được ôm ấp nhau mà hàn huyên. Tôi bưng cơm đặt lên bàn thờ ba xong thì xuống nhà dưới. Em tôi bần thần ngồi trên giường, tay ôm con Vệ Sĩ và Em Nhỏ, mắt nhìn xa xăm. Tôi đến gần ngồi bên, lên tiếng:
– Em mệt không?
-… Em không mệt lắm!- Em đáp lời tôi ngắn gọn. Dường như có một khoảng cách nào đó giữa hai chúng tôi. Cũng tại thời gian cả thôi. Thời gian làm cho anh em tôi lớn dần, thời gian khiến cho anh em tôi xa cách hơn. Bỗng em tôi nghẹn ngào:
– Anh biết không? Ba đã về quê ngoại, ba đã cầu xin mẹ để mẹ và em lên đây sau khi anh thi xong Đại học. Ba bảo anh đã viết thư rất nhiều cho em, ba bảo anh sẽ đi tìm mẹ và em… Ba bảo… – Em nấc lên từng hồi.
Đến lúc này đây, tôi không còn biết nói gì nữa. Tôi toan đứng dậy và chạy đi thì em níu lấy tay tôi.
– Những năm qua ba về quê nhiều lắm, ba xin mẹ cho em được đến trường thay vì ra chợ đi bán rau. Ba xin mẹ cho ba được nuôi cả hai anh em đi học. Ba kể cho em nghe về anh, nhưng ba bảo em đừng viết thư lại để anh có ý chí học hành. Chỉ có một điều… là mẹ không bao giờ muốn cho em đi với ba.
Dòng nước mắt chan hòa đầm đìa, rồi em lôi trong túi ra rất nhiều bức thư của tôi viết. Tôi nhìn chúng. Tôi vỡ òa. Những dòng chữ ngay ngắn hiện ra, từ dòng thẳng tắp ngay ngắn đến những dòng nghiêng nghiêng, mỗi bức thư lớn dần theo anh em tôi. Đến bây giờ tôi mới nhìn kĩ khuôn mặt xinh xắn của em tôi. Tôi vẫn luôn nhớ gương mặt non nớt ngày nào líu ríu chạy theo tôi đòi đi chơi, đôi mắt sưng mọng sau cái đêm ba mẹ tôi quyết định “đường ai nấy đi”. Tôi vẫn nhớ bàn tay thoăn thoắt khéo léo khâu cho tôi chiếc áo bị rách… Đứa em gái bé bỏng của tôi, sau bao năm mong ngóng thì bây giờ cũng trở về bên cạnh tôi rồi. Tôi quàng tay ôm gọn em, em tựa đầu vào vai tôi rồi rưng rức:
– Em nhớ anh, em nhớ ba lắm! Vậy mà ba nỡ nào bỏ em đi rồi…
“Em Nhỏ” của tôi ơi! Cuối cùng em cũng trở về, nhưng lần trở về này có khác gì lúc em ra đi đâu. Vẫn đôi mắt nước lưng tròng, vẫn nỗi thổn thức trước sự chia cách không hẹn trước. Nhưng không sao, tôi bây giờ không còn giống tôi ngày xưa nữa. Không còn là tôi đứng chôn chân nhìn bóng em khuất khỏi tầm mắt rồi mất hút nữa. Tôi sẽ không bao giờ để em ra đi nữa đâu!
“Vệ Sĩ” và “Em Nhỏ” sẽ không còn cô đơn mỗi lúc đêm về…