Cảm xúc về cuộc sống, về vạn vật quanh ta được gói trọn trong từng lời thơ, câu văn say đắm lòng người. Trong chủ đề Tiếng nói của vạn vật chương trình Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo chúng ta được tìm hiểu về thể thơ bốn chữ, năm chữ. Trong tiết thực hành kĩ năng viết này, TruongPhuong.com cùng bạn rèn luyện kỹ năng làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ và viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ nhé.
I. Làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
1. Một số điểm cần lưu ý khi làm một bài thơ
– Thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận… của người viết về cuộc sống.
– Sử dụng từ ngữ, hình ảnh phù hợp để thể hiện cách nhìn, cảm xúc của bản thân về cuộc sống.
– Sử dụng các biện pháp tu từ phù hợp để tạo nên những liên tưởng độc đáo, thú vị.
– Gieo vần, ngắt nhịp một cách hợp lý để làm tăng giá trị biểu đạt của ngôn từ.
– Đặt nhan đề phù hợp với nội dung văn bản.
– Đảm bảo đủ số chữ ở các dòng thơ theo yêu cầu của thể loại.
2. Hướng dẫn phân tích văn bản mẫu
– Về đặc điểm thể loại
+ Về số tiếng: Mỗi câu thơ có 5 tiếng => thơ 5 chữ.
+ Bài thơ có 6 khổ thơ, mỗi khổ thơ gồm 4 dòng.
+ Nhịp thơ: 3/2, 2/3.
+ Vần chân: đâu – nâu
nhà – hoa
lửa – đưa
rồi – trôi
=> Sử dụng vần nhịp một cách hợp lý làm tăng giá trị biểu đạt của ngôn từ.
– Về nghệ thuật
+ Hình ảnh: tấm áo nâu, áo trời, mưa phùn, khói, màn sương, dáng mẹ, đốm nắng, giọt nắng hồng,…
=> hình ảnh gợi cảm, sinh động, thể hiện sự liên tưởng bất ngờ thú vị.
+ Biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, so sánh, ẩn dụ.
=> thể hiện sự sống động của thiên nhiên.
– Về nội dung
+ Bài thơ thể hiện cảm xúc của tác giả trước bức tranh thiên nhiên và cuộc sống khi đất trời vào đông.
3. Thực hành theo quy trình viết
(HS tham khảo quy trình viết ở SHS)
Đề bài: Hãy làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ thể hiện cảm xúc của em về một sự vật, hiện tượng nào đó của thiên nhiên hoặc cuộc sống.
HS tham khảo một số bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ sau đây:
DÒNG SÔNG HÀN
(Bài làm của HS)
Đẹp hương lúa biển trời
Dòng sông Hàn mênh mông.
Là niềm tin cuộc sống
Cho Đà Nẵng đẹp tươi.
Ôi, dòng sông yêu thương
Dạt dào như tình mẹ.
Mạn thuyền sóng vỗ nhẹ
Cầu băng qua sông Hàn.
Dòng sông đẹp mê hồn
Lung linh vàng, đỏ, trắng
Pháo hoa ngày giải phóng
Rạng ngời trong mắt ta.
Dòng sông Hàn bao la
Đẹp tình người Đà Nẵng
Sông muôn đời thầm lặng
Bao thế hệ đi qua…
NHỮNG HÀNG PHƯỢNG VĨ
(Bài làm của HS)
Hàng phượng trên sân trường
Nóng nực, rực lửa đỏ
Lại một mùa hè đến
Bàng hoàng phút chia tay
Hè về, hè về rồi
Sân trường im thin thít
Thiếu tiếng đùa con nít
Bác trống trường lặng im
Các gian lớp buồn tẻ
Thiếu dáng vẻ thầy cô
Bảng đen phấn trắng ơi!
Chờ thêm ba tháng nhé!
Chỉ riêng cây phượng vĩ
Chẳng có gì thắc mắc
Đỏ tươi em khoe sắc
Suốt cả hè, ve kêu.
MƯA
(Bài làm của HS)
Trong vườn hoa đua nở
Bầy ong mật vo ve
Chú họa mi đến khoe
Véo von cất tiếng hót.
Bác chuồn chuồn hoảng hốt
Báo tin: Trời sắp mưa!
Ong mật vội bay đi
Họa mi tìm chỗ nấp.
Mây đen nhìn xị mặt
Thân nặng trĩu mưa rơi
Anh sấm rạch bầu trời
Sét bật cười khanh khách.
Mưa bắt đầu tí tách
Rồi lộp bộp trên sân
Bong bóng đập vỡ tan
Bụi đua nhau chạy trốn.
Chị gà dang đôi cánh
Che chở đàn con thơ
Mèo bên hiên nằm mơ
Giật mình bừng tỉnh giấc.
Hoa trong vườn tắm mát
Cây đung đưa tươi cười
Đua nhau uống nước trời
Dàn mùng tơi nhảy múa.
Mưa ngừng trời lại sáng
Mặt trời bỗng lên ngôi
Nắng ban sức sống mới
Vạn vật lại xinh tươi.
THU VỀ
Thu về trước ngõ
Lá sầu nhẹ rơi
Chân nhẹ trong gió
Lá dày hơi sương.
Trời xanh cao vút
Áo dài thướt tha
Tan trường rộn rã
Đàn trắng thiên nga.
Chiều trong gió nhẹ
Nắng vàng thanh tao
Bâng khuâng thấy lạ
Có phải nàng thu?
II. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
1. Tìm hiểu tri thức về đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ
* Khái niệm:
– Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ thuộc kiểu văn biểu cảm, thể hiện cảm xúc của người viết về một bài thơ.
* Yêu cầu đối với kiểu bài:
Yêu cầu đối với kiểu bài | |
Hình thức | Đảm bảo hình thức đoạn văn. |
Nội dung | Trình bày cảm xúc của người viết về về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ. |
Ngôi kể | Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc. |
Cấu trúc đoạn văn | – Mở đoạn: giới thiệu nhan đề, tác giả và cảm xúc chung về bài thơ bằng một câu (câu chủ đề).
– Thân đoạn: trình bày cảm xúc của bản thân về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, cảm xúc đó được gợi ra từ những hình ảnh, từ ngữ nào trong bài thơ. – Kết đoạn: khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với người viết. |
2. Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản
- Tác giả dùng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc về bài thơ.
- Những cảm xúc mà tác giả thể hiện trong đoạn văn là: tôi rất thích bài thơ Nắng hồng của Bảo Ngọc vì cách dẫn dắt bất ngờ, thú vị của tác giả,… cảm nhận được rõ nét cái rét buốt của tiết trời lạnh giá,… giúp tôi cảm nhận rõ hơn về tình mẹ và cả những yêu thương của một đứa trẻ dành cho mẹ.
- Nội dung của câu mở đoạn: giới thiệu nhan đề bài thơ, tên tác giả và cảm xúc chung về bài thơ.
- Phần thân đoạn (từ câu 2 đến câu 6): trình bày cảm xúc của người viết về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
- Nội dung của câu kết đoạn: Khẳng định cảm xúc và ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.
3. Hướng dẫn quy trình viết
(HS tham khảo quy trình viết ở SHS)
Đề bài: Chủ đề bản tin học tập Ngữ Văn tháng này của trường em là: “Vẻ đẹp của những bài thơ”. Em vừa đọc được một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ rất hay và muốn viết đoạn văn khoảng 200 chữ để chia sẻ cảm xúc về bài thơ đó với các bạn. Hãy thực hiện dự định của mình và gửi đoạn văn đến ban biên tập bản tin.
Bài viết tham khảo:
Cảm xúc sau khi đọc bài thơ “Đồng dao mùa xuân” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
Nhắc tới Nguyễn Khoa Điềm, mỗi chúng ta lại nhớ về hình ảnh của quê hương và những người lính. Thơ ông mang cảm hứng ngợi ca, là những tái hiện vẻ đẹp con người trong chiến tranh, là tình yêu quê hương đất nước. Dù chiến tranh đã đi xa, con người đang sống trong thời đại mới, nhưng mỗi lần ngân lên những khúc thơ ấy mỗi bạn đọc chắc hẳn sẽ vô cùng tự hào, được tiếp thêm động lực để sống tốt hơn, phấn đấu nhiều hơn. Đồng dao mùa xuân – bài thơ bốn chữ ngắn gọn nhưng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, mở ra trong suy nghĩ mỗi người về hình ảnh người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ với những nét đẹp mộc mạc, chân chất nhưng vô cùng anh dũng, kiên cường. Bài thơ được chia thành chín khổ. Hầu hết các khổ đều có bốn dòng. Thể thơ bốn chữ với nhịp điệu linh hoạt 2/2, 1/3 tạo nên sự nhịp nhàng tựa khúc nhạc tâm hồn vui tươi, trong trẻo. Đồng dao mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại một lần nữa ngân lên khúc ca về người lính – bộ đội cụ Hồ. Họ – những thanh niên còn rất “xuân” bởi “Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống/ Còn mê thả diều”. Họ – để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường, gác lại cuộc đời của mình trong hình ảnh người lính giản dị, khiêm nhường, hiền lành với “Ba lô con cóc/ Tấm áo màu xanh/ Cái cười hiền lành”. Họ – đã rất kiên cường xông pha qua bao trận mạc, hy sinh anh dũng để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, để trở thành ngọn lửa mà đồng đội luôn đem theo bên mình: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo”. Trên đôi “vai đầy núi non”, ta thấy cả giang sơn, cả dân tộc, cả tương lai nước nhà. Sự hi sinh của những người lính đã hóa bất tử, họ mãi mãi sống với non sông, với thanh xuân còn non trẻ, với lòng biết ơn, thương nhớ của đồng đội, nhân dân và đất nước. Bài thơ là khúc đồng dao về tuổi thanh xuân của người lính, về sự bất tử của hình anh người lính trẻ. Hình ảnh các anh còn sống mãi trong trái tim nhân dân như mùa xuân trường tồn cùng vũ trụ. Qua đó, nhà thơ ca ngợi những người anh hùng trẻ tuổi, bày tỏ sự ghi nhớ, biết ơn sự hi sinh của các anh. Tác giả sử dụng hình thức của đồng dao để lưu truyền mãi trong những thế hệ sau lời ngợi ca, lòng biết ơn những người lính trẻ đã dâng hiến mùa xuân cuộc đời mình kết thành những mùa xuân vĩnh cửu cho dân tộc, đất nước.
Xem thêm các bài soạn khác của Bài 1: Tiếng nói của vạn vật
1. Soạn bài Lời của cây (Trần Hữu Thung).
2. Soạn bài Sang thu (Hữu Thỉnh).
3. Soạn bài Đọc kết nối chủ điểm: Ông Một (Vũ Hùng).
4. Soạn bài Thực hành tiếng Việt: Phó từ.
5. Soạn bài Đọc mở rộng theo thể loại: Con chim chiền chiện (Huy Cận).
7. Soạn bài Nói và nghe: Tóm tắt ý chính do người khác trình bày.
8. Ôn tập bài 1.